Martha Beach | Ngọc Trâm dịch
Dạy&Học số 9 | Tháng 03/2019
Khi con gái út của cô Catherine Hickey học mẫu giáo, trong lớp cô giáo bố trí cho các em ngồi theo từng hàng. Một số phụ huynh đã đặt câu hỏi xung quanh cách tổ chức lớp thành hàng như vậy vì họ cho rằng nhà trẻ là nơi để tất cả các trẻ có thể chơi đùa thoải mái. Đáp lại, giáo viên phụ trách lớp khẳng định có kế hoạch riêng và tỏ ra tự tin trong việc lựa chọn cách quản lý lớp học để đạt được mục tiêu của mình. Nhận xét về lớp học của con gái, Catherine Hickey – bà mẹ 2 con đồng thời cũng là một giáo viên tại Trung tâm Điều trị Chuyên sân Ban ngày (Intensive Day Treatment – IDT) chuyên hỗ trợ các em từ lớp 5 đến lớp 12 ở West Nyack, New York – cho biết “Trong khoảng 4 tháng, con gái tôi tập đọc trong lớp. Cô giáo luôn nắm rõ trình độ của các bé và có cách tổ chức rõ ràng, hiệu quả”. Việc bố trí chỗ ngồi theo hàng là một trong những yếu tố đã được cân nhắc khi tổ chức lớp nhằm giúp trẻ tập trung lắng nghe cô giáo nhiều hơn.
Bố trí theo hàng chỉ là một trong rất nhiều cách thức tổ chức một lớp học. Một số giáo viên có thể xếp chỗ ngồi theo thứ tự abc, một số cho phép học sinh tự chọn và thay đổi vị trí mỗi ngày, trong khi nhiều giáo viên khác có thể lựa chọn những giải pháp trung lập hơn.
Charles Pascal, Giáo sư Tâm lý học ứng dụng và Phát triển con người, Đại học Toronto giải thích: “Việc bố trí lớp học như thế nào tùy thuộc vào quan điểm giáo dục của giáo viên cũng như nội dung và mục tiêu của khóa học.” Ngoài ra, vị trí ngồi trong lớp cũng phụ thuộc rất nhiều vào tính cách và cách học sinh tương tác với nhau, chưa kể đến các vấn đề về y tế hoặc hành vi có thể phát sinh. Điều quan trọng nhất là phải làm sao để tạo nên môi trường phù hợp, hỗ trợ tối đa cho học sinh trong quá trình học, bởi những gì mà học sinh tiêp thu được chính là cơ sở để đánh giá hiệu quả giảng dạy. Quan điểm này hoàn toàn phù hợp với nhận định của Hickey, người luôn cho rằng “Việc học của trẻ là ưu tiên số một”.
Đôi khi, cách thức đơn giản nhất lại là lựa chọn tốt nhất. Một nghiên cứu của Đại học Western Ontario với học viên bậc đại học cho thấy khả năng ghi nhớ của người học đạt tối ưu đối với cách bố trí lớp theo hàng. Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ, cách học và tiếp thu có thể rất khác nhau. Do đó, cốt lõi của việc bố trí lớp học là phải đặt trọng tâm vào hiệu quả tiếp thu của người học trên cơ sở cân nhắc phương pháp dạy đã được lựa chọn. Một báo cáo về hiệu quả thiết kế không gian do công ty nội thất Steelcase Education thực hiện cho thấy việc thiết kế lớp học một cách có chủ đích nhằm hỗ trợ việc học có thể giúp nâng cao hiệu quả giáo dục nói chung.
Vì một số lý do, chẳng hạn như để thuận tiện cho việc nhớ tên, khâu lên kế hoạch sắp xếp chỗ ngồi trong lớp là rất cần thiết. Cô Catherine Hickey chia sẻ, trong những ngày đầu đi dạy cách đây 22 năm, Hickey đã xếp chỗ ngồi theo thứ tự bảng chữ cái, sau đó kiểm tra xem cách thức đó có hiệu quả không và rút kinh nghiệm. Về sau, tuy vẫn bắt đầu bằng cách quy định chỗ ngồi, Hickey có thể chuyển chỗ một số học sinh căn cứ theo hành vi hoặc cách học. Ví dụ, cô nhận thấy rằng không nên xếp các học sinh hiếu động ngồi gần cửa sổ, cũng như không nên xếp các em bị khiếm thị ngồi phía sau. Việc đổi chỗ đôi khi là cần thiết nhằm giúp các em có thể học tốt hơn. “Giáo viên phải hiểu học sinh của mình. Điều đó đòi hỏi giáo viên phải chú ý quan sát ngôn ngữ cơ thể, ánh mắt, hoặc để ý những dấu hiệu lạ như khi một học sinh nào đó liên tục đánh rơi bút.” Nếu liên tục phải nhắc nhở, điều chỉnh hành vi của học sinh thay vì tập trung giảng dạy, có lẽ đã đến lúc giáo viên phải suy nghĩ và thực hiện một số thay đổi. Ở lớp học của Hickey tại trung tâm IDT, bên cạnh các chỗ ngồi được chỉ định sẵn còn có 2 bàn riêng được kê sát bàn giáo viên. Việc bố trí học sinh ngồi ở các bàn này không phải để phạt các em mà nhằm xếp không gian phù hợp, giúp các em tập trung vào việc học.
Giáo sư Charles Pascal nhấn mạnh “Đảm bảo nội dung chương trình đào tạo là một trong số những mục tiêu chính, nhưng cách thức bố trí lớp học để đạt mục tiêu đó thì không chỉ có một. Cách bố trí chỗ ngồi theo hàng có thể phù hợp cho giao tiếp đơn hướng như kiểu thuyết giảng thông thường. Thế nhưng nếu mục tiêu là giúp học sinh học thông qua giải quyết vấn đề, giáo viên có thể chọn cách bố trí theo hình bán nguyệt hoặc tổ chức lớp thành từng nhóm từ 2-5 người. Người học khó có thể học cách thảo luận và giải quyết vấn đề nếu chỉ ngồi yên theo hàng dọc. Khi đó, sẽ tốt hơn nếu học sinh được chia thành các nhóm nhỏ. Cách này có thể thực hiện đối với cả những giảng đường 200 sinh viên hay với những lớp 20 học viên”. Lời khuyên đưa ra là không nên rập khuôn hay quá cứng nhắc theo một cách tiếp cận nào. Thay vào đó giáo viên nên biết cân đối, vận dụng và kết hợp linh hoạt cả hai cách bố trí tùy trường hợp cụ thể, cùng với đó cần chủ động quan sát và tiếp thu phản hồi từ phía người học.
Tương tự như quan điểm của Giáo sư Charles Pascal, Hickey cũng nhận thấy cách tiếp cận trung dung đem đến nhiều thành công. Cô thường áp dụng phương châm “suy nghĩ, ghép nhóm, chia sẻ”, theo đó giáo viên cung cấp thông tin cho học sinh, yêu cầu các em suy nghĩ về những thông tin đó, sau đó học sinh sẽ được ghép thành nhóm để chia sẻ và tiếp thu ý tưởng. Tuy nhiên cần phải lưu ý rằng, trong khi giáo viên muốn tăng thêm quyền tự do cho học sinh, các em thường có khuynh hướng tìm kiếm những gì rõ ràng, quen thuộc và dễ dự báo trước. Khi áp dụng phương châm “suy nghĩ, ghép nhóm, chia sẻ”, Hickey luôn phải giải thích rất kỹ quy trình cho học sinh trong những lần đầu tiên. Một số em rất ngại việc phải chuyển đổi chỗ ngồi và hòa nhập với nhóm mới. Việc buộc phải rời khỏi phạm vi quen thuộc khiến chúng lo lắng. Tuy nhiên, đó cũng là điều tốt bởi một chút thay đổi như vậy dần dần sẽ dạy cho trẻ khả năng thích ứng.