Đề án Số không – ½ thế kỷ đào sâu về Trí thông minh, Tư duy và Học tập

Hoàng Anh Đức

Khi đắm chìm vào những cuộc tranh luận về tiêu chuẩn nội dung, chương trình giảng dạy, chiến lược giảng dạy…, thật dễ dàng để chúng ta bị lạc hướng và quên mất mục tiêu mà mọi nền giáo dục đều theo đuổi – giúp người học có khả năng tự học và nâng cao hiểu biết về thế giới, về cả mặt định tính và định lượng. Đề án Số không – Project Zero (PZ) là một sáng kiến được sinh ra để tìm hiểu về cách mà những nhà giáo dục đã làm tốt việc giảng dạy để người học nâng cao hiểu biết thực sự thế nào. Bài viết này tóm lược lại những mảng hoạt động mà PZ nhắm tới để người đọc có thể hình dung về một quá trình cải tổ giáo dục bền bỉ đã và đang diễn ra thế nào.

Câu chuyện nửa thế kỷ qua của PZ là câu chuyện về sự ảnh hưởng của nghệ thuật và giáo dục. Vai trò của nghệ thuật trong giáo dục, và bản chất của việc học tập trong nghệ thuật và học tập qua nghệ thuật là quan niệm khởi thuỷ của PZ, quan niệm vẫn ảnh hưởng tới các dự án ngày nay cũng như các dự án trong tương lai, khi nghệ thuật vẫn được coi là trọng tâm của các nghiên cứu.

Thiếu đi bóng dáng của nghệ thuật, lối hình thành sự hiểu biết một chiều thật không quá khó để có thể tìm thấy và quan sát trong các lớp học ngày nay. Các giáo viên ít khi tập trung vào nhận thức bởi đã quá bận bịu với việc truyền tải kiến thức. Cũng có những giáo viên cấp tiến thảo luận với học sinh về sự nhận thức, nhưng lại cũng thường đơn giản hoá khái niệm bằng cách chỉ mô tả một phần của nó – suy nghĩ về sự suy nghĩ. Các thầy cô cố gắng làm cho học sinh tạm dừng lại, ghi nhớ cách thức và lý do tại sao các em đang suy nghĩ, và xem xét quá trình suy nghĩ như một hành động mà học sinh đang thực hiện. Thế nhưng, hai thành phần cốt lõi của sự nhận thức thường bị gạt ra khỏi các cuộc thảo luận này: Giám sát tư duy, và Chỉ đạo tư duy. Khi một học sinh đọc và dừng lại để nhận ra rằng cậu ta không thực sự hiểu ý nghĩa đằng sau những từ đó, đó là sự Giám sát tư duy. Sau đó, quá trình Chỉ đạo tư duy xảy ra khi cậu ta huy động những chiến lược tư duy cụ thể để chuyển hướng, hoặc thách thức suy nghĩ của riêng mình. Sự kết hợp hai quá trình đó chính là quá trình nâng cao hiểu biết, mà trọng tâm là rèn luyện nhận thức, với công cụ là các kiến thức thu nhận được. Quá trình đó là trọng tâm nghiên cứu của PZ: “Học cách để nghĩ, và nghĩ cách để học” (Learn how to think, and think how to learn).

Project Zero – Đề án Số không được sáng lập bởi Triết gia Nelson Goodman vào năm 1967 tại Khoa sau đại học về Giáo dục, Đại học Harvard với sự tài trợ của Bernard van Leer, một tổ chức quốc tế phi lợi nhuận đặt tại The Hague, thủ đô hành chính của Hà Lan[1]. PZbắt đầu với các nghiên cứu tập trung vào việc thấu hiểu quá trình học tập trong nghệ thuật, và thông qua nghệ thuật. Bước sang tuổi 50 vào năm 2017, Đề án Số không đã triển khai nhiều dự án nghiên cứu, tìm hiểu và nâng cao khả năng học, suy nghĩ và sáng tạo đối với các môn nghệ thuật, nhân văn, cũng như các môn khoa học, ở cả cấp độ cá nhân và cấp độ tổ chức. Các công trình của đề án đã đưa ra nhiều quan điểm, học thuyết đa dạng để kiểm tra các giả thiết cơ bản về các biểu hiện và quá trình phát triển của con người. Các nỗ lực nghiên cứu khởi đầu từ niềm đam mê cho những câu hỏi lớn đã mở rộng các chủ đề nghiên cứu tới những vấn đề đương đại của các thể chế giáo dục, bao gồm cả nhà trường, gia đình, các bảo tàng hay các doanh nghiệp, từ thấu hiểu và sáng tạo cho tới học tập liên ngành và đạo đức, thông qua tình yêu nghệ thuật.

Ngày nay, PZ giống như một suối nguồn tri thức, nuôi dưỡng những sự tò mò về tính phức tạp của tiềm năng con người, bao gồm trí thông minh, sự hiểu biết, tư duy, tính sáng tạo, tư duy liên ngành, tư duy đa văn hoá – và khám phá những cách bền vững để hỗ trợ những cấu thành trên trong những bối cảnh đa chiều và đa dạng. Gắn chặt với các nền tảng nghệ thuật và nhân văn, PZ có những cam kết chặt chẽ về cả lý thuyết và thực hành để hướng tới một quá trình, một hệ thống giáo dục khai sáng hơn, với sự chuẩn bị tốt nhất để người học sống, làm việc và phát triển. 

Hiện tại, PZ đang triển khai 9 trọng tâm nghiên cứu, bao gồm: Nghệ thuật và Giáo dục; Định hình lại việc đánh giá; Phát triển sự hiểu biết; Tính cách và đạo đức; Vai trò công dân; Sự sáng tạo; Các khuynh hướng tư duy; Các năng lực toàn cầu; và Các loại hình thông minh.

Nghệ thuật và Giáo dục

PZ đặt ra những nghi vấn và khám phá đối với quá trình sáng tác một tác phẩm nghệ thuật. Những người nghệ sĩ cụ thể hoá quá trình học tập của mình bằng một sản phẩm hiện hữu. Đổi lại, tác phẩm của họ kích thích sự tò mò và gợi mở những thắc mắc mới trong lòng người khác, dẫn họ tới những hiểu biết sâu sắc hơn. Chu trình nghi vấn, khám phá và học tập là tất yếu trong tất cả những trải nghiệm nghệ thuật thực thụ.

Nghiên cứu của PZ về nghệ thuật và giáo dục tập trung vào hai câu hỏi chính: Các khía cạnh của nhận thức về sự gắn kết trong nghệ thuật có thể giúp con người phát triển trong các lĩnh vực khác thế nào? Làm thế nào để việc quan sát chậm rãi giúp cho quá trình học tập và thấu hiểu trở nên sâu sắc hơn?

Định hình lại việc đánh giá

PZ xem đánh giá là một phần của quá trình học tập. Quá trình định hình lại việc đánh giá của PZ liên quan tới việc thay đổi một số khái niệm truyền thống: đánh giá cả quá trình cũng như thành quả (khi nào, cái gì); giáo viên và học sinh đều là nhân vật chính trong quá trình đánh giá (ai); việc đánh giá được thúc đẩy bởi các mục tiêu quan trọng nhất cho học sinh, dù cho các con số có thể hiện được nó hay không (tại sao); và đánh giá là một quá trình để thu nạp và xây dựng các mối quan hệ (như thế nào, ở đâu).

Trong khi việc đánh giá thường tập trung vào kết quả cá nhân và các thành tích, thì các tài liệu về quá trình học tập của cá nhân và nhóm giúp cho cuộc hành trình dạy và học trở nên phong phú hơn bởi những cuộc hội thảo luận mẽ và đầy ý nghĩa. Bởi vậy, PZ muốn trả lời các câu hỏi: Các đặc tính của một quá trình đánh giá thực sự hiệu quả là gì? Việc đánh giá này được ghi nhận như thế nào? Làm thế nào để quan sát và ghi nhận những sự thay đổi về bản chất của quá trình học tập?

Phát triển Sự hiểu biết

Nghiên cứu của PZ đề xuất một khái niệm gắn liền với thành quả – Sự hiệu biết. Nói cách khác, sự hiểu biết là khả năng thực hiện linh hoạt các kiến thức đã có trong các tình huống mới lạ. Điều này có vẻ gần giống với khái niệm mà ta vẫn hay gọi là “tính sáng tạo” trong thang đo của Bloom. Sự hiêu biết mà PZ nghiên cứu bao gồm khả năng chuyển giao, tái cơ cấu các khái niệm thay vì chỉ tiếp nhận thêm thông tin. Đó là một quá trình mang tính đại diện, một nhiệm vụ được thực thi bởi người học chứ không phải là một thành tựu. PZ tìm kiếm sâu hơn về những thách thức, cũng như những cách mà giáo dục có thể hỗ trợ sự phát triển những hiểu biết sâu sắc.

Tính cách và đạo đức

Trải qua nhiều năm, các nghiên cứu của PZ quan sát sự phát triển của tính cách và đạo đức từ thuở ấu thơ cho tới khi chúng có thể nhận diện rõ ràng hơn nơi công sở, hay trong những cộng đồng rộng lớn hơn. PZ đã nhận thấy rằng một công việc tốt là một công việc không chỉ xuất sắc về chất lượng đầu ra, mà còn có sự gắn kế của những cá nhân tham gia, những người thực hiện nó một cách đạo đức.

Một sự nhận biết bao quát về trách nhiệm sẽ giúp mở rộng phạm vi ảnh hưởng của một hành động tới những cộng đồng khác nhau, cũng như đem lại sự nhận biết đủ đầy hơn với các tác động đạo đức của các quyết định được thực thi. Bằng cách trau dồi mạnh mẽ ý thức về đạo đức thông qua quá trình phản tỉnh, chúng ta có thể học hỏi từ những sai lầm và tiếp cận các tình huống khó xử trong tương lai với cái nhìn bao quát hơn.

“Một tính cách tốt” có phải là một vai trò mà người ta có thể giả định nhất thời, hay là một hiện tượng phát triển phức tạp trong một quá trình lâu dài? Tính cách có trở nên tốt hơn như thể nó là một phần của bản sắc một con người, hay đó là một tập hợp các vai trò mà một người giả định rằng anh ta/ cô ta là như vậy, cả trên mạng và trong đời sống hàng ngày, trong suốt cuộc đời? Đó chính là một chủ đề lớn khác mà PZ không ngừng khám phá.

Vai trò công dân

Các nghiên cứu của PZ coi các vai trò công dân như một nguồn lực đa diện, một tập hợp các kỹ năng và xu hướng để hỗ trợ một con người tham gia kết nối với thế giới đương đại. Bằng việc hỗ trợ người học trở nên hiệu quả hơn và phản ánh những thay đổi tích cực của xã hội, PZ mở rộng nhân sinh quan của họ về ai, cái gì, và nơi nào sẽ diễn ra những hoạt động gắn kết người công dân. Đồng thời, PZ cũng chuẩn bị cho người học có thể tham gia sâu sắc vào chính cộng đồng của mình, đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng, cả trên mạng và ngoài đời thường.

Nghiên cứu về các vai trò công dân bao gồm việc lắng nghe những quan điểm đa dạng, tưởng tượng, cổ suý, và xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Trẻ em không chỉ là những công dân tương lai, những công dân trong quá trình đào tạo, mà đúng hơn là những công dân của thực tại, ở đây và bây giờ, với quyền bày tỏ ý kiến và tham gia vào đời sống dân sự và văn hoá trong cộng đồng của mình. Các nghiên cứu về chức năng công dân của PZ trả lời câu hỏi như: Làm thế nào để thế giới số có thể hiện hữu những cơ hội và rủi ro tích cực cho tiến trình phát triển và ban hành các đạo luật dân sự? Các chuyển biến sư phạm cụ thể có thể hỗ trợ sự phát triển các kỹ năng, khuynh hướng và chức năng công dân ở trẻ em trong độ tuổi đi học thế nào?

Sự sáng tạo

PZ nghiên cứu tính sáng tạo như một hành động mang tính cá nhân trong các phát minh của nhân loại qua việc đào sâu vào những bức chân dung riêng biệt của “những người khổng lồ sáng tạo”. Các nghiên cứu nhìn nhận cách suy nghĩ đột phá, các nhận thức sâu sắc diễn ra trong quy trình sáng tạo của các nghệ sĩ. Từ đó, các giả thiết về sự sáng tạo trong các hệ thống phức hợp được đưa ra.

Đồng thời, PZ định nghĩa sự sáng tạo như một cấu thành văn hoá. PZ khám phá cách các công việc sáng tạo được tiến hành và cách mà cả kiến thức lẫn nhận thức được phân phối trên các đối tượng, cá nhân, tạo tác và công cụ trong môi trường. Nhận định rằng sự sáng tạo tồn tại nơi giao thoa của cá nhân, chuyên ngành và môi trường, PZ nỗ lực trả lời những câu hỏi: Làm thế nào để quá trình thực hành giáo dục hỗ trợ tốt hơn cho các quy trình nhận thức sáng tạo và tư duy phê phán bậc cao? Sự sáng tạo trong tương lai sẽ trông ra làm sao?

Các khuynh hướng tư duy

PZ tin rằng tư duy tốt là tư duy có khuynh hướng rõ ràng, có thể nhìn thấy và phân biệt được. Tất cả động lực, thái độ, giá trị và thói quen của tâm trí đều đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành một tư duy tốt. Các cấu thành này xác định khả năng mà một người có thể sử dụng kỹ năng tư duy của mình khi cần thiết.

Học tập là kết quả của quá trình tư duy, nên phát triển văn hoá tư duy là điểm mấu chốt nếu ta muốn tạo ra cảm xúc, năng lượng và thậm chí là những niềm vui để thúc đẩy quá trình học tập. Thêm vào đó, tư duy có khuynh hướng sẽ thúc đẩy người học thực thi những hành động cụ thể, cần thiết vào những thời điểm mà trí não bị thách thức thực sự. Để hiểu sâu hơn về các khuynh hướng tư duy, PZ trả lời những câu hỏi: Cần làm gì để tư duy tốt đem lại quá trình học tập tốt? Làm cách nào để chúng ta có thể hỗ trợ sự phát triển của các khuynh hướng tư duy một cánh bền vững, để chúng có thể bộc lộ qua thời gian, tại những trạng thái tư duy khác nhau?

Các năng lực cạnh tranh toàn cầu

Mỗi thế hệ loài người đều phải đối mặt với những thử thách về tính sáng suốt và thực tế của các năng lực cần có. Khuynh hướng phát triển các năng lực của thế giới đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong việc nuôi dưỡng thế hệ trẻ tuổi tại từng thời kỳ lịch sử nhất định. Gần đây, ta có thể liên tục đọc được các tuyên bố về “Những kỹ năng cần thiết nhất cho tới năm 2030, 2050…”. Những tuyên bố như vậy có thể được dự đoán từ việc thiếu hụt các kỹ năng đó hay một bản thể thấp hơn của nó trong hiện tại hoặc trong tương lai gần.

Không phân tích tuyến tính sự thiếu hụt trong hiện tại, PZ nghiên cứu các năng lực cạnh tranh dựa trên việc xem xét các quan điểm, giả định về cuộc sống hàng ngày của chính chúng ta và những người khác trên khía cạnh kiếm tìm và trao đổi văn hoá. Việc quan sát và lắng nghe thế giới một cách cẩn thận là chìa khoá để khám phá thế giới đa dạng trong thời đại tràn ngập thông tin của truyền thông xã hội.

Để hình thành tư duy mang tính toàn cầu và năng lực toàn cầu, cần có sự cấu thành của các khía cạnh như nhận thức, cảm xúc xã hội và đạo đức trong quá trình học sinh khám phá thế giới, nhận ra các quan điểm, truyền đạt các ý tưởng và triển khai hành động. Các câu hỏi mà PZ quan tâm là: Làm thế nào để chúng ta có thể chuẩn bị cho thế hệ trẻ một cách tốt nhất với những nhu cầu liên tục thay đổi của cuộc sống trong thế giới kết nối và bất kết nối này? Làm thế nào để chúng ta có thể tiến triển một cách kỹ lưỡng và trân trọng để mở rộng những cơ hội toàn cầu, và sự hiểu biết liên văn hoá cho trẻ em?

Các loại hình thông minh

Có lẽ đề tài tiên phong này là nổi tiếng nhất  trong các công trình của PZ, được thực hiện bởi Howard Gardner và David Perkins (1983). Đến 9/6/2018, nghiên cứu đạt hơn 54,000 lượt trích dẫn, tính theo Google Scholar. Nghiên cứu đã phá vỡ hàng thập kỷ của tâm lý học truyền thống, vốn được xây dựng trên các khái niệm bẩm sinh và đơn nhất về trí thông minh của con người. Công trình thách thức quan điểm phổ biến rằng trí thông minh là cố định, đồng nhất và có thể được đo bằng các bài kiểm tra chuẩn hoá về ngôn ngữ và logic.

Thuyết này đem tới một cái nhìn cấp tiến cho lĩnh vực Tâm lý học Giáo dục, rằng trí thông minh là một khả năng có thể học hỏi được để tìm kiếm, giải quyết các vấn đề và tạo ra các sản phẩm có giá trị trong một nền văn hoá. Hai nhà nghiên cứu công bố một tập hợp các khuynh hướng có thể học được, là nền tảng cho hành vi thông minh, cũng như một tập hợp các loại hình thông minh khác nhau, được phát triển và thể hiện bên trong từng bối cảnh, và giữa các bối cảnh văn hoá.

Tuy vậy, các kết quả nghiên cứu là một chuyện, và người ta vận dụng hay lạm dụng các nghiên cứu của PZ lại là một chuyện khác. Bản thân Gardner cũng đã lên tiếng rằng: “Lý thuyết trí khôn nhiều thành phần được tìm ra như là một lý thuyết khoa học chứ không phải là một công cụ của chính sách xã hội.” Garder cũng thú nhận rằng sẽ là không thể và không thích hợp để người sáng tạo ra một lý thuyết lại phải tìm cách kiểm soát những cách thức mà lý thuyết đó được vận dụng, ví dụ như sự lạm dụng đo nghiệm trí khôn theo bất kể hình thức nào.

Các khuynh hướng đóng vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm và giải quyết vấn đề. Thái độ của người học thể hiện ra trong quá trình học tập, cho dù họ có tâm trí đóng hay mở, suy nghĩ phiêu lưu hay giới hạn, cẩn trọng hay bất cẩn, đều góp phần dự đoán mạnh mẽ cách mà họ gắn kết và phát triển các hành vi thông minh.

Các nghiên cứu hiện nay của PZ tập trung vào câu hỏi: Trí thông minh được thể hiện bên trong từng bối cảnh, và giữa các bối cảnh văn hoá như thế nào? Thay vì hỏi “Tôi thông minh đến mức nào?”, chúng ta hỏi “Tôi thông mình như thế nào?”, thì điều gì sẽ sảy ra?


[1] http://www.pz.harvard.edu/who-we-are/history

Share...

Bài mới
Trang liên kết
Tạp chí Giáo dục
Tạp chí Khoa học Giáo dục
Trang tin điện tử Tạp chí Giáo dục
June 2018
M T W T F S S
 123
45678910
11121314151617
18192021222324
252627282930  

Chuyên san Giáo dục Mở

Đăng kí nhận thông tin