Olga Khazan | Linh Chi lược dịch

Bài đăng trên Dạy&Học số 22 – Tháng 4/2020

 

Đầu những năm 90, một người đàn ông New Zealand tên là Neil Fleming đã quyết định phân loại một thứ mà vốn luôn làm ông bối rối trong việc kiểm soát các lớp học với tư cách là một thanh tra trường học. Trong quá trình quan sát khoảng 9000 lớp học khác nhau, ông nhận thấy rằng chỉ có một số giáo viên có thể tiếp cận được từng học sinh một trong quá trình dạy học. Họ đã làm gì khác?

Fleming trả lời câu hỏi đó bằng cách tập trung vào cách thức trình bày thông tin mà mọi người ưa thích khi thông tin đó được truyền tải tới họ. Ví dụ, khi hỏi đường, bạn thích được chỉ bằng lời hay được phác hoạ cho một bản đồ trực giác?

Ngày nay, 16 câu hỏi kiểu như vậy được tổng hợp thành Bảng hỏi VARK (VARK questionnaire) do Fleming phát triển để xác định “phong cách học tập” của mỗi người. VARK, biểu trưng cho Visual (Thị giác), Auditory (Thính giác), Reading (Đọc) và Kinesthetic (Vận động), phân loại học sinh thành các nhóm: học tập tốt nhất thông qua hình ảnh, thông qua âm thanh, thông qua việc đọc, hoặc thông qua các trải nghiệm vận động. Fleming không phải là người duy nhất từng đề xuất rằng con người có các phong cách học tập khác nhau, nhưng mô hình VARK của ông là mô hình nổi bật nhất trong các lý thuyết về vấn đề này.

Các chuyên gia không rõ rằng mô hình này đã lan toả ra sao, nhưng có vẻ như nó có liên quan tới các phong trào về thúc đẩy sự chú ý vào lòng tự trọng (self-esteem) cuối những năm 80, đầu những năm 90. Mọi người đều đặc biệt – tức là mọi người cũng có phong cách học tập riêng biệt. “Các giáo viên muốn nghĩ rằng họ có thể tiếp cận được mọi học sinh, kể cả những học sinh có khó khăn học tập, bằng cách thiết kế các kiến thức sao cho khớp được với từng phong cách học tập của từng học sinh,” Abby Knoll, nghiên cứu sinh hiện đang nghiên cứu về phong cách học tập tại Đại học Central Michigan, nhận định. Về phía học sinh, chúng cũng thích đổ lỗi cho các thất bại học tập của mình lên sự thất bại của giáo viên trong việc điều chỉnh phong cách dạy học sao cho phù hợp với chúng. “Cho tới khi học sinh lên tới bậc đại học, chúng đã có thể tiếp nhận những nhận định như chúng là người học kiểu thị giác, hoặc thính giác, tương tự vậy.” Polly Husmann, giáo sư Đại học Indiana chia sẻ.

Vấn đề là điều đó không hề đúng. Hoặc ít nhất là có nhiều bằng chứng gợi ý rằng cá nhân không thực sự thuộc về hoàn toàn một kiểu học tập nhất định. Trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2018 trên tạp chí Anatomical Sciences Education, Husmann và các đồng nghiệp đã cho hàng trăm học sinh thực hiện bảng hỏi VARK để xác định xem chúng thuộc kiểu người học nào. Khảo sát cũng đưa ra một số chiến lược học tập mà có vẻ như khớp với các loại phong cách học tập. Husmann nhận thấy rằng, không những học sinh không hề học theo những cách thức phản ánh phong cách học tập của chúng, các học sinh có cho thấy sự tương ứng giữa phong cách học tập và chiến lược học tập không hề có kết quả học tập tốt hơn.

Một nghiên cứu khác được công bố vào năm 2017 trên tạp chí British Journal of Psychology nhận thấy rằng những học sinh thích học tập qua hình ảnh sẽ nghĩ rằng chúng ghi nhớ hình ảnh tốt hơn, và những học sinh thích học thông qua lời nói sẽ nghĩ rằng chúng ghi nhớ văn bản viết tốt hơn. Nhưng xu hướng học tập ưa thích lại không hề có mối liên hệ gì với việc chúng nhớ văn bản hay hình ảnh tốt hơn. Về bản chất, trong trường hợp này, tất cả các “phong cách học tập” chỉ giúp chỉ ra rằng chúng thích văn bản hay hình vẽ hơn, chứ không phải là văn bản hay hình ảnh sẽ hoạt động tốt hơn trong quá trình ghi nhớ của chúng.

Nói cách khác, “có các bằng chứng cho thấy mọi người có cố gắng thiết kế các tác vụ sao cho tương ứng với cái mà họ tin rằng là phong cách học tập của họ, nhưng việc này dường như không giúp gì.” Daniel Willingham, một nhà tâm lý học ở Đại học Virginia chia sẻ. Năm 2015, ông có làm một nghiên cứu xem xét các công trình về phong cách học tập và đưa ra kết luận rằng “các lý thuyết về phong cách học tập không hề có hiệu quả.”

Cùng năm đó, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Educational Psychology đã nhận thấy không có mối liên hệ nào giữa phong cách học tập ưa thích của khách thể (thị giác hoặc thính giác) với kết quả của họ ở các bài kiểm tra đọc hoặc nghe. Thay vào đó, người học theo kiểu thị giác làm tốt hơn ở mọi loại tác vụ. Từ đó, các tác giả nghiên cứu đã đưa ra kết luận rằng, các giáo viên nên dừng việc cố gắng khớp một số bài học hướng tới “những người học kiểu thính giác.” “Các nhà giáo dục có khi đã làm hại tới những người học kiểu thính giác khi cố gắng điều ứng bài học với phong cách học tập đó, thay vì tập trung vào nâng cao các kĩ năng học qua hình ảnh của họ.”

Đương nhiên là mọi người không hề giỏi ngang bằng ở mọi loại kỹ năng. Nhưng để nói chính xác, phải là mọi người có các năng lực khác nhau, không phải là phong cách học tập khác nhau. Một số người đọc tốt hơn những người khác; một số nghe tốt hơn những người khác. Nhưng phần lớn các tác vụ mà chúng ta phải đối mặt thường chỉ phù hợp với một loại học tập. Ví dụ, bạn không thể nào hình ảnh hoá một phát âm tiếng Anh chuẩn. 

Ý tưởng về “phong cách học tập” trở nên cực kì phổ biến vào khoảng cuối năm 2014, rất nhiều giáo viên đã tin vào nó. Mô hình này ban đầu có vẻ rất hứa hẹn, với ý tưởng về khám phá những bí ẩn của các tiến trình não bộ chỉ với vài câu hỏi. Kỳ lạ thay, phần lớn các nghiên cứu về phong cách học tập đều bắt đầu với một mô tả tích cực về lý thuyết này – trước khi chỉ ra rằng chúng không hiệu quả.

Willingham thậm chí còn cho rằng mọi người nên dừng việc suy nghĩ rằng họ là kiểu người học tập gì. “Nó cũng không phải việc gì quá tệ <khi bạn tin vào mô hình đó>, nhưng nó cũng không có lợi ích gì. Mọi người đều có khả năng suy nghĩ bằng lời, mọi người đều có khả năng suy nghĩ bằng các hình ảnh tâm trí. Sẽ tốt hơn nếu như nghĩ rằng mọi người đều có một bộ dụng cụ với nhiều công cụ để suy nghĩ, và hãy tự ngẫm xem, công cụ nào là tốt nhất?”

Fleming trong các nghiên cứu của mình đều cảnh báo về việc không nên để bị cuốn theo mô hình VARK. “Tôi đôi khi nhận thấy rằng học sinh và giáo viên đã tin tưởng vào VARK nhiều hơn so với những cảnh báo mà chính mô hình đó đã đặt ra. Bạn có thể thích một kiểu nào đó, nhưng làm tốt với kiểu đó hay không lại là một chuyện khác… VARK giúp bạn biết rằng bạn thích giao tiếp kiểu gì, nhưng không hề nói về chất lượng của kiểu giao tiếp đó.”

Nói cách khác, nó có thể giúp bạn học về bản thân, nhưng nó có vẻ không giúp gì cho việc học tập của bạn.

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here