Cuộc cách mạng Giáo dục toàn cầu thầm lặng: Trao cho trẻ những kỹ năng để trở thành công dân thế kỷ 21

Jenny Anderson | Nguyễn Bảo Trọng dịch

Khi còn nhỏ, Dana Narvaiša ghét đi học. Các giáo viên của cô nghĩ rằng cô bé đặt ra quá nhiều câu hỏi và giáo viên tiếng Anh còn thản nhiên phớt lờ cô khi đến giờ tập đọc trước lớp.

Giờ đây, Narvaiša điều hành trường tiểu học Cesis New trong một thị trấn có 40,000 người dân, cách Riga – thủ đô của Latvia khoảng 1 tiếng rưỡi đồng hồ. Những đứa trẻ sẽ tự quyết định làm thế nào để kiến tạo việc học của bản thân. Mỗi đứa trẻ đều có kế hoạch học tập của riêng mình. Narvaiša nói rằng: “Trẻ sẽ chịu trách nhiệm với việc học của mình và chịu trách nhiệm với cách mà chúng muốn phát triển việc học đó.”

Bằng cách này, trẻ cũng phát triển được những kĩ năng vượt xa lý thuyết học thuật thuần túy. Chẳng hạn, gần đây, học sinh lớp ba quyết định quan sát những thay đổi diễn ra vào mùa thu. Chúng muốn tìm hiểu tại sao lá cây đổi màu, vì vậy chúng quyết định viết một câu chuyện và ghi lại những gì chúng thấy bằng ảnh và một bài thuyết trình Powerpoint, vì thế chúng không chỉ đạt được kiến thức khoa học mà còn cả các kĩ năng đọc viết, kĩ thuật số và giao tiếp. Những học sinh khác triển khai một buổi trình diễn nghệ thuật về cảm xúc và xác định tất cả những điều chúng cần làm để buổi trình diễn thành công – do đó chúng rèn luyện được kĩ năng giao tiếp, tinh thần hợp tác và kỹ năng quản lý dự án.

Narvaiša không hề đơn độc. Tại những vùng nhỏ bé trên khắp thế giới, giáo viên và các  nhà cải cách giáo dục vẫn đang tìm cách để thoát khỏi những hệ thống cứng nhắc và bài kiểm tra chuẩn hóa ẩn chứa nhiều rủi ro. Họ đang cố gắng mang giáo dục đến cho học sinh, đặc biệt những học sinh nghèo để giúp những học sinh đó “trở thành kiến trúc sư trong chính cuộc sống của mình” theo như lời của Fernando Reimers, giám đốc chương trình Sáng kiến Đổi mới Giáo dục Toàn cầu (Global Education Innovation Initiative)  tại Đại học Havard.

Reimers nói, “Tin vui là các nhà giáo dục ngày càng đồng thuận rằng chúng ta phải hướng đến giáo dục trẻ phát triển toàn diện,và thực sự có nhiều phương  thức để làm được điều đó… Tin buồn là chúng ta không có 100 năm để giải quyết điều này.” Reimers nghĩ rằng việc này cũng quan trọng như là hòa bình thế giới.

Cuộc trưng cầu dân ý Brexit (nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) và cuộc bầu cử Hoa Kì năm nay đã cho thấy sự bất lực rõ rệt của công dân trong việc đưa ra những tranh luận sâu sắc về chính sách. Cả hai sự kiện này đều cho thấy các cử tri bị chia rẽ bởi giáo dục cũng sâu sắc như bởi những yếu tố khác. Rebecca Winthrop, người đứng đầu Trung tâm Giáo dục Toàn cầu (the Center for Universal Education) tại Viện Brookings, cho biết cuộc bầu cử Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng giáo dục cần vượt ra ngoài khuôn khổ kiến thức học thuật để giải quyết những chia rẽ gây ra bởi tự động hóa, thương mại tự do và những chuyển đổi kinh tế khác. “Đó không chỉ là những kĩ năng làm việc, mà đó còn là những kĩ năng để phát triển công dân vững mạnh.”

Reimers tán thành quan điểm này: Hãy trao cho trẻ những kĩ năng phù hợp, chúng có thể trở thành những công dân hữu ích và thực hiện lời hứa vĩ đại của thời kì Khai sáng. Theo đó “những người bình thường có thể tự mình cai trị, được hỗ trợ bởi lý trí và khoa học, bởi khả năng kết nối với những người khác để tự cải thiện bản thân và cộng đồng của mình, có như vậy mới giảm đi sự khổ đau của con người,” ông viết trong một bài báo năm 2014[1]. Khi không thể trao cho họ những kĩ năng để tham gia vào một nền kinh tế kĩ thuật số, liên kết chặt chẽ và thay đổi nhanh, họ sẽ cố gắng làm phân rã nền kinh tế đó như cách các cử tri trên toàn thế giới đang làm.

Những kĩ năng đó bao gồm khả năng kiểm soát việc học của chính mình; biết đồng cảm và hòa thuận với người khác; biết trân trọng thế giới rộng mở hơn và sự đa dạng về quan điểm. Những kĩ năng đó chính là những điều mà các nhà giáo dục tân tiến trên khắp thế giới đang tìm cách để giúp mọi người thấm nhuần – dù vẫn thường bị hạn chế bởi những hệ thống cứng nhắc và nặng về thi cử.

Vấn đề với việc kiểm tra và cuộc tranh luận về kĩ năng

Trong suốt 25 năm qua, hầu hết các quốc gia phát triển đã và đang theo đuổi cải cách giáo dục dựa trên những tiêu chuẩn. Họ xây dựng những bài kiểm tra được chuẩn hóa đối với một số môn chính như toán và đọc, và tìm cách để buộc giáo viên chịu trách nhiệm về kết quả. Nhiều quốc gia hướng đến việc dạy các kĩ năng khác nhưng khi giá trị của một trường học hay của một giáo viên được đo lường bằng một bài kiểm tra chuẩn hóa thì việc đáp ứng tiêu chuẩn đó hiển nhiên trở thành ưu tiên hàng đầu.

Nhưng bạn không thể suy nghĩ phản biện nếu không có kiến thức thấu đáo, bạn cũng không thể làm việc hiệu quả hay tham gia tranh luận xã hội nếu bạn không thể kiểm soát cảm xúc, hòa đồng với giáo viên và bạn bè hay nhẫn nại khi gặp tình huống khó khăn.

Nhận thức đó đang dần dẫn dắt một bộ phận tới một phong trào sâu rộng hơn: giảm tập trung vào các bài kiểm tra chuẩn hóa và dạy nhiều hơn những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống. Ở Singapore, một đất nước vốn nổi tiếng về áp lực trong học tập, chính phủ và một vài người dân đang nỗ lực để giảm tập trung vào điểm số, và coi trọng hơn các vấn đề như sự nỗ lực và sự tự tin. Ở Đan Mạch, sự đồng cảm là một nội dung của chương trình học.

Tại Mỹ, sau hàng thập kỷ tranh luận nảy lửa về phương pháp và nội dung thi cử cho trẻ em, người ta đồng thuận rộng rãi rằng điều quan trọng là việc học không chỉ dừng lại ở đọc, viết và làm toán. Sau 20 năm, “người ta cuối cùng cũng có một cái nhìn toàn diện hơn về những điều kiện để trẻ có thể thành công ở trường đại học, trong công việc và sự nghiệp trong thế kỷ 21.” – phát biểu của bà Diane Robinson, Phó Giám đốc Tập đoàn Global Nomads – một mạng lưới ảo để trẻ em kết nối, trò chuyện và học về sự đồng cảm.

Có khá nhiều các tranh luận vĩ mô về việc kỹ năng nào là quan trọng nhất: có người ủng hộ lòng quyết tâm, ý kiến khác lại cho rằng kỷ luật là quan trọng. Các nhóm chính sách như Hợp tác về các Kỹ năng cho Thế kỷ 21 (Partnership for Twenty-First-Century Skills – P21), hoạt động tại 19 bang ở Mỹ, đang cùng làm việc với chính phủ và trường học để thay đổi nhận thức về các kỹ năng này, và giúp họ đưa chúng vào chương trình học.

Trong cuốn Becoming Brilliant: What Science Tells Us About Raising Successful Children (tạm dịch: Để Trẻ Giỏi Giang: Điều khoa học dạy chúng ta về nuôi dưỡng những đứa trẻ thành công), Kathy Hirsh-Pasek tại Đại học Temple và Roberta Golinkoff – Đại học Delaware đã tổng kết khoa học về quá trình học: khoa học thần kinh, tâm lý học phát triển và nghiên cứu giáo dục, để tìm ra kỹ năng nào quan trọng và vì sao. Họ lập sơ đồ các kỹ năng quan trọng nhất và cách chúng hiện hữu trong các giai đoạn phát triển khác nhau của trẻ nhỏ. (Ví dụ, kỷ cương đối với một đứa trẻ 5 tuổi sẽ khác với một cậu bé tuổi teen.)

Họ gọi các kỹ năng này là “Sáu C”: Cộng tác (collaboration); Giao tiếp (communication); Nội dung (content); Tư duy phản biện (critical thinking); Cải tiến sáng tạo (creative innovation); và Sự tự tin (confidence). Chúng đan xen với nhau một cách phức tạp.

“Để cải tiến sáng tạo thì cần phải hiểu biết. Bạn không thể tùy tiện như một con khỉ vẽ nguệch ngoạc trên giấy. Cốt lõi ở đây là Nguyên tắc 10.000 giờ[2]: Bạn phải hiểu thấu đáo một vấn đề để có thể tạo ra một điều mới,” Pasek trả lời kênh NPR[3].

Cuộc tranh luận về kỹ năng này không chỉ giới hạn trong phạm vi nước Mỹ. Bà Winthrop (Viện Brookings) lên sơ đồ về một phong trào mà bà gọi là “Độ rộng của kỹ năng” trên toàn thế giới. Bà và các đồng nghiệp nghiên cứu 102 đất nước, và điều mà họ phát hiện ra khiến bà phải ngạc nhiên: “Sự thay đổi trong tư duy đã diễn ra rồi”, bà nói. Hàng loạt các quốc gia tuyên bố rằng khả năng giao tiếp và sự sáng tạo là những mục tiêu hàng đầu, tư duy phản biện và giải quyết vấn đề cũng được đề cập đến trong tuyên bố sứ mệnh, chương trình học, và các tài liệu về cải cách giáo dục. “Chúng tôi thực sự không biết rằng hầu hết các hệ thống giáo dục lại muốn đi theo hướng này.”

Các kỹ năng trở nên quan trọng không phải bởi vì các học giả nghĩ vậy. Một nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ thể hiện phẩm chất kiên trì và khả năng kiểm soát bản thân sẽ học giỏi hơn những trẻ có IQ cao hơn chúng. Thực tế công việc cũng không cần những người đạt điểm cao trong các bài thi chuẩn hóa, mà là những nhân lực có khả năng phân tích để kết hợp cùng người khác giải quyết vấn đề.

Hơn nữa, tự động hóa đang khiến vô số lao động mất việc làm, và rất ít người có cơ hội được đào tạo lại. Bà Winthrop cũng chỉ ra một sự sụt giảm đáng kể trong số lượng công việc yêu cầu các hoạt động lặp đi lặp lại, bao gồm cả kỹ năng cần có nhận thức như kế toán, và kỹ năng tay chân như làm việc trong dây chuyền sản xuất. Trong khi đó, những công việc phân tích không lặp lại, và các công việc đòi hỏi kỹ năng giao tiếp như điều dưỡng lại đang gia tăng nhu cầu.

Chính phủ cần phải giúp các nhân công đã mất việc làm được đào tạo lại. Nhưng các trường học cũng có trách nhiệm trong chuyện này. Bà Winthrop cho biết, trong khi nhu cầu đào tạo kỹ năng mới ngày càng cấp thiết, thì một lượng lớn các nhà giáo dục lại bày tỏ sự bất lực trong việc thực thi nó. Số người có thể thực thi được điều này lại càng ít hơn.

Tính tự chủ: làm chủ nền giáo dục của bạn

Viện nghiên cứu Trường học thuộc Đại học Chicago (The University of Chicago Consortium on School Research) định nghĩa tính tự chủ là “Khả năng một người tự quyết định và đóng vai trò chủ động trong cuộc sống của mình, hơn là trở thành một sản phẩm của hoàn cảnh của anh ta.” Khi viện xây dựng khung nền cho sự thành công của lứa tuổi thanh niên, tính tự chủ là một yếu tố quan trọng.

“Mọi đứa trẻ cần biết thực hiện quyền làm chủ đối với nền giáo dục của chúng, và phát triển khả năng tự chủ để giải quyết vấn đề trong hiện tại, đó là cách duy nhất mà chúng có thể xử lý được các vấn đề lớn hơn trong tương lai,” trích lời Wendy Kopp, người sáng lập Teach for All, một hệ thống hỗ trợ các cơ sở địa phương tuyển dụng giáo viên và phát triển các nhà lãnh đạo về giáo dục tại địa phương.

Tính tự chủ bắt nguồn từ nhiều yếu tố. Giáo viên hiểu rằng trẻ em phát triển tốt khi chúng đóng vai trò chủ động trong học tập; khi chúng biết và có thể tự chiêm nghiệm về quá trình học (siêu nhận thức và tư duy); và khi chúng có thể thấu hiểu người khác (sự đồng cảm). Những nhà cải cách, nhà giáo và kỹ thuật viên biết rõ rằng tất cả những điều này có thể được chia sẻ xuyên biên giới.

Tại Khan Lab School ở Mountain View, California, học sinh phản đối các bộ môn truyền thống, việc chấm điểm và lịch học của trường. Thay vào đó, chúng hướng tới “các cấp độ tự do” và mục tiêu học tập như sự tự kiểm soát, quản lý mục tiêu, và khả năng tự đánh giá. Các em học sinh tự chọn mục tiêu học tập, lên lịch trình để đạt được chúng, và tự học cùng với sự giúp đỡ của “người cố vấn”. Công nghệ số có mặt ở khắp mọi nơi, và trẻ được tín nhiệm để vận hành chúng.

“Khả năng tự chủ là yếu tố hàng đầu trong các hoạt động của chúng tôi”, bà Orly Friedman, Hiệu trưởng trường Tiểu học Khan cho hay.

Nếu chúng ta trao cho lũ trẻ quyền quyết định về thời gian, bà nói, thì đôi khi chúng sẽ lãng phí thì giờ, cũng hệt như người lớn. “Chúng tôi hiểu rằng phải có một sự đánh đổi hợp lý; giảm một chút hiệu quả để có được kết quả dài lâu trong việc học sinh tự chủ với nền giáo dục của mình, điều này là bình thường.” Theo bà, cho học sinh nhiều quyền lựa chọn giúp đảm bảo rằng chúng sẽ học tập suốt đời, đây là một yếu tố thiết yếu để có thể thích nghi với thế giới đang thay đổi rất nhanh chóng này.

Tại trường Riverside School tại Ahmedabad, Ấn Độ, trẻ em sử dụng tư duy thiết kế để giải quyết các vấn đề thực tế mà chúng chọn, ví dụ như thu dọn rác trong khu vực. “Trường học là một phòng thí nghiệm để thử nghiệm ban đầu, để kiến tạo những quy trình có thể lan truyền tư tưởng “Tôi có thể” trong tâm trí trẻ, người sáng lập của trường Kiran Sethi, chia sẻ trong trong bài diễn thuyết TED của mình. Quy trình đó bao gồm dạy cho trẻ các giai đoạn để tạo ra sự thay đổi: cảm nhận, tưởng tượng, hành động, sẻ chia. Sau đó, trường học lập các quỹ thời gian và trau dồi kỹ năng để trẻ được thử nghiệm kiến thức.

Ví dụ, có những học sinh lớp 5 đã dành 8 tiếng để cuộn cây nhang, để tận mắt thấy cuộc sống của một lao động tuổi vị thành niên ra sao. Một khi chúng hiểu sự khó nhọc của công việc ấy, chúng trở thành những tiếng nói tích cực. Những đứa trẻ này có thể trò chuyện với các lãnh đạo trong khu vực hay chủ hộ kinh doanh để ngăn cản việc sử dụng lao động vị thành niên.

Trường Riverside dựa vào việc nuôi dưỡng nội tâm của trẻ nhỏ để chúng có thể tự tin đối mặt với các vấn đề bên ngoài. Trường khuyến khích học sinh trở thành các hạt nhân của thay đổi, nhưng họ cũng hiểu mình phải dạy cho các em cách thức để làm vậy.

Bà Sethi phát biểu gần đây: “Trẻ nhỏ có nhiều tiềm năng hơn là chỉ về điểm số”. “Cốt lõi của một công dân toàn cầu là một hạnh phúc đơn giản cần được phát triển.” Bà Sethi cũng nhanh chóng chỉ ra rằng Riverside liên tục đạt thành tích cao hơn 10 trường đứng đầu Ấn Độ. Học thuật và việc thực thi quyền công dân chủ động không hề đi ngược với nhau.

Đồng cảm: Tại sao tất cả chúng ta không thể hòa thuận?

Cho trẻ em đóng vai trò lớn hơn trong giáo dục có thể giúp tạo ra các nhà lãnh đạo tương lai, nhưng trẻ em cũng cần phải biết cách hòa đồng với người khác và hiểu quan điểm của người xung quanh.

Ở Hoa Kỳ, sự đồng cảm dường như đang suy yếu. Một nghiên cứu của Đại học Michigan với gần 14.000 sinh viên chỉ ra rằng sinh viên ngày nay có ít sự đồng cảm hơn 40% so với sinh viên của những năm 1980 và 1990. Michele Borba, một nhà tâm lý giáo dục và là tác giả của cuốn “Unselfie: Tại sao những trẻ biết đồng cảm thành công trong thế giới vị kỷ của chúng ta” (Unselfie: Why Empathetic Kids Succeed in Our-All-About-Me World), viết rằng sự gia tăng của lòng tự ái và mất đi sự đồng cảm là những lý do chính tại sao gần một phần ba trẻ em ở Mỹ bị trầm cảm và hay gặp những hội chứng sức khỏe tinh thần hơn. Khi tổng thống Hoa Kỳ đắc cử là một người hay xúc phạm người Mexico, người Hồi giáo và người khuyết tật, thì rõ ràng là vấn đề cần phải được cải thiện.

 “Chính chúng ta cần giúp trẻ hiểu chúng là ai và làm thế nào để chúng phù hợp với thế giới.” Khi chiến tranh Iraq nổ ra, tổ chức Global Nomads đã kết nối điện thoại để học sinh ở Iraq liên lạc với trẻ em ở Connecticut. Các học sinh Hoa Kỳ nói về việc cha của chúng phải tham gia một cuộc chiến mà chính họ cũng không hiểu rõ, còn các trẻ em Iraq bày tỏ lo ngại về việc thành phố và nhà của mình bị đánh bom. Một thập kỷ sau, một số học sinh vẫn nhớ lại cuộc điện thoại đó và tầm quan trọng của việc xem xét quan điểm của người khác. “Chính chúng ta cần giúp trẻ hiểu chúng là ai và làm thế nào để chúng phù hợp với thế giới.” Robinson, phó giám đốc chương trình cho biết.

Các trường khác đang cố gắng làm những việc tương tự. Trường Đạo đức và Lãnh đạo Toàn cầu (The School for Ethics and Global Leadership) đã đưa các học sinh lớp 11 từ khắp Hoa Kỳ đến Washington DC để tham gia một học kỳ được thiết kế để mở rộng quan điểm của các em. “Chúng tôi có cả những học sinh có người giúp việc, và những học sinh mà bố mẹ là người dọn nhà,” Noah Bopp, người sáng lập trường và là trưởng nhóm nói. “Các học sinh phải cùng chia sẻ việc dọn dẹp. Chúng tôi cũng có học sinh đồng tính, và cả những học sinh nghĩ rằng đồng tính luyến ái là tội lỗi. Chúng sống trong cùng một ký túc xá. Chúng ta có những học sinh theo chủ nghĩa tự do và những học sinh theo quan điểm xã hội chủ nghĩa. Họ cộng tác viết những bài phát biểu chính trị với nhau.”

Toàn cầu hóa: Thế giới trở nên nhỏ lại nếu bạn có cái nhìn rộng hơn.

Theo Bộ Giáo dục Hoa Kỳ, một học sinh có năng lực toàn cầu là một người có thể đánh giá được thế giới xung quanh, xem xét các quan điểm, giao tiếp hiệu quả với các chủ thể khác nhau và thực hiện hành động.

Tuy nhiên, đối với hầu hết các trường học của Hoa Kỳ,  khái niệm “toàn cầu” lại mang hình thức một lễ hội ẩm thực diễn ra một lần một năm. Chỉ có bốn tiểu bang của Hoa Kỳ ưu tiên một số loại năng lực văn hóa và năng lực toàn cầu.

“Cuối cùng thì người ta cũng bàn luận một cách toàn diện hơn về những gì cần thiết cho trẻ em để thành công… trong thế kỷ 21.” Một số nhà giáo dục đang cố gắng thay đổi điều đó. Là người điều hành hệ thống trường công lập Washington DC, Kaya Henderson đứng đầu một chương trình mà trong đó 400 trẻ em ở lớp 8 và lớp 11 được gửi đến 13 quốc gia trong một tuần. Nhiều trẻ em trong số đó là trẻ em nghèo; Henderson đã giúp quyên góp 2 triệu đôla để tài trợ cho chương trình, bao gồm chi phí hộ chiếu và quần áo cho những em có nhu cầu. Cô cho biết, cô đã tham gia như một học sinh và muốn những người khác cũng có những trải nghiệm giống như cô.

“Những trải nghiệm đó đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi”, Henderson trả lời tờ Washington Post. “Tôi biết sức mạnh của ngôn ngữ và việc học ở nước ngoài có thể làm gì cho những đứa trẻ tầm thường như tôi,” cô nói.

Những người khác đang cố gắng tìm cách để nhân rộng nhận thức mang tính toàn cầu bằng cách xuất bản các tài liệu giảng dạy. Reimers, đến từ Harvard, và các đồng nghiệp của ông đã viết một chương trình có tính toàn cầu dành cho lứa tuổi từ mẫu giáo đến lớp 12 được gọi là Phát triển thế hệ công dân toàn cầu: Một khóa học quốc tế (Empowering Global Citizens: A World Course). (Ban đầu nó được thiết kế độc quyền cho một trường tư thục ở thành phố New York, nhưng sau đó ông đã biến nó thành khóa học miễn phí do tổ chức phi lợi nhuận dưới cái tên Creative Commons.) Khóa học dựa trên thực hiện dự án, mang tính liên ngành, có tính thực hành và khuyến khích tinh thần làm chủ — đó là tất cả các thuật ngữ nóng của giáo dục thế kỷ 21.

Reimers cho rằng chúng ta cần khóa học này bởi chúng ta đang trong thời điểm cố gắng để toàn cầu hóa phù hợp và dễ tiếp cận với nhiều người hơn, hoặc chúng ta có thể biến nó thành một hạt nhân của sự phân chia sâu sắc hơn và sự phá hủy tiềm tàng. “Sự việc diễn tiến theo hướng nào phụ thuộc vào những gì giáo viên làm,” ông viết.

Trường hợp chịu thiệt thòi

Winthrop của tổ chức Brookings cho rằng “Hệ thống giáo dục, ở hầu hết các nơi trên thế giới, đang dần dần trở nên tốt hơn, nhưng quá trình này đang diễn ra quá chậm so với tốc độ thay đổi, và chưa đủ nhanh đối với những đứa trẻ bị thiệt thòi.”

Friedman ở trường Khan Lab đã có một ví dụ thể hiện tốc độ đó. Tại trường của cô, trẻ em nhìn thấy những chiếc xe tự lái của Google đi qua mỗi ngày. Cô nhấn mạnh rằng Uber — cũng xuất hiện ở Mountain View, và cũng đang thử nghiệm những chiếc xe không người lái — đã bắt đầu hoạt động vào năm 2009. Nói cách khác, chưa đến một thập kỷ sau khi ngành công nghiệp lái xe ra đời, những người tìm được nghề mới là nghề lái xe Uber đã đối mặt với viễn cảnh bị thay thế bằng máy móc. “Khoảng thời gian đó còn ít thời gian hơn thời gian một đứa trẻ trải qua trong trường từ mẫu giáo đến khi tốt nghiệp trung học.”

Mạng, cùng với công nghệ, sẽ hỗ trợ được việc này. Tổ chức Teach for All đã hỗ trợ các nhà giáo dục tại hơn 40 quốc gia xây dựng mạng lưới “bắt nguồn tại địa phương, thông tin trên toàn cầu”. Mạng lưới này tuyển dụng, đào tạo các sinh viên tốt nghiệp để dạy trong hai năm tại các trường có học sinh bị thiệt thòi. Sau thời gian giảng dạy hai năm, họ thường trở thành hiệu trưởng, hoặc các nhà cải cách giáo dục, hoặc các nhà lãnh đạo của địa phương và của chính phủ trong lĩnh vực giáo dục.

Tomas Despouy từng dạy cho Enseña Chile (nhóm Teach for All ở đó) và sau đó vận hành trường Panal để giúp học sinh phát triển các kỹ năng như tinh thần cộng tác, tính kiên trì, trí tò mò và thấu cảm thông qua việc thiết kế và thực hiện các dự án phục vụ cộng đồng. Sau khi gặp Despouy, Agustina Faustin – một cựu học sinh của Enseña Argentina đã cho ra mắt ra mắt Liderar, một mô hình tương tự ở đất nước của cô. Hiện có các nhóm ở Mexico, Colombia, Peru và Ecuador.

Mặc dù vậy, cuối cùng, chính giáo viên và các nhà cải cách giáo dục như Narvaiša ở Latvia hoặc Sethi ở Ấn Độ đã tạo ra các thay đổi, cứ dần dần từng lớp học và từng trường học một. “Trẻ em đang học những gì bạn đang không dạy chúng”, Sethi phát biểu tại một hội nghị mới đây ở Bulgaria. “Các học sinh sẽ nhìn thấy khuôn mặt của bạn trong 180 ngày. Khuôn mặt của bạn sẽ thể hiện điều gì với chúng?”


[1] Reimers, F. M., & Villegas-Reimers, E. (2014). Getting to the Core and Evolving the Education Reform Movement to a System of Continuous Improvement. New England Journal of Public Policy, 26(1), 12.

[2] Trong cuốn sách “Những kẻ xuất chúng” được xuất bản năm 2008, nhà tâm lý học Malcolm Gladwell đề xướng nguyên tắc 10,000 giờ. Ông cho rằng 10,000 giờ “luyện tập có chủ đích” là cần thiết để trở thành bậc thầy đẳng cấp thế giới trong bất kì lĩnh vực nào.

[3] https://www.npr.org/sections/ed/2016/07/05/481582529/how-to-raise-brilliant-children-according-to-science

Share...

Bài mới
Trang liên kết
Tạp chí Giáo dục
Tạp chí Khoa học Giáo dục
Trang tin điện tử Tạp chí Giáo dục
June 2018
M T W T F S S
 123
45678910
11121314151617
18192021222324
252627282930  

Chuyên san Giáo dục Mở

Đăng kí nhận thông tin