Tammy Kim | Linh Chi lược dịch
Bài đăng trên Dạy&Học số 32 | Tháng 02/2021
Xu hướng giáo dục cá nhân hóa
Trường tiểu học Captain Isaac Paine tọa lạc ở thị trấn Foster (Rhode Island), nơi chỉ có khoảng 47.000 người sinh sống trong những nông trại nhỏ và những ngôi nhà rộng có phần cũ kỹ. Kristen Danusis, hiệu trưởng của trường và từng là một nhà tâm lý học học đường, chia sẻ rằng rất nhiều học sinh của cô sống “cách biệt” trong những căn hộ thu nhập thấp.
Thế nhưng, bên trong Isaac Paine là một khung cảnh hoàn toàn khác biệt. Nơi đây được trang bị công nghệ đầy đủ, với các bài giảng được giáo viên chiếu lên các màn chiếu tương tác, và những đôi tay nhỏ đều đang miệt mài trên những chiếc laptop Chromebook. Ở một phòng học, Danusis chỉ cho tôi một cô bé cao lêu nghêu đang thực hiện một chương trình toán trực tuyến, thỉnh thoảng lại kể chuyện về chú dê con đang cai sữa ở nhà. Ở một phòng khác, lũ trẻ liên tục thay đổi các nền tảng học tập, lúc thì chúng cùng tương tác với màn hình, lúc thì ngồi viết tay sử dụng bút chì và giấy. Lũ trẻ tham gia làm nhóm lẫn làm bài tập cá nhân, chúng sử dụng những cái bàn nhỏ, ngồi trên ghế túi đậu (beanbag) và ghế sofa rải khắp phòng học. Nó không giống với bất cứ lớp học nào mà tôi từng được ghé thăm.
Danusis và các giáo viên ở đây thực hành tiếp cận giáo dục cá nhân hóa. Đây là một tiếp cận ưu tiên tính riêng biệt của học sinh, thường cần hỗ trợ bằng laptop và gần đây đang trở thành trọng tâm của những kêu gọi cải cách giáo dục. Tiếp cận này biện luận rằng bản chất kinh doanh của nền kinh tế tri thức, và sự chênh lệch về nhu cầu, tính đa dạng và quy mô lớp học khó quản lý ở những trường công lập bình thường, đang không phù hợp với cách sắp xếp thông thường là giáo viên đứng trên bục giảng với bảng đen phấn trắng.
Một số học sinh có năng khiếu ngoại ngữ, một số khác thì lại gặp các khó khăn học tập đa dạng; một số thì đọc tốt hơn so với tuổi, một số thì lại bị tụt lại ở môn toán. Nếu như mỗi đứa trẻ đều có một cái máy tính hoặc iPad, chúng có thể đăng nhập vào một lớp học ảo được tùy chỉnh theo nhu cầu cá nhân, ở đó, chúng được học với một tốc độ phù hợp nhất với bản thân chúng.
Năm 2017, Isaac Paine thắng được một khoản tài trợ từ Văn phòng Đổi mới Rhode Island. Những khoản đầu tư như vậy là một trong những nỗ lực của tiểu bang này trong việc tích hợp công nghệ với giáo dục. Xu hướng này khởi xướng từ năm 2014, khi mà Deborah Gist – ủy viên giáo dục của bang – công bố mối quan hệ hợp tác đổi mới giữa các cơ sở công-tư để hợp nhất phương pháp sư phạm truyền thống với công nghệ. Gist – nhân vật rất được các nhà hảo tâm ở thung lũng Silicon ưu ái – đã sử dụng tiểu bang nhỏ nhất nước Mỹ này làm chuột thí nghiệm.
Trong hàng thập kỷ, các nhóm vận động phi lợi nhuận và các quỹ tài trợ của các tập đoàn đã luôn nhắm sự can thiệp tới giáo dục phổ thông. Cùng lúc đó, giáo dục cá nhân hóa ngày càng trở thành một cuộc cải cách mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi hàng loạt các quỹ nhân đạo lớn nhất Hoa Kỳ như quỹ Bill và Melinda Gates hay sáng kiến Chan Zuckerberg. 4 năm trước, Providence – quận lớn nhất Rhode Islands, chỉ có duy nhất một trong số 39 trường sử dụng tiếp cận giáo dục cá nhân hóa; mô hình này giờ đây đã lan tỏa tới 25 trường khác.
Thực tế hỗn loạn
Gần hai thập kỷ trước, phóng viên Todd Oppenheimer đã ghi lại sự bùng nổ đáng lo ngại của công nghệ thung lũng Silicon trong các trường công lập. Cuốn sách “The Flickering Mind” của ông từ 20 năm trước vào thời điểm này có nhiều phần đã lạc hậu, nhưng lập luận lớn nhất của nó lại trở nên ngày càng được quan tâm trong thời gian gần đây. Đó là: liên minh giữa những nhà làm chính sách giáo dục và các tỉ phú công nghệ đang hạ thấp vai trò của giáo viên và công chúng trong việc tham gia vào công tác sư phạm.
Những người ủng hộ tiếp cận giáo dục cá nhân hóa nói rằng nó thường bị nhầm lẫn với tiếp cận giáo dục tập trung vào công nghệ và bỏ qua vai trò của giáo viên. Họ khẳng định “công nghệ chỉ là công cụ hỗ trợ”. Nhưng nhiều người vẫn cảnh báo rằng dưới vỏ bọc giáo dục “lấy người học làm trung tâm” là một mô hình nặng về công nghệ, bỏ qua những giá trị cộng đồng, đẩy mạnh tư nhân hóa và biến các trường công thành các thùng chứa dữ liệu lớn. Thử nghiệm ở Isaac Paine lại cho thấy một bức tranh phức tạp hơn của việc ứng dụng tiếp cận giáo dục cá nhân hóa: những giáo viên trường công bị đánh giá thấp và luôn phải làm việc quá sức đang cố gắng thúc đẩy cải cách để đạt được thứ họ muốn.
…dưới vỏ bọc giáo dục “lấy người học làm trung tâm” là một mô hình nặng về công nghệ, bỏ qua những giá trị cộng đồng, đẩy mạnh tư nhân hóa và biến các trường công thành các thùng chứa dữ liệu lớn…
Mặc dù không giáo viên nào phủ nhận tiếp cận giáo dục cá nhân hóa, cách nó được triển khai lại dấy lên nhiều phản đối từ phụ huynh lẫn giáo viên. Học viện Nghề nghiệp và Kỹ thuật Providence đã áp dụng chương trình Summit (một nền tảng chương trình học miễn phí được phát triển một phần bởi sáng kiến Chan Zuckerberg) mà không tham khảo trước ý kiến của giáo viên. Một số than phiền rằng họ không được trang bị những kỹ năng và kiến thức để đột ngột chuyển giao sang mô hình này, một số khác nói rằng mô hình này khiến họ không sử dụng được thế mạnh thiết lập mối quan hệ thân thiết với học sinh.
Một nghiên cứu năm 2017 được thực hiện bởi RAND và được quỹ Gates tài trợ, nhận thấy rằng, mặc dù các nhà vận động và cải cách đã phát triển các mô hình giáo dục cá nhân hóa, rất nhiều các yếu tố của thực hành này lại khá phổ biến trên toàn quốc, khiến cho chúng ta khó định nghĩa được rõ ràng rốt cục chính xác những gì sẽ cấu thành nên một ngôi trường cá nhân hóa. Một nghiên cứu khác của các nhà khoa học tại Đại học Colorado cảnh báo rằng các đề xuất của giáo dục cá nhân hóa đang mời gọi các công ty tư nhân can thiệp vào các trường công lập, buộc học sinh vẫn “phải học theo các cách y hệt nhau” chỉ là “thông qua sử dụng các phương tiện kỹ thuật số” và bỏ qua sự hướng dẫn của con người. Một đánh giá trên quy mô toàn quận Providence của Viện Chính sách Giáo dục John Hopkins chỉ ra rằng “các hành vi mất tập trung của học sinh vẫn tương đương với, hay thậm chí là tệ hơn” khi sử dụng mô hình lớp học truyền thống.
Tập trung vào giáo viên
Cái tên Donna Stone và Shawn Rubin xuất hiện trong gần như mọi cuộc trò chuyện về giáo dục cá nhân hóa và công nghệ giáo dục ở Rhode Island. Cả hai đều là những nhà giáo dục chuyển hướng sang khởi nghiệp về đào tạo chuyên môn giáo viên. Trong năm 2014, học viện Highlander của Rubin đã thực hiện một chương trình đào tạo hơn 100 nhà giáo ở Rhode Island và hiện đang tiếp tục triển khai ở Massachusetts, Syracuse, New York. Trong khi đó, New England Basecamp của Stone tập trung vào những trường sử dụng mô hình Summit. Cả hai đều hướng đến việc giúp đỡ giáo viên thiết kế những kế hoạch bài giảng linh hoạt, “lấy học sinh làm trung tâm” và cách thức tích hợp Chromebooks cũng như các chương trình trực tuyến vào các bài giảng đó.
Ban đầu, Christopher Maher – giám đốc giám sát các trường tại Providence – cho rằng những dịch vụ như trên giống như là đang lợi dụng điểm yếu của các trường để thu lợi nhuận. Nhưng khi hỏi chuyện các giáo viên kỳ cựu trong khu vực về công cụ họ cảm thấy hữu ích nhất trong thời gian gần đây, phần lớn các câu trả lời Maher nhận được đều nhắc đến chương trình đào tạo về giáo dục cá nhân hóa mà Highlander cung cấp.
Chi phí mỗi năm cho một trường đăng ký dịch vụ của New England Basecamp và Highlander rơi vào khoảng vài nghìn cho tới vài chục nghìn đô la, trong đó các trường tự lo phần cứng. Việc các trường phải đi thuê ngoài dịch vụ đào tạo chuyên môn là không phổ biến, nhưng việc chuyển đổi từ một lớp học truyền thống sang một mô hình cá nhân hóa hoàn toàn với vô cùng nhiều trang bị công nghệ đòi hỏi nhiều thứ hơn là vài tập huấn lẻ tẻ.
Có lẽ, không chỉ là chất lượng của những chương trình này, mà chính quy trình nó tiếp cận giáo viên là thứ khiến họ trở nên quan tâm và hiểu được tầm quan trọng của mô hình giáo dục cá nhân hóa hơn cả. Các buổi huấn luyện 1-1, bàn tròn thảo luận, các kế hoạch được thiết kế riêng cho các trường thông qua thông tin từ những buổi thanh tra trực tiếp, các khoảng thời gian dành riêng cho đọc, tư duy và phản tư,… Những gì giáo viên được trải nghiệm ở đó chính là cái mà các nhà làm chính sách muốn họ thực hiện với học sinh: giáo dục cá nhân hóa.
Giáo dục cá nhân hóa, với triết lý tập trung vào đáp ứng nhu cầu riêng biệt của từng học sinh, lại có vẻ như được triển khai tốt nhất khi trước hết đáp ứng được nhu cầu của giáo viên.
Ở miền nam Rhode Island, tôi đã gặp một giáo viên giáo dục đặc biệt mới được đào tạo về Google Classroom. Trường của cô ấy đang thúc đẩy việc đào tạo cho giáo viên tiếp cận giáo dục cá nhân hóa dựa trên Chromebook nhưng chỉ dừng ở những kiến thức rất cơ bản. Cô chia sẻ rằng: “Hầu hết các trường học đều đầu tư vào phát triển chuyên môn ở mức ít tốt kém nhất. Trong khi đó, họ lại đổ rất nhiều tiền vào công nghệ. Nhưng chúng tôi không cần điều đó. Còn rất nhiều vấn đề cấu trúc mà chúng tôi cần phải giải quyết: các định kiến/phân biệt, lớp học chú trọng tới sức khỏe tinh thần, giảng dạy bám sát với lịch sử,..”. Kristen Rhodes Beland, một giáo viên lớp 4 ở Quận North Kingstown, nói với tôi rằng, triết lý giáo dục cá nhân hóa đã giúp cô ấy xử lý những thách thức xã hội và cảm xúc trong lớp học – “bởi vì nó có nghĩa là không bị mắc kẹt trong chiếc hộp công nghiệp hóa này”.
Lúc này sẽ thật thích hợp để nhắc tới một đoạn văn trong cuốn sách của Oppenheimer: “Trong nhiều thập kỷ, chúng ta đã đặt những người chịu trách nhiệm cho sự phát triển về trí tuệ và đạo đức của con cháu ta vào những cơ sở đào tạo đông đúc, hỗn loạn; cướp khỏi họ sự tự do sáng tạo và những cơ hội học tập mới cho chính họ; đổ lên họ hàng đống những quy tắc và tiêu chuẩn liên tục thay đổi khiến cho họ trở nên kiệt sức và vô vọng, và rồi trả cho họ 40,000 đô-la một năm.”
Các giáo viên ở Rhode Island không tham gia vào cuộc biểu tình năm 2018 kêu gọi trả lương cao hơn và phân bổ nhiều tài trợ hơn cho các trường công lập. Tuy vậy, họ cũng ủng hộ và biết ơn khi làn sóng này đã giúp cộng đồng quan tâm hơn tới vấn đề hỗ trợ giáo viên. Giáo dục cá nhân hóa, với triết lý tập trung vào đáp ứng nhu cầu riêng biệt của từng học sinh, lại có vẻ như được triển khai tốt nhất khi trước hết đáp ứng được nhu cầu của giáo viên.
Nếu như công nghệ thực sự chỉ là một công cụ để hỗ trợ hiện thực hóa tiếp cận giáo dục này, vậy thì giáo viên có vai trò gì trong toàn bộ cuộc chuyển đổi này?