Công nghệ trong Giáo dục: Cách mạng hay tiến hoá?

Technology in Education: Revolution or Evolution?

Trình bày tại Hội thảo “Tương lai của giáo dục tổng quát”

Đại học Lafayette

10/4/2012

Adam F. Falk – Chủ tịch, Đại học Williams [1] | Đặng Thanh Giang dịch

Dường như bạn không thể đọc một tờ báo hay tạp chí – chuyên mục giáo dục của New York Times, The Chronicle of Higher Education, EDUCAUSE Review – mà không đụng phải sự khẳng định nhiệt tình rằng công nghệ thông tin đã thay đổi mọi thứ về sinh viên và cách chúng ta giáo dục chúng. Video trực tuyến! Chat rooms! Máy tính xách tay! iPod (Bạn còn nhớ khi Duke tặng tất cả các sinh viên năm nhất một chiếc iPod, chúng mới chỉ mới ra mắt trên thị trường không? [2])! Hệ thống quản lý khóa học! iPad! Danh sách này vẫn còn dài, và sẽ còn tiếp tục kéo dài trong dòng chảy vô tận của công nghệ mới.

Không còn nghi ngờ gì nữa, tất cả các công nghệ này đều thú vị và cuốn hút, cung cấp cho chúng ta những cách mới và sáng tạo để chuẩn bị cho các chàng trai, cô gái trẻ hội nhập vào thế giới như những người lớn có học thức. Nhưng sẽ có những tuyên bố mạnh mẽ hơn về việc những công nghệ mới này đã thay đổi, hoặc sẽ sớm thay đổi, những nguyên tắc nghề nghiệp cơ bản của chúng ta. Ngay cả ở một ngôi trường với 229 năm lịch sử như Williams, tôi đã nghe thấy những lo ngại về sự lỗi thời khi đối mặt với máy tính và cuộc cách mạng internet. Liệu vai trò của Williams có còn quan trọng? Liệu một nền giáo dục tổng quát (liberal arts) ở vùng núi nông thôn New England, có phù hợp với những học sinh Twitter của thế kỷ 21 không? Quá chậm, quá chật chội, quá nhàm chán? Liệu những người ở Williams, và tất cả chúng ta, tại các trường đại học giáo dục tổng quát, có cần phải trở thành một thứ hoàn toàn khác nếu muốn tồn tại?

Câu trả lời của tôi đối với vấn đề này rất rõ ràng: dù công nghệ đã mang lại nhiều đổi thay, nền tảng cốt lõi của giáo dục, bao gồm nền giáo dục mà chúng tôi cung cấp tại Williams và giáo dục trong phạm trù rộng hơn, vẫn còn nguyên vẹn. Hơn nữa, cần phải mạnh dạn chống lại kết luận phản cảm rằng bởi sinh viên tiếp cận kiến thức từ Williams với những chế độ khác nhau (đa nhiệm, đa phương tiện, truy cập nhanh, thời gian chú ý ngắn), chúng ta phải trở nên giống như vậy nếu muốn giáo dục chúng. Tôi tin rằng nhiệm vụ của chúng ta, ngược lại, là hiểu rõ lợi thế và bất lợi của dòng chảy thông tin không ngừng nghỉ, và sử dụng thời gian ngắn ngủi của sinh viên ở trường đại học để giúp các em tăng cường khả năng và cơ hội tương tác sâu với tài liệu. Trên thực tế, sinh viên của chúng ta đang cần trải nghiệm này hơn bao giờ hết.

Tình huống chúng ta đang đối mặt thực ra không hề mới mẻ. Sự phát minh ra kĩ thuật in ấn từng được cho là kết thúc của trường đại học (“Tại sao mang tất cả những sinh viên này đến Oxford khi có thể gửi cho họ tất cả sách vở bằng ngựa? Cách đó sẽ rẻ hơn và hiệu quả hơn rất nhiều, và sinh viên có thể học một cách thoải mái và thuận tiện ở nhà.”), nhưng điều đó đã không xảy ra. Và còn nhiều ví dụ hơn về việc những tiến bộ trong công nghệ chưa bao giờ có thể đặt dấu chấm hết cho giáo dục. Dưới đây là ba ví dụ từ trải nghiệm của chính tôi:

Khi lên bảy tuổi, hoạt động yêu thích trong buổi sáng thứ Bảy của tôi là dậy sớm và xem TV chiếu lại phim Gilligan’s Island. Nhưng nếu thức dậy quá sớm, bởi ngày đó TV chỉ có bốn kênh, tôi sẽ phải chịu đựng sự tẻ nhạt của Bản tin nông nghiệp và chương trình Sunrise Semester lúc 6 giờ sáng trên kênh CBS. Chương trình Sunrise Semester, kéo dài từ năm 1957 đến năm 1982, là thử nghiệm đầu tiên của Đại học New York về giáo dục từ xa. Các khóa học được cung cấp trực tiếp với giảng viên của NYU phát sóng từ một studio ở New York. Theo trang web của NYU, khóa học đầu tiên được đưa ra giảng dạy là “Văn học so sánh 10: Từ Stendhal đến Hemingway” của giáo sư Floyd Zulli. Học sinh có thể được tính tín chỉ của trường nếu trả $75, kết quả: 700 người đã tham gia, 177 đã hoàn thành khóa học và 120.000 người theo dõi trên truyền hình. (Thật thú vị khi thấy rằng những con số này không mấy khác biệt so với khóa học “Máy học” (Machine learning), được cung cấp vào mùa xuân năm 2012 bởi các giáo sư Stanford dưới sự bảo trợ của Udacity).

Điều tôi muốn nói ở đây là gì? Sunrise Semester là một thành công lớn. Nó kéo dài trong một phần tư thế kỉ, đã giành được giải Emmy, và được xem bởi hàng triệu người. Nó bắt đầu vào năm 1957, bình minh của thời hiện đại, khi vô tuyến truyền hình bắt đầu trở nên phổ biến ở các gia đình Mĩ. Hẳn những người tiên phong tạo ra Sunrise Semester rất vui mừng với ý tưởng rằng bằng việc tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận những bài giảng hay nhất ngay tại nhà, kỉ nguyên đi học đại học đắt tiền sẽ sớm chấm dứt. Nhưng tại sao công nghệ thú vị này của truyền hình lại không tạo ra được hiệu ứng đó? Bởi vì, tất nhiên, giáo dục đại học không chỉ đơn giản là vấn đề của phương tiện truyền đạt thông tin hiệu quả nhất, hoặc hấp dẫn nhất. Đó còn là vấn đề kiến tạo và nuôi dưỡng một cộng đồng sinh viên, trong một môi trường xã hội và vật chất cụ thể. Đó là vấn đề học hỏi mọi thứ cùng nhau, không chỉ ngồi một mình ở nhà trong áo choàng tắm và đôi dép bông của bạn.

Nhưng tất nhiên, chúng ta có những lúc tự học hỏi. Khi còn là một học sinh năm đầu ở trường trung học, khi đã tôi đã chán ngấy các giờ toán học thông thường. Giáo viên của tôi khi ấy đã đưa tôi một cuốn sách “được lập trình” về xác suất và thống kê. Cuốn sách được cấu tạo bằng một loạt các trang lật. Mỗi trang thảo luận về một khái niệm, mặt trên của miếng lật là một loạt các câu hỏi và các câu trả lời nằm ở mặt dưới. Bạn chỉ chuyển sang trang tiếp theo khi trả lời đúng câu hỏi. Tất cả các yếu tố đều rất chặt chẽ và hiệu quả. Đó là khóa học duy nhất về xác suất mà tôi từng học, và nó đã cực kì có ích khi tôi làm việc trong ngành vật lý lý thuyết. Được hoàn toàn tự định hướng, tôi thực sự học thông qua tài liệu, và tôi yêu thích điều này. Với sự khắt khe và hấp dẫn đó, tôi tưởng tượng rằng nó ngang với một khóa học tự quyết định tiến độ (self-paced) bạn tìm thấy trên iPad của bạn ngày hôm nay.

Đó là một cách rất hiệu quả và tiết kiệm chi phí mà tôi đã dùng để học về xác suất. Nhưng việc giảng dạy toán học không bao giờ bị lấn át bởi sách giáo khoa. Chúng ta không loại bỏ tất cả các lớp toán, trao cho học sinh những cuốn sách này và cho chúng đến thư viện. Tất nhiên những phương pháp tự học luôn luôn có vị trí của nó, nhưng tại sao giáo dục không thay đổi khi mà sách có thể được sản xuất với giá rẻ? Bởi vì, theo quan điểm của tôi, sẽ rất khó cho ngay cả những học sinh giỏi nhất để tự mình học mọi thứ, dù tài liệu có tốt thế nào đi chăng nữa. Sẽ thú vị và hiệu quả hơn nhiều khi học hỏi trong một cộng đồng học sinh-sinh viên và được hỗ trợ bởi các tương tác thực sự của con người.

Cuối cùng, khi tôi còn học đại học, tôi đã dạy môn giải tích cho Chương trình Tìm kiếm Tài năng (Talent Identification Program) của Đại học Duke qua thư. Cô bé tôi dạy (tên là Jane) đang học lớp chín và không có cơ hội học giải tích ở trường trung học. Tôi đã gửi cho em sách và các bộ câu hỏi. Em gửi các bộ câu hỏi đã giải cho tôi mỗi tuần, và tôi sẽ sửa và gửi lại. Chúng tôi thực hiện các bài kiểm tra cũng theo cách đó. Jane đã học xuất sắc, giành được 5 điểm trong kỳ thi AP Calculus BC (và 800 điểm thi SAT môn toán, một mức điểm rất cao thời bấy giờ). Một học sinh tuyệt vời, và chương trình Tìm kiếm Tài năng Toán Qua Thư chỉ là những gì em cần khi trường học không thể đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, một lần nữa, sự tồn tại của các chương trình giáo dục từ xa chất lượng cao từ hơn một phần tư thế kỉ trước đã không ngăn cho trường học và phụ huynh nghĩ rằng các khóa học giải tích đắt tiền hơn trong lớp học mới thực sự là cách tốt nhất để làm tăng khả năn toán học của học sinh. Ngày nay, hầu như tất cả các trường trung học tốt ở Mĩ đều có môn giải tích cho học sinh lựa chọn.

Điều được chứng minh qua các câu chuyện này là, trong thực tế, các công nghệ hiệu quả (và tiết kiệm chi phí) để hỗ trợ giáo dục từ xa và học tập theo nhịp độ tự thân đã tồn tại trong nhiều thập kỉ. In ấn, truyền hình và dịch vụ bưu chính là những công cụ tạo nên dấu ấn rõ rệt. Chúng đã được sử dụng từ khi được phát minh để tăng cường hiệu quả giáo dục. Điều mà không gì trong số chúng làm được là thay đổi một thực tế cơ bản: tại trung tâm của nó, giáo dục là một hoạt động xã hội mà hình thức cao nhất của nó là một cộng đồng thực sự của sinh viên và giảng viên. Cả sách, video cũng như chat rooms đều không làm cho các trường đại học trở nên lỗi thời.

Tuy nhiên, có nhiều người cho rằng thời điểm chúng ta đang sống khác hoàn toàn với trước đây. Có lẽ họ đúng. Có lẽ các công cụ mới của công nghệ thông tin đang cung cấp một cái gì đó sâu sắc hơn là một vài phương thức truyền đạt nội dung mới. Có lẽ sinh viên của chúng tôi đã quá quen với tương tác trực tuyến, và cộng đồng ảo được dựng lên trong các hệ thống quản lý khóa học hiện đại là tất cả những gì các em cần để kết nối với các sinh viên khác. Có lẽ bộ não của chúng đã thực sự được cấu tạo khác đi.

Có lẽ vậy. Cá nhân tôi thì nghi ngờ điều đó. Nhưng ngay cả khi một số hoặc tất cả những điều này đã xảy ra, và chúng ta thực sự đã bước vào một thế giới mới, tôi sẽ lập luận rằng vẫn có một số nguyên tắc đơn giản còn tồn tại:

  1. Trong giáo dục, tương tác người với người cũng quan trọng như, thậm chí còn hơn, cách truyền tải nội dung.
  2. Công nghệ mới rất đắt tiền, đặc biệt là các công nghệ vượt bậc. Và ngay lập tức chúng có thể trở nên lỗi thời.
  3. Sự ra đời của công nghệ thường không làm giảm chi phí tổng thể; thực tế, còn có khả năng gia tăng nó.

Tôi sẽ minh họa ý mình bằng một ví dụ mà bản thân từng trải qua, Chương trình Học thuật Cấp cao của Đại học Johns Hopkins (AAP). Đây là những khóa đào tạo thạc sĩ chuyên nghiệp trong nhiều lĩnh vực, được cung cấp chủ yếu bởi các giảng viên bán thời gian làm việc trong các ngành nghề có liên quan. Khoảng một nửa trong số 2.000 học viên theo học chương trình về công nghệ sinh học, nhiều người trong số họ làm việc tại trung tâm công nghiệp công nghệ sinh học ở hạt Montgomery dọc theo hành lang I-270. Ban đầu, AAP cung cấp các khóa học này một cách rộng rãi và thành công trong một cơ sở kính-và-thép hiện đại ở trung tâm của “Thung lũng DNA.” – một vị trí không thể tốt hơn, các chương trình có chất lượng cao và cực kì phù hợp với đối tượng mục tiêu đã phát triển mạnh mẽ.

Đến năm 2005, có những lý do chính đáng để cân nhắc việc cung cấp một số, hoặc toàn bộ các khóa học, qua hình thức trực tuyến. Sự kết hợp giữa của Johns Hopkins và công nghệ sinh học chắc chắn là một thương hiệu mạnh mẽ và mang tính toàn cầu, và các cơ hội tuyệt vời đang mở ra để cung cấp các khóa học này cho sinh viên bên ngoài khu vực Washington (Vì các chương trình AAP tạo ra doanh thu ròng, việc mở rộng phạm vi tiếp cận là vô cùng cần thiết). Nhưng đồng thời, cuộc sống của sinh viên địa phương, với giao thông Beltway, các công việc đòi hỏi cao và trách nhiệm gia đình, đã bộc lộ những thách thức tiềm năng khi truyền tải các khóa học dưới một định dạng không đồng bộ và không có tính địa phương. Đó là hình thức trực tuyến, sử dụng hệ thống quản lý khóa học. (Cho đến ngày nay, phần lớn những người học trực tuyến vẫn sống trong vòng năm mươi dặm quanh tòa nhà bằng kính và thép, một điều hóa ra là hoàn toàn bình thường.)

Ở thời điểm mà tất cả những khái niệm này còn vô cùng mới mẻ, AAP quan tâm đên việc những gì được truyền tải trong khóa học trực tuyến tương đương với khóa học tại chỗ. Vì vậy, họ đã thực hiện một nghiên cứu đặc biệt với các khóa học trong ngành tin sinh học (bioinformatics). Một giảng viên giảng dạy trực tuyến cần phải dạy cùng một khóa học trong lớp học thông thường trước. Nội dung của các khóa học trực tuyến và tại chỗ là giống hệt nhau, và học viên thực hiện các kì thi cuối kì giống nhau. Sự hài lòng của học viên và kết quả học tập của học viên được đánh giá và so sánh.

Nghiên cứu cho thấy rằng một khóa học trực tuyến có hiệu quả như một khóa học tại chỗ, thậm chí là còn nhiều hơn thế. Nhưng kết quả này có được là nhờ khoản đầu tư vật chất cho một khóa học trực tuyến mà không hề ít hơn đầu tư vào giảng dạy tại chỗ. Một yếu tố cốt lõi của khóa học trực tuyến, cả về hiệu quả giáo dục lẫn sự hài lòng của học viên, là sự tương tác rộng rãi giữa giảng viên và học viên, cả trong các chat room được kiểm duyệt và giữa các cá nhân với nhau. Duy trì các cuộc hội thoại ảo như vậy ở trình độ cao rất tốn thời gian của giảng viên. Do đó, tỷ lệ học viên-giảng viên trong khóa học trực tuyến phải xấp xỉ bằng (hoặc thấp hơn) khóa học thông thường. Không có lợi ích kinh tế trên quy mô nào được tạo ra đơn giản nhờ việc giảng dạy trên mạng, nếu nó được thực hiện tốt. Trên một bình diện tương tự, thời gian chuẩn bị của giáo viên dạy trực tuyến cao hơn so với những người dạy trực tiếp; mặc dù thời gian chuẩn bị sẽ dài nhất cho lần dạy đầu tiên, các khóa học trực tuyến cũng phải được cập nhật thường xuyên như các khóa học tại chỗ và thu nhập của giảng viên cũng ở mức tương tự. Như vậy, “đóng gói” các khóa học để chúng có thể được giảng dạy bởi “bất cứ ai” không hề dễ dàng hơn giáo dục tại chỗ.

Tuy nhiên, dù không tiết kiệm chi phí hoặc thời gian giảng dạy, mô hình trực tuyến đã mang lại những lợi ích to lớn cho AAP và học viên. Đến năm 2010, một nửa số người ghi danh vào chương trình công nghệ sinh học của AAP là qua các khóa học trực tuyến. Sự linh hoạt về thời gian và địa điểm của hình thức trực tuyến có giá trị quan trọng, cả cho dân địa phương là người đã đi làm, và cho một số lượng lớn học viên toàn cầu. (Khi phòng trò chuyện không đồng bộ và bạn sống ở Ấn Độ, bạn không phải thức dậy lúc 4 giờ sáng để tham gia thảo luận.)

Và mặc dù không phải là không tốn kém, các khóa học đã thành công về mặt giáo dục bởi họ đã đặt ưu tiên cốt lõi vào việc khởi tạo và nuôi dưỡng một cộng đồng ảo trong đó học viên gắn kết một cách chặt chẽ và sâu sắc. Khía cạnh này của khóa học trực tuyến đã thể hiện rõ ràng qua khảo sát về sự hài lòng của học viên.

Vậy bài học rút ra cho Williams và các trường đại học giáo dục tổng quát khác là gì? Sứ mệnh giáo dục cốt lõi và cơ cấu xác định của chúng ta, là nhằm giáo dục sinh viên trong một môi trường hợp tác, cá nhân, thân mật. Các chàng trai và cô gái trẻ đến với chúng tôi bởi vì muốn được ở một nơi mà các em sẽ biết các giảng viên và sinh viên học cùng, và cộng đồng sẽ biết đến các em. Chúng ta biết, và các em biết, rằng đối với phần lớn trong số các em, đây là kiểu giáo dục giúp chuẩn bị tốt nhất cho sống hiệu quả và có ý nghĩa. Tôi cho rằng tiềm năng lớn của các công nghệ mới không phải là nâng cao những giá trị cốt lõi này, mà là để cho phép chúng ta hoàn thành nhiệm vụ giáo dục hiện tại hiệu quả hơn, đặc biệt, cho chúng ta những phương pháp mới để vượt qua những hạn chế về quy mô và địa điểm.

Đặc biệt, giáo dục từ xa, nếu được triển khai một cách chu đáo, hứa hẹn sẽ mở rộng chương trình giảng dạy sang các lĩnh vực không thuộc các khoa tương đối nhỏ của chúng ta. Ví dụ, trong thế giới đa cực mới của chúng ta, sinh viên sẽ muốn học nhiều ngôn ngữ hơn số lượng chúng ta có thể có thể cung cấp trong lớp học. Tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng Nhật và tiếng Trung đơn giản là không đủ. Hướng dẫn dựa trên Internet có thể là một giải pháp đột phá cho thử thách này. Chúng ta có thể sử dụng công nghệ hội nghị trực tuyến (video conferencing) hiệu quả, chất lượng cao, chi phí thấp để sinh viên của mình liên hệ hợp tác với sinh viên trên khắp thế giới, thêm vào các hình thức hợp tác quốc tế truyền thống như học ở nước ngoài và các khóa học về các chủ đề toàn cầu, với trải nghiệm ảo thực sự. (Tại Williams, chúng tôi có một mối quan hệ lâu dài với Đại học Hoa Kì ở Cairo, theo đó chúng tôi sử dụng hội nghị trực tuyến để dạy một khóa học cùng nhau mỗi năm. Trong Cuộc nổi dậy nhân dân Ả rập năm 2011, đây là một trải nghiệm giáo dục mạnh mẽ cho sinh viên của chúng tôi!) Công nghệ mới chắc chắn sẽ mang lại cho chúng ta những chất liệu giảng dạy đa phương tiện phong phú hơn, ngay cả khi chúng không rẻ hơn sách giáo khoa thông thường. Một số chất liệu trong đó đó thậm chí có thể cho phép chúng ta thay đổi phương thức giảng dạy theo những cách thú vị. Thậm chí việc truyền tải kiến thức bằng máy tính, theo lập trình có sẵn trong một số môn học quy chuẩn và cơ bản (có thể là Giải tích?) sẽ có chất lượng cao đến mức giúp chúng ta nhận ra các khiếm khuyết trong việc duy trì các tiêu chuẩn giáo dục truyền thống.

Đổi mới giáo dục có nhiều hình thức, và không phải tất cả đều dựa chủ yếu vào các mạch tích hợp. Nếu bạn đến thăm trường Williams ngày hôm nay, tôi sẽ tự hào cho bạn thấy thư viện mới sắp được ra mắt. Cơ sở mới này sẽ tập hợp các bộ sưu tập sách phong phú của chúng tôi trong ngành khoa học xã hội và nhân văn, thư viện sách hiếm tuyệt vời của chúng tôi, và Trung tâm Sáng kiến ​​Truyền thông, bao quanh là không gian dành riêng cho công việc liên ngành và làm việc nhóm. Kế hoạch của chúng tôi là tạo ra một trung tâm học tập sôi nổi để kích thích đam mê, nuôi dưỡng sự tò mò của sinh viên, và trên hết, mang chúng lại với nhau trong một không gian thực. Công việc học thuật đã thay đổi qua nhiều năm: giờ đây, nó đòi hỏi nhiều hợp tác hơn, có tính chất kỉ luật hơn, chiết trung hơn trong các nguồn và phương pháp của nó. Một thư viện hiện đại không còn đơn giản là một hộp sách với các ngăn bàn, thay vào đó, nó là ngã tư của khuôn viên trường học theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, nơi các sinh viên và giảng viên gặp gỡ, nơi mà các công nghệ cả mới lẫn cũ đều được đưa vào cuộc trò chuyện. Không gian học thuật tuyệt vời giúp mọi người tiếp xúc với nhau, với các công cụ và ý tưởng. Công nghệ thông tin chắc chắn là một phần của câu chuyện này, và thư viện mới của chúng tôi sẽ hỗ trợ công nghệ thông tin hơn bao giờ hết, nhưng nó chỉ là một trong số rất nhiều trong tấm thảm chúng tôi đang dệt tại Williams.

Điều này đưa tôi trở lại câu hỏi ban đầu. Liệu sinh viên ngày nay có khác biệt với chúng ta đến mức chỉ có thể học, hoặc ít nhất là học tốt, nhờ vào các phương thức mới được sản sinh từ cuộc cách mạng công nghệ? Không phải nghi ngờ rằng một thiếu niên lớn lên trong thế giới của Wikipedia và truyền thông đa phương tiện có cách nhìn nhận thế giới, hoặc cách tiếp cận thông tin khác với những người trong ban lãnh đạo trường đại học khi ở cùng độ tuổi. Nhưng điều đó không đồng nghĩa rằng phương pháp giáo dục duy nhất phù hợp, mà sinh viên có thể và sẵn sàng tiếp thu, phải dựa vào những tính năng siêu thực của công nghệ hiện đại. Liên tục chạy theo sự tiến bộ của công nghệ có thể khiến sinh viên bị suy giảm khả năng nhận thức và cuối cùng không bao giờ được thỏa mãn. Nếu trải nghiệm trước đại học của sinh viên không khuyến khích các em chậm lại và suy nghĩ nghiêm túc về sự mạch lạc của thông tin, thay vì liên tục tiếp nhận những làn sóng thông tin rời rạc, thì đại học chắc chắn là lúc bắt đầu. Tôi tin rằng kết nối sâu với ý tưởng là những gì các em thực sự đang cần.

Như tôi đã nói, đổi mới giáo dục không nhất thiết phải liên quan đến phương tiện trung gian. Tại Williams, có một số khóa học được tổ chức theo hình thức “hướng dẫn”, trong đó một giảng viên ngồi với hai sinh viên hàng tuần, điều phối cuộc thảo luận trong đó sinh viên phản biện phần việc của người kia và bảo vệ các luận điểm của mình. Trong 10 năm qua, chúng tôi đã đầu tư đáng kể để phát triển chương trình này, hướng dẫn sinh viên những kĩ năng cần thiết cho tương lai, mở rộng mô hình giảng dạy và tạo cơ hội cho bất kỳ sinh viên nào muốn tham gia. Mô hình hướng dẫn này hiện được cung cấp ở hầu hết các khoa của trường, hầu hết sinh viên tốt nghiệp từ Williams đã tham gia ít nhất một khóa, và nhiều sinh viên thường xuyên theo học. Việc mở rộng chương trình này đòi hỏi khoản đầu tư rất lớn, bị một số người cho là đi ngược lại các phương pháp sư phạm truyền thống, trong thời đại của các tiến bộ công nghệ tuyệt vời. Suy tới cùng, mô hình hướng dẫn đại diện cho phương pháp học tập sâu sắc, tương tác và đầy thử thách, và không có sự nhấn mạnh đặc biệt nào vào công nghệ.

Tuy nhiên cho đến nay, sự hài lòng của sinh viên với chương trình hướng dẫn là cao nhất trong tất cả các chương trình giảng dạy chính thức của chúng tôi; và theo báo cáo của giảng viên, mức độ học tập của sinh viên trong mô hình này cũng là sâu nhất. Chúng tôi coi chương trình này là một trong những thành công lớn của mình, một dấu son cho nền giáo dục Williams, thể hiện các giá trị giáo dục cơ bản và lâu dài của chúng tôi.

Tôi đã dành hàng thập kỉ hỏi các cựu sinh viên, cả già và trẻ, về điều quan trọng nhất đối với họ trong thời gian học đại học. Về cơ bản, câu trả lời chưa bao giờ thay đổi. Sinh viên và cựu sinh viên nói đến một số lượng nhỏ mối quan hệ với những giảng viên quan trọng đã dạy cho họ một cái gì đó sâu sắc và quan trọng, người cố vấn cho họ làm khóa luận và nghiên cứu, giúp đỡ họ trong đời sống cá nhân, mang họ ra từ những khu ổ chuột để bắt đầu phát triển. Sau khi suy nghĩ, cựu sinh viên thể hiện sự thiếu thiện cảm với những giáo sư hào nhoáng, hoặc những người vượt trội. Đưa giáo viên và sinh viên lại gần nhau và cho họ không gian, thời gian để tương tác là những gì mà chúng ta, tại các trường đại học giáo dục tổng quát, làm tốt nhất. Đó là mục đích cốt lõi của chúng ta. Công nghệ tiến bộ có thể thúc đẩy điều này. Nhưng nếu sách in và truyền hình không thể tạo ra một cuộc cách mạng lật đổ chúng ta, thì iPad và Internet cũng sẽ không làm được điều đó.


[1] Đại học Williams (Williams College) là cơ sở đào tạo tư thục thành lập năm 1793, nằm ở Williamstown, Massachusetts, Mĩ. Năm 2018, Đại học Williams được xếp hạng 1 trong danh sách các trường đại học giáo dục tổng quát trên toàn nước Mĩ (National Liberal Arts Colleges). Adam F. Falk là một Giáo sư Vật lý, Chủ tịch thứ 17 của Đại học Williams (1/4/2010-31/12/2017)

[2] Tháng 7/2004, Đại học Duke (Duke University) thông báo sẽ tặng mỗi sinh viên năm đầu 1 chiếc iPod của Apple để khuyến khích sử dụng công nghệ trong học tập và đời sống.

Share...

Bài mới
Trang liên kết
Tạp chí Giáo dục
Tạp chí Khoa học Giáo dục
Trang tin điện tử Tạp chí Giáo dục
June 2018
M T W T F S S
 123
45678910
11121314151617
18192021222324
252627282930  

Chuyên san Giáo dục Mở

Đăng kí nhận thông tin