Irene C.Fountas và Gay Su Pinnell | Kim Ngân dịch
Dạy&Học số 15 | Tháng 09/2019
“Ồ! Quyển sách đó là level V (cấp độ V). Tôi phải đọc ngay lập tức mới được. Tôi yêu các sách ở level V lắm”. Nhưng chưa từng có ai nói điều đó. Chưa từng bao giờ! Khi lựa chọn sách đọc, cấp độ của sách chưa bao giờ là điều được xem xét. Thay vào đó, người đọc chọn sách theo những lý do của riêng mình.
Người đọc tìm hiểu các thể loại và series yêu thích, và tìm kiếm các loại sách truyện mà họ muốn đọc, chẳng hạn như thể loại phiêu lưu, bí ẩn, lãng mạn hoặc thần thoại. Họ ngóng chờ tác phẩm mới nhất từ tác giả ưa thích của mình. Họ nghiên cứu các chủ đề quan trọng với họ tại một mốc thời gian nhất định, kết hợp các thể loại viễn tưởng và không viễn tưởng ở mức độ cá nhân sâu sắc. Người đọc nhìn nhận lại cuộc sống của mình và tìm kiếm những quyển sách mà họ cảm thấy như có thể trò chuyện với mình.
Và chẳng phải đó là điều chúng ta vẫn muốn cho học sinh của trường mình hay sao? Dẫn dắt câu chuyện văn học trong nhà trường có nghĩa rằng các em học sinh có các cơ hội để thực hiện việc đọc như mọi người bình thường bên ngoài khuôn viên trường học vẫn làm. Thông qua các bài học nho nhỏ có bao gồm cả sự thực hành, học sinh sẽ học tập được cách các độc giả vẫn lựa chọn sách cho họ. Qua thời gian, kỹ năng lựa chọn sách của các em trở nên thành thục hơn. Đôi khi, các em sẽ chọn một quyển sách hơi khó nhằn hơn một chút bởi vì đó là chủ đề các em thích và có biết đôi chút về nó; hay đôi khi, các em sẽ đọc một quyển sách dễ hơn nhưng lại được sáng tác bởi nhà văn mình thích, hoặc đơn giản chỉ là vì quyển sách đó đọc rất thú vị.
Chẳng có nhãn mác hay cấp độ nào có thể bắt buộc các bạn học sinh phải lựa chọn những đầu sách cụ thể nào đó. Các em chọn những gì mà các em muốn đọc. Và điều này dẫn chúng tôi đến một thắc mắc, đó là: các cấp độ của sách nên đóng vai trò như thế nào?
Phân cấp độ sách có tác dụng trong trường hợp nào?
Một hệ thống phức tạp và phong phú dành cho việc đọc không phải là được phát triển chỉ bởi một loại sách hay một ngữ cảnh riêng biệt. Trẻ em xứng đáng được hưởng thụ một nguồn sách báo đa dạng trong các ngữ cảnh khác nhau. Thực tế là, trong số năm ngữ cảnh dành cho việc đọc mà chúng tôi miêu tả trong nghiên cứu của mình, bao gồm: Đọc to và tương tác, Đọc và chia sẻ, Đọc có hướng dẫn, Câu lạc bộ sách, và Đọc độc lập, chỉ có duy nhất một hình thức có sử dụng việc phân cấp sách. Chỉ một mà thôi. Các trình độ đọc đóng vai trò quan trọng nhưng khá là bị giới hạn trong việc đọc hiểu ở trường.
Đọc có hướng dẫn chính là hình thức đọc có sử dụng các loại sách có phân cấp độ. Trong phương pháp đọc này, giáo viên lựa chọn các bài đọc theo đúng thể loại và độ khó phù hợp cho một nhóm ít học sinh. Bài đọc đó sẽ khó hơn các loại sách mà các em thường tự đọc hàng ngày một chút và cần có sự hỗ trợ của giáo viên. Tuy nhiên, các bài đọc này cũng không quá khó đến mức gián đoạn quá trình đọc, hoặc khiến cho các em học sinh không hiểu câu chữ.
Phương pháp tiếp cận theo cấu trúc giúp tạo các bước đệm gợi ý để việc đọc đạt hiệu quả cao hơn, cho phép các em học sinh tiến bộ dần mỗi ngày. Điều này được thực hiện bằng cách sử dụng một chuỗi các văn bản để kiểm soát lỗi và các vấn đề khó khăn thông qua việc đánh giá kỹ lưỡng các điểm mạnh và nhu cầu của học sinh.
Phân chia cấp độ đọc là một công cụ đem lại hiệu quả cao khi được sử dụng đúng cách. Có thể lấy ví dụ là thang đo F&P của chúng tôi cho phép đưa ra các lựa chọn chuẩn xác trong các bài đọc có hướng dẫn. Một “cấp độ” đại diện cho hàng trăm, thậm chí hàng ngàn các chiến lược mà người đọc cần trong một khoảng thời gian được yêu cầu nhất định để đọc với sự chuẩn xác, trôi chảy và có hiểu.
Các nhu cầu tăng lên khi người đọc ngày càng tiến bộ và đọc được các sách/văn bản ở mức độ phức tạp hơn, và mọi người khám phá ra được các cách mới để suy nghĩ và giải quyết vấn đề. Để sử dụng các cấp độ đọc một cách hợp lý, giáo viên nên sử dụng các hình thức đánh giá và quan sát cẩn thận, có hệ thống và liên tục để xác định được xem loại sách nào phù hợp cho các nhóm nhỏ học sinh trong hình thức đọc có hướng dẫn, và để định hướng các quyết định dạy học của chính mình khi những giáo viên này thúc đẩy từng học sinh từ xuất phát điểm ban đầu để đi đến các mức độ cao hơn.
Và như chúng ta đã từng nhắc đến thì ngoài hình thức đọc có hướng dẫn, các em học sinh nên được tiếp cận với thật nhiều các đầu sách mà có thể “trò chuyện” với các em, và giúp các em hình thành bản sắc đọc của mình. Với bất cứ hoạt động đọc nào thì đây cũng là mục tiêu cuối cùng quan trọng nhất.
Các gia đình cần biết những gì về cấp độ đọc?
Các cấp độ đọc được phát triển để giúp giáo viên có những quyết định giảng dạy tốt hơn. Gia đình có quyền được biết liệu con họ có đang tiến bộ đúng như kỳ vọng, phát triển vượt trội so với mức độ kỳ vọng, hay cần có thêm sự can thiệp để theo kịp tốc độ. Tuy nhiên, cấp độ đọc thì không được thể hiện trong các hội nghị hội thảo, trên phiếu tổng kết, hay trong các buổi thảo luận với học sinh.
Hãy cho phép chúng tôi được nhắc lại rằng: các cấp độ đọc không được thể hiện trong các hội nghị hội thảo, trên phiếu tổng kết, hay trong các buổi thảo luận với học sinh.
Một cấp độ đọc là một giáo cụ hỗ trợ cho giáo viên. Đó không phải là “điểm số”, và chắc chắn nó không phải là một cái nhãn mác để quy chụp trình độ hay khả năng của bọn trẻ.
Gia đình không cần phải lo lắng nếu như mà, trong vòng một tuần, các em đọc một số bài ở các mức độ khó khác nhau vì nhiều lý do. Sự thực là, trong một ngày bất kỳ thì các em học sinh cũng thường được trải nghiệm các loại sách khác cấp độ trong các hoàn cảnh giáo dục khác nhau.
Đưa ra các quyết định chuẩn xác về việc dạy và học đọc hiểu
Nếu chúng ta có cam kết về kết quả đọc hiểu của học sinh, và cam kết nuôi dưỡng quá trình đọc của các em, thì các hoạt động cần phải phản ánh được cam kết đó.
Các giáo trình cho việc đọc trong một lớp học cần phải cung cấp nhiều cơ hội nhất có thể, và quá trình dạy học cần thử thách học sinh trong nhiều tình huống đa dạng . Sự kết hợp của hai yếu tố này chính là chìa khóa đến thành công.
Mỗi ngày trôi qua, tất cả các em học sinh đều có quyền được đọc đa dạng các thể loại sách ở nhiều cấp độ khác nhau sử dụng khả năng đọc hiểu và thành thục của mình; trải nghiệm giảng dạy chuyên môn cao, cũng như tìm ra được các đầu sách mà các em yêu thích và gắn bó với nó suốt đời.

High Teacher Support: Mức độ hỗ trợ của giáo viên cao
Low Teacher Support: Mức độ hỗ trợ của giáo viên thấp
High Student Control: Khả năng tự kiểm soát của học sinh cao
Low Student Control: Khả năng tự kiểm soát của học sinh thấp
Interactive Read-Aloud: Đọc to và tương tác
Shared Reading: Đọc và chia sẻ
Guided Reading with Leveled Books: Đọc có hướng dẫn VỚI SÁCH ĐƯỢC PHÂN CẤP ĐỘ
Independent Reading: Đọc độc lập