Người lớn cần học như thế nào?

Hoàng Giang Quỳnh Anh tổng hợp

Lí thuyết về học tập của người lớn (Andragogy, với hàm ý ban đầu để đối lập với “sư phạm”- pedagogy tức là dạy cho trẻ con) được cho là do Malcolm Knowles đề xướng và đặt nền móng.

Các ý tưởng của Knowles được vận dụng rất phổ biến trong cả đào tạo chính quy và học tập phi chính quy. Knowles là cố giám đốc của Hiệp hội Giáo dục cho Người trưởng thành, là người có những ảnh hưởng rất lớn đến giáo dục Hoa Kỳ nửa sau thế kỉ XX. Bài viết ngắn này tóm tắt những nguyên lí căn bản của lí thuyết Andragogy.

Bàn về việc học của người lớn, Knowles cho rằng nó cần phải thể hiện được được ít nhất những điều sau đây:

  • Người lớn nên xây dựng hiểu biết của riêng mình. Họ nên hiểu những gì là cần thiết, điều gì thúc đẩy họ học tập, những điều thực sự quan tâm, năng lực cũng như mục tiêu của mình. Họ nên có cái nhìn vào chính mình một cách khách quan và trưởng thành. Họ chấp nhận chính trạng thái của họ như đang là, tôn trọng chính mình và nỗ lực không ngừng để trở nên tốt hơn.
  • Người lớn nên phát triển thái độ về tiếp nhận, yêu thương và tôn trọng người khác. Đây là thái độ ảnh hưởng tới tất cả các mối quan hệ con người mà mỗi người tham gia vào. Người lớn phải học cách phân biệt giữa cá nhân và ý tưởng, thử thách các ý tưởng mà không gây phương hại đến các cá nhân. Một cách lí tưởng, thái độ này được xây trên cái nền của việc tiếp thu, yêu thương, tôn trọng, cảm thông mong muốn giúp đỡ người khác.
  • Người lớn nên phát triển một thái độ năng động về cuộc sống. Họ nên chấp nhận những sự thật về thay đổi, cả môi trường lẫn chính bản thân họ. Họ cần hình thành những thói quen nhìn nhận mọi việc như là cơ hội để học tập và trở nên tốt hơn.
  • Người lớn nên học các phản ứng với các nguyên nhân, không phải với các hiện tượng hay hành vi. Giải pháp của các vấn đề nằm trong cách xử lí nguyên nhân, không phải ở bề mặt.
  • Người lớn nên phát triển các kĩ năng cần thiết để phát huy tối đa tiềm năng của riêng mình. Mỗi người có tiềm năng khác biệt, và nếu biết hiện thực hóa, nó sẽ góp phần quan trọng cho chính cá nhân và xã hội. Những tiềm năng này có thể tồn tại dưới rất nhiều dạng: nghề nghiệp, xã hội, giải trí , công tác xã hội, nghệ thuật v.v.
  • Người lớn cần hiểu được những giá trị cốt yếu của tài sản kinh nghiệm. Họ cần làm quen với di sản của tri thức, những ý tưởng lớn, những truyền thống tốt đẹp của thế giới mà họ đang sống. Họ nên hiểu và tôn trọng những giá trị đang gắn kết con người với nhau.
  • Người lớn cần hiểu xã hội của mình và cần phải có kĩ năng để định hướng những thay đổi nó. Trong một môi trường dân chủ, con người tham gia vào việc đưa ra các quyết định ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Vì thế, từ công nhân công trường cho đến những nhà hoạch định chính sách cần phải lưu tâm và học tập để có kĩ năng định hướng những thay đổi đó.

Dựa trên các giả định trên, Knowles cho rằng, việc học của người lớn (hay các chương trình đào tạo dành cho người trưởng thành) cần được xây dựng dựa trên các nguyên tắc sau đây của Andragogy:

  1. Tự định hướng (Self-concept): Người trưởng thành đã chuyển từ việc phụ thuộc sang tự định hướng. Họ cần phải được can dự vào quá trình lập kế hoạch  và đánh giá kết quả học tập.
  2. Trải nghiệm (Experience): Người trưởng thành không ngừng trải nghiệm (gồm cả những sai sót) để tích lũy thành những bể chứa kinh nghiệm, cung cấp nền tảng cho việc học tập.
  3. Sự sẵn sàng học tập (Readiness to learn): Người lớn quan tâm đến những nội dung học tập có liên hệ trực tiếp tới công việc hoặc trong đời tư của họ.
  4. Định hướng học tập (Orientation to learn): Người lớn học theo kiểu lấy vấn đề làm trung tâm (problem-centered) để áp dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống, hơn là hướng đến nội dung (content-oriented).
  5. Động lực học tập (Motivation to learn): người lớn học tập với động lực từ bên trong chính họ (động lực nội sinh).

Malcolm Shepherd Knowles (1913 – 1997)

Theo Knowles, các chương trình cần tập trung hơn vào tiến trình, sự tương tác và thẩm thấu trực tiếp hơn là vào phát triển nội dung. Những phương pháp giảng dạy tương tác và tích cực sẽ được sử dụng nhiều hơn như: khảo sát tình huống (case study), nhập vai (role play), trò chơi (serious game), giả lập (simulation) hay tự đánh giá. Các phương pháp này được thiết kế cơ bản dựa trên các vấn đề thực tiễn, cách thức giải quyết chúng sử dụng nội dung (content) của môn học. Thông qua trải nghiệm thực tế, người học tự xây dựng các tri thức cho chính mình, tự mình đo lấy thành quả. Đến lượt mình, người học tự chịu trách nhiệm về việc học của mình.

Dù ra đời từ khu vực phi chính quy (informal learning), hiện nay lí thuyết của Knowles và những phương pháp kế thừa đã góp phần gia tăng hiệu quả của các khóa học chính quy trong các đại học trên thế giới.

Share...

Bài mới
Trang liên kết
Tạp chí Giáo dục
Tạp chí Khoa học Giáo dục
Trang tin điện tử Tạp chí Giáo dục
June 2018
M T W T F S S
 123
45678910
11121314151617
18192021222324
252627282930  

Chuyên san Giáo dục Mở

Đăng kí nhận thông tin