Adam Stone | Tâm Huy Ngô dịch
Dạy&Học số 12 | Tháng 01/2020
Đối với giáo viên K-12, trẻ có biểu hiện rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD – attention-deficit/hyperactivity disorder) có thể là một thách thức đáng kể trong lớp học.
Mặc dù các triệu chứng của ADHD có thể rất khác nhau, nhưng việc không thể điều chỉnh chức năng điều hành thường xuất hiện theo hai cách: Thông qua sự không tập trung và thông qua các hành động hiếu động hoặc bốc đồng.
- Theo định nghĩa của Mayo Clinic, việc không thể tập trung của rối loạn ADHD có thể bao gồm việc không chú ý kỹ đến các chi tiết, khó tập trung hoặc gặp khó khăn khi làm theo hướng dẫn. Trẻ ADHD gặp khó khăn trong việc tổ chức và có thể dễ dàng bị xao nhãng.
- Tăng động và bốc đồng có thể biểu lộ dưới các hình thức bồn chồn hoặc quấy phá. Trẻ em có thể gặp khó khăn khi ngồi yên hoặc có thể chạy xung quanh hoặc leo trèo ở các tình huống mà chúng thấy không hợp lý. Trẻ có thể nói quá nhiều, thốt ra câu trả lời hoặc ngắt lời người khác.
Khi kết hợp với nhau, những hành vi này có thể gây ra chút phiền toái hay đôi khi cả một vấn đề lớn. Đối với giáo viên – người phải chú ý đến cả lớp, thì học sinh ADHD có thể sẽ nhận được sự chú ý nhiều nhất bởi chúng thường rất ồn ào, hoặc cũng có thể tách ra vào một góc riêng khỏi cả lớp khi đang cố gắng “kiểm soát” hành vi của mình một cách vô ích.
Hơn 6 triệu trẻ em Mỹ đã được chẩn đoán mắc rối loại ADHD, theo Trung tâm Tài nguyên A.D.D. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh ước tính rằng 5% trong tổng số trẻ em mắc rối loạn ADHD. Các chuyên gia chỉ ra rất nhiều chiến lược trong lớp học đã hỗ trợ thành công những học sinh này.
Trẻ ngỗ ngược hay có vấn đề về thần kinh?
Đối với nhiều nhà giáo dục, bước đầu tiên trong việc dạy cho học sinh ADHD sẽ phải đi kèm với việc nhận thức rằng những đứa trẻ đó không cố tình phá quấy có chủ đích – chúng không “xấu” theo cách hiểu thông thường.
Elaine Taylor-Klaus, CEO của trung tâm đào tạo tài nghiên ImpactADHD.com nói rằng: “Khi chúng ta nhìn thấy một hành vi không muốn có trong lớp học, chúng ta thường có xu hướng đánh giá học sinh đó là nghịch ngợm: Thằng bé sẽ không lắng nghe mình, Nó không học hành gì cả. Khi đó bạn cần phải đặt câu hỏi: Học sinh này liệu đang nghịch ngợm hay có vấn đề về thần kinh?
Rối loạn ADHD được đánh dấu bằng khả năng điều chỉnh chức năng điều hành. Điều này có nghĩa là những đứa trẻ ADHD không cố tình hành động phá quấy, chúng chỉ thực sự không kiểm soát được hành vi của mình. Khi hiểu được điều này, một nhà giáo dục mới có thể bắt đầu vạch chiến lược dạy học.
Taylor Taylor-Klaus nói rằng: “Nếu chúng ta bắt đầu với giả định rằng các học sinh ADHD không thể làm được một việc nào đó, hoặc chúng chưa thể làm được, thì hãy nói: OK, Em học sinh đó có thể làm gì bây giờ? Người giáo viên cần phải thừa nhận rằng sẽ rất khó khăn đối với trẻ ADHD, và phải có tình thương đối với các em học sinh đó, và từ đó tìm ra những việc mà các em có thể làm. Những đứa trẻ ADHD cần có một chiến thắng. Bởi các em thường luôn cảm thấy mình không thể làm tốt được việc gì cả, vì thế người giáo viên cần hướng cho các em cách để dẫn đến thành công, để thấy rằng các em có thể làm được và thành công là điều có thể xảy ra đối với các em.
Lấy ví dụ, Taylor-Klaus dẫn ra một bối cảnh không quá phổ biến của một học sinh luôn gây trở ngại, khó tính, và làm các bạn khác mất tập trung. Thay vì đi thẳng vào việc ép em đó vào kỷ luật nề nếp, cô ủng hộ cách tiếp cận ban đầu nhẹ nhàng hơn.
Cô nói: “Bạn hãy gọi em học sinh lên bục giáo viên và nói chuyện. Tìm hiểu những gì đang diễn ra. Lắng nghe học sinh. Nếu chúng đang căng thẳng, giáo viên có thể giảm kỳ vọng của mình trong buổi học hôm đó. Khi đó, bạn có thể khuếch tán những rối loạn cảm xúc và để các em học sinh khác tiếp tục bài học”.
Một số người có thể coi cách giải quyết này là hạ thấp tiêu chuẩn ứng xử, nhưng Taylor-Klaus nói rằng cách tiếp cận này là cần thiết và hiệu quả để xử lý tình huống đó.
Cô nói rằng “Nếu rối loạn ADHD được kích hoạt, bạn không thể giả vờ rằng kích hoạt đó không tồn tại và cố bỏ qua nó, bởi vì các học sinh đó sẽ không cởi mở mở để sẵn sàng học. Bạn cần phải hiểu được tình trạng của đứa trẻ và nâng dần các tiêu chuẩn từ đó
Khi khai thác sâu hơn, một số chuyên gia nói rằng phương pháp tiếp cận cơ bản này có thể được củng cố bởi các yếu tố chính nhất định của tổ chức lớp học.
Sắp xếp quy củ
Tại understood.org, một nguồn tài nguyên phi lợi nhuận được tạo bởi Trung tâm Quốc gia về Learning Disabilities, Cố vấn Cao cấp Bob Cunningham đưa ra ba cách chính để giáo viên có thể định hướng để giúp trẻ mắc ADHD đạt được thành công.
- Không gian đóng vai trò quan trọng. Bob Cunningham nói rằng “Hãy chắc chắn rằng học sinh đang ngồi ở chỗ mà bạn có thể quan sát được và em học sinh đó cũng có thể nhìn thấy bạn, để bạn có thể ra tín hiệu khi thấy học sinh đang không tập trung. Bản thân học sinh cũng có thể báo hiệu cho giáo viên khi gặp khó khăn trong việc ngồi yên và cần giải lao”.
- Chia nhỏ mọi thứ. Một khía cạnh cơ bản của ADHD là việc không có khả năng duy trì sự tập trung. Khi nhận thức được điều này, sẽ rất hợp lý khi giáo viên tổ chức kế hoạch bài học thành những phần nhỏ mà học sinh có thể kiểm soát được. Cunningham nói rằng: “Các học sinh AHDH sẽ học tập dễ dàng hơn nếu giáo viên chia các hoạt động ra thành những phần ngắn hơn, vì thế giáo viên có thể chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác nhanh hơn một chút, các nhóm cũng có thể hoán đổi cho nhau, giáo viên có thể làm được nhiều hoạt động ở những khu vực khác nhau trong lớp học. Bất kỳ giáo viên nào cũng có thể làm điều đó nếu họ sử dụng các chiến lược phân nhóm tốt”.
- Tận dụng công nghệ. Đối với một số trẻ, sử dụng điện thoại trong lớp có thể sẽ gây xao nhãng. Nhưng với học sinh ADHD, điện thoại thực sự là một công cụ có giá trị. Cunningham nói: “Nếu bạn dạy một lớp trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông, hãy cho phép học sinh sử dụng điện thoại. Những vật dụng như máy ảnh, lịch và sổ tay có thể là cứu cánh cho những học sinh ADHD. Tính tương tác của các đồ vật đó giúp học sinh có thể tham gia học tập hiệu quả. Đồng thời chúng cũng giúp các em không bỏ lỡ các chi tiết trong bài học, nếu học sinh có thể chụp lại ảnh của bảng hoặc có thể ghi lại những gì giáo viên đang giảng”.
Ngoài các chiến lược cụ thể này, Cickyham cũng đưa ra các hướng dẫn dựa trên hiểu biết mới nổi về ADHD. Các nhà nghiên cứu đã theo dõi rối loạn này chặt chẽ trong hơn một thập kỷ và họ đang thúc giục những thay đổi trong cách hệ thống giáo dục K-12 nhìn nhận tình hình. Điểm mấu chốt: Tốt nhất là bắt đầu sớm.
Cunningham nói: “Mười năm trước, chúng ta đã từng được bảo rằng các em học sinh sẽ có thể vượt qua được ADHD. Trong khi các triệu chứng của ADHD có thể tiến triển tốt hơn – sự tập trung có thể được cải thiện, sự hài lòng nhất thời thể cải thiện – thì rối loạn ADHD thực sự vẫn không biến mất. Những điều đó vẫn cản trở và tác động đến cuộc sống hàng ngày của học sinh ADHD.”
Trong trường hợp đó, ông nói rằng “thì chúng tôi đã biết cách tiếp cận “chờ đợi và xem” không còn là một chiến lược hiệu quả nữa. Điều đó có nghĩa là trẻ cần phát triển chiến lược đối phó từ sớm. Những chiến lược này không tự đến một cách tự nhiên. Điều đó đặt gánh nặng áp lực lớn hơn lên vai mọi giáo viên, vì họ phải làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ những học sinh ADHD.”
Nhiều người sẽ thấy rằng đặt những học sinh này vào một con đường vững chắc bắt đầu bằng việc giúp các em quản lý các hành vi có vấn đề nhất của mình.
Khía cạnh hành vi
Có những bước chính mà giáo viên có thể thực hiện để giúp học sinh tự kiểm soát các triệu chứng ADHD ảnh hưởng đến hành vi trong lớp học của mình.
Marlyn Press, Trợ lý Giáo sư tại Trường Đại học Giáo dục Touro College ở New York cho biết: “Thói quen hàng ngày là yếu tố then chốt, cũng giống như việc các em thường xuyên được giải lao để được đứng dậy và di chuyển xung quanh.
Các công cụ tổ chức là rất cần có. Press nói: “Hãy tạo một lịch để quản lý thời gian và liên tục thảo luận về các bài tập và ngày nộp bài. Đăng các quy tắc ứng xử cùng với hậu quả và xem xét chúng định kỳ.”
Những lời nhắc trực quan liên tục này giúp học sinh luôn để tâm đến những kỳ vọng, mà không đặt giáo viên vào vị trí phải đưa ra những lời nhắc nhở liên tục.
Tham gia hòa đồng là một công cụ cơ bản khác. Press nói: “Hãy giao cho học sinh ADD/ADHD những nhiệm vụ đặc biệt để chúng cảm thấy mình đặc biệt và không có thời gian để sao nhãng”. Điều này đặc biệt đúng khi có việc phá vỡ thói quen, chẳng hạn như việc tập trung và diễn tập cứu hỏa.”Hãy cung cấp nhiều thông báo nâng cao cho các sự kiện đặc biệt. Thời gian chuyển tiếp là thời điểm khó khăn cho tất cả các học sinh và đặc biệt là thách thức đối với các học sinh có vấn đề về sự tập trung. Hãy nhắc nhở học sinh về những gì sắp diễn ra, những tài liệu cần thiết và phải đi đâu.
Có một cách khác để xem xét góc độ xã hội của rối loạn ADHD. Thay vì chỉ nhìn vào khả năng hòa đồng hay hòa nhập của học sinh, điều quan trọng là phải xem xét và cố gắng giảm thiểu các hậu quả xã hội đối với các học sinh mắc rối loạn ADHD khiến các em bị khác biệt.
Shannon Johnson, Nhà thiết kế Chương trình Giảng dạy Cao cấp tại JumpStart, một nhà phát triển các trò chơi dựa trên học tập cho trẻ em, nói rằng: “Có những lúc học sinh ADHD có thể gây chuyện trong giữa giờ học, và khiến các bạn học khác lo lắng hoặc thậm chí cười nhạo học sinh đó. Điều quan trọng là chúng ta với cương vị giáo viên phải phải là người chủ động khi những vấn đề xã hội xảy ra trong lớp.”
Johnson mô tả các trò chơi hợp tác, dựa trên công nghệ như là một biện pháp có thể giúp các học sinh ADHD khi bị lúng túng về mặt xã hội.
Cô nói: “Giáo viên có thể ghép cặp học sinh ADD/ADHD với một học sinh bình tĩnh và hay giúp đỡ bạn để các em có thể chơi trò chơi cùng nhau. Các trò chơi nhiều người chơi khuyến khích học sinh làm việc cùng nhau để giải quyết vấn đề và giúp đỡ lẫn nhau. Chúng tôi đã thấy sự gia tăng ý thức về cộng đồng trong lớp học từ việc chơi các trò chơi hợp tác.
Trong khi là người đề xướng công nghệ, Johnson ủng hộ quan điểm rằng khóa học hành động đầu tiên trong giảng dạy cho học sinh ADHD cần mang tính cá nhân. ADHD là một rối loạn có đặc thù riêng theo từng cá nhân và những học sinh ADHD sẽ học tốt nhất khi giáo viên có cách tiếp cận theo từng cá nhân và sắc thái của mỗi học sinh.
Cô nói: “Cái đẹp của việc dạy học là chúng ta dành nhiều thời gian cho học sinh của mình, điều đó cho chúng ta cơ hội để làm quen với các em. Giáo viên nên tập trung vào việc tìm hiểu những động lực thúc đẩy học sinh muốn đạt được. Hãy chú ý đến tín hiệu từ các sinh viên có vấn đề với sự tập trung và xây dựng mối quan hệ với các em để chúng cảm thấy thoải mái khi cho giáo viên của mình biết khi chúng đang gặp khó khăn.”
Case study:
Henry là một học sinh lớp 4 của tôi. Khi tôi gặp cậu lần đầu khoảng 8 tháng trước, cậu bé là đứa trẻ hết sức tăng đông, gần như không thể ngồi yên một chỗ mà không gào lên trong suốt buổi học.
Với đặc điểm lớp học nhỏ (chỉ có 6 học sinh), tôi có cơ hội tiếp xúc sâu với từng học sinh, từ đó hiểu tính cách, khả năng, thiên hướng của từng em. Đối với Henry, trong 6 tháng học đầu tiên, cậu bé là học sinh ồn ào nhất lớp, không thể tự làm những nhiệm vụ đơn giản mà thầy giao phó. Đặc biệt, khi có khó khăn, cậu bé tìm cách né tránh, không tự giải quyết mà phải nhờ đến sự giúp đỡ của thầy hoặc bạn bè. Nếu các vấn đề chưa được giải quyết kịp thời, cậu bé sẽ bứt rứt, chạy nhảy liên tục chứ không thể ngồi bình tĩnh và tự tìm ra cách làm. Thế nhưng khi được giúp đỡ hay giảng giải, cậu bé lại không thể tập trung lắng nghe các chi tiết, vì thế khi có vấn đề tương tự, cậu cũng không biết tự giải quyết thế nào.
Nhận ra được tính cách và rối loạn ADHD của Henry. Tôi không ép cậu bé phải nhớ tất cả các nội dung bài học – điều mà các bạn khác có thể làm được khá đơn giản. Thay vào đó, ở mỗi buổi học, tôi chỉ hướng dẫn Henry một vài bước cơ bản. Đồng thời, tôi cố gắng trấn an cậu bé: “Em có thể làm được mà, đừng lo”, cho cậu những gợi ý để tự lần mò lại được trong trí nhớ và đi đến cách giải quyết: “Nếu em muốn dịch chuyển tới ai đó, em cần gõ phím ‘/’, và tiếp theo là gì nhỉ?”. Khi cậu bé nhất quyết đòi được giúp ngay lập tức và tỏ ra bứt rứt, bồn chồn vì không được đáp ứng ngay, tôi nhìn vào mặt Henry và nói với cậu bé bằng giọng bình tĩnh nhưng cương quyết: “Henry, thầy biết là em đang cần hỗ trợ, nhưng em sẽ phải chờ một chút bởi vì thầy đang giúp Evan trước. Thầy sẽ giúp em ngay sau khi xong với Evan”. Với Henry, việc tạo lòng tin là rất quan trọng. Tôi luôn cố gắng để cậu bé tin rằng mình có thể hoàn thành được một nhiệm vụ nào đó, hoặc tin rằng thầy sẽ quay lại giúp mình ngay khi có thể.
Ngoài ra, tôi cho cậu bé làm việc nhóm cùng các bạn khác. Đây là thời gian cậu bé cần tương tác, phối hợp với các bạn, nhờ đó, khi có trục trặc hoặc khó khăn, cả nhóm có thể đưa ra cách giải quyết và Henry sẽ học dần từ đó. Việc phải phối hợp với các bạn cũng khiến tính cách của Henry mềm hơn, bớt bồn chồn và chạy nhảy, bởi cậu bé hiểu nếu muốn đạt được một mục tiêu nào đó thì cần phải bình tĩnh làm từng bước, không thể nóng vội nếu không sẽ làm hỏng sản phẩm của cả nhóm và của chính mình.
Sau hơn 8 tháng đồng hành cùng Henry, đến thời điểm hiện tại, tính cách cậu bé đã phần nào hài hòa hơn. Mỗi khi cần sự giúp đỡ của ai đó, cậu bé sẽ không gào lên, mà thay vào đó có thể nói nhẹ nhàng và lịch sự: “Mọi người có thể giúp em làm cái này được không ạ?” và chờ đến lượt của mình. Hay khi mắc lỗi ảnh hưởng đến người khác, cậu bé đã biết xin lỗi: “Em xin lỗi. Em không cố tình làm như vậy”.
Mặc dù Henry vẫn còn một chặng đường dài để hoàn thiện hơn về tính cách và giảm bớt rối loạn ADHD, tôi tin rằng cậu bé sẽ có thể cải thiện được với sự trợ giúp kịp thời từ cha mẹ, bạn bè, thầy cô.