Khen trẻ thế nào cho đúng?

Trung Hà, tham khảo từ cuốn Mindset – Carol Dweck[1]

Trẻ em rất nhạy cảm với những lời nhận xét của bố mẹ.

Mặc dù bố mẹ luôn là người mong muốn con cái có được sự phát triển tốt nhất, nhưng có những lời nói của bố mẹ vô tình đánh giá hay “đóng mác” lên con cái, khiến chúng trở nên căng thẳng, đưa chúng trở thành một người có Tư Duy Cố Định. Những câu nói sau đây thường được nói ra từ bố mẹ – những thông điệp mang Tư Duy Cố Định:

  • Con tiếp thu nhanh đấy.
  • Con thật thông minh!
  • Con vẽ đẹp quá này. Sau này sẽ thành họa sĩ đấy.
  • Con học giỏi như vậy thì bài kiểm tra này 10 là cái chắc.

Mặc dù khi nói ra những lời như vậy, các bậc cha mẹ thường nghĩ rằng mình đang động viên khích lệ con cái mình, nhưng trẻ con sẽ dịch những lời đó ra thành:

  • Nếu mình gặp phải cái gì đó mà tiếp thu không được nhanh lắm, mình sẽ là kẻ kém cỏi.
  • Nếu mình dừng việc vẽ lại hoặc không trở thành họa sĩ, mình sẽ làm trái ý bố mẹ.
  • Thà mình không học giỏi ngay từ đầu, nếu không cứ mỗi lần mình không được 10, bố mẹ sẽ cho là mình học dốt.

Đúng rằng trẻ con rất thích được khen ngợi rằng chúng giỏi, chúng thông minh, chúng có tài năng, nhưng sự kích thích khi được nhận những lời khen như ví dụ trên chỉ kéo dài trong 1 khoảnh khắc nhất định. Nếu cứ mỗi lần chúng đạt được thành tựu gì đó, bố mẹ mới đưa ra những lời khen như vậy, dần dà chúng sẽ có Tư Duy Cố Định rằng: “Mình chỉ được khen khi mình có kết quả tốt. Mình thành công là vì mình thông minh, mình mà thất bại thì sẽ là kẻ ngu dốt”. Những lời khen kia sẽ làm chúng nghi ngờ chính bản thân mình nếu có một chuyện không như ý xảy ra, ngay cả khi bố mẹ không hề phàn nàn gì. Khi chúng ta đánh giá trẻ nhỏ dựa trên tốc độ tiếp thu hay sự hoàn hảo, chúng sẽ không bao giờ dám làm điều gì mạo hiểm có thể ảnh hưởng tới những tiêu chuẩn đánh giá đó. Ví dụ, chúng sẽ giả vờ rằng chúng hiểu một bài toán ngay sau lần giải thích đầu tiên, ngay cả khi chúng vẫn chưa hiểu, chỉ vì chúng muốn giữ hình ảnh “đứa con tiếp thu nhanh” trong mắt bố mẹ chúng.

Nếu Tư Duy Cố Định này cứ tiếp diễn trên một diện rộng, một căn bệnh trong xã hội sẽ phát triển: Bệnh thành tích. Vì vậy, điều tốt nhất/ nên làm nhất của bố mẹ là dạy cho chúng cách yêu thích những thử thách, kích thích bởi những sai lầm, không ngại cố gắng, luôn tìm kiếm những cách làm mới và không ngừng học hỏi. Bằng cách này, trẻ con khi lớn lên sẽ không phải làm nô lệ cho những lời khen nữa, mà sẽ tự tạo dựng lên sự tự tin của riêng mình.

Điều đó không có nghĩa là chúng ta không bao giờ nên khen trẻ con. Nhưng thay vì những lời khen tập trung vào kết quả, hãy khen những cố gắng, quá trình mà trẻ đã phải đi để đạt được kết quả ấy, dù kết quả đó thế nào đi chăng nữa.

  • Bố có thể thấy con đã học hành rất chăm chỉ, và kết quả bài kiểm tra vừa rồi đã chứng minh sự tiến bộ của con. Con đã làm những gì để làm được như vậy thế?
  • Mẹ biết con học ở trường rất tốt và trong lớp con luôn đứng đầu. Nhưng mẹ vẫn cảm thấy con vẫn chưa vận động hết khả năng của mình. Sao con không thử làm gì đó thách thức hơn/ học điều gì đó mới hơn nhỉ?

Với những trẻ đã bỏ ra nhiều công sức nhưng không đạt được kết quả như ý thì sao?

  • Bố biết con đã bỏ ra khá nhiều công sức cho bài kiểm tra này, điều đó là điều quan trọng nhất. Giờ chúng ta cùng ngồi lại và xem xem có chỗ nào con chưa hiểu nhé.
  • Mỗi chúng ta đều có khả năng tiếp thu khác nhau ở mỗi lĩnh vực khác nhau. Ở lĩnh vực này, có thể con sẽ cần nhiều thời gian hơn để hấp thụ nó, và điều đó là hết sức bình thường. Miễn là con không bỏ cuộc là được.

Xin kể một câu chuyện có thật sau đây:

Elizabeth là một đứa trẻ 9 tuổi với niềm đam mê với bộ môn thể dục dụng cụ. Bản thân em đã tập luyện rất chăm chỉ, em rất dẻo và linh hoạt, và thực sự được đánh giá cao bởi các huấn luyện viên. Em cũng rất tự tin vào khả năng của mình. Vậy nhưng, khi tham dự hội thi đầu tiên cấp quận, em lại không đạt được huân chương nào cả. Bạn sẽ làm gì nếu là bố mẹ của Elizabeth sau cuộc thi?

  1. Nói với em rằng bạn vẫn tin em giỏi nhất hội thi.
  2. Nói với em rằng ban giám khảo đã không công bằng.
  3. Nói với em rằng thể dục dụng cụ không phải là cái gì đó quá lớn lao.
  4. Nói với em rằng em thực sự có khả năng, chắc chắn lần sau em sẽ chiến thắng.
  5. Nói với em rằng em không xứng đáng được thắng.

Câu trả lời 1 là nói dối. Bạn biết em không phải là giỏi nhất, và bản thân em cũng vậy. Câu này hoàn toàn không có tác dụng chỉ cho em chỗ nào em chưa được hay làm thế nào để khắc phục nó.

Câu 2 dạy cho em cách đổ lỗi cho hoàn cảnh. Bạn có muốn con bạn lớn lên trở thành một người luôn vịn cớ cho tất cả những khuyết điểm của mình không?

Câu 3 tạo cho em thói quen coi thường những thứ mà em không làm đúng ngay từ lần đầu tiên. “Ôi xời chẳng quả việc đó không đáng để tôi làm tốt thôi” – đó có phải là điều bạn muốn dạy con bạn không?

Câu 4 là câu có ảnh hưởng nguy hại nhất. Nếu em đã có khả năng chiến thắng, tại sao em không thắng ngay từ lần này? Câu nói này rất dễ làm em chủ quan với việc cố gắng rèn luyện, cho rằng việc không thắng lần này đơn giản là vì không may mắn.

Câu 5 có vẻ như thực tế nhất, nhưng lại khá phũ phàng và có thể phản tác dụng.

Người bố trong câu chuyện này đã nói như sau: “Bố biết con đang cảm thấy thất vọng. Đó là điều dễ hiểu khi con kỳ vọng vào một kết quả cao, biểu diễn hết mình mà vẫn không có được kết quả như ý muốn. Nhưng con biết là con chưa thực sự đạt tới trình độ để chiến thắng. Những cô gái (đạt giải kia) là những người đã tập bộ môn này lâu hơn con, nỗ lực nhiều hơn con. Nếu con chỉ coi bộ môn này như một sở thích tạm thời, con có thể hài lòng với kết quả ấy. Nhưng nếu con nghiêm túc và thực sự muốn dành lấy chiến thắng, con cần phải cố gắng nhiều hơn nữa”.

Khi trẻ nhỏ không đạt được thành tích như chúng mong muốn/bố mẹ mong đợi, đừng đánh giá. Hãy dạy dỗ chúng.

Câu cửa miệng thường thấy ở cha mẹ Việt Nam là “Tao cho mày ăn học để mày học hành thế này à!!!”. Đây là một thái độ rất sai lầm. Các bậc phụ huynh thường lấy lí do là muốn làm con cái xấu hổ về thành tích của mình để “có động lực” học tốt hơn. Điều này rất dễ làm phản tác dụng, khiến trẻ con hoặc chán học, hoặc cảm thấy rất căng thẳng khi nghĩ tới việc học. Thông điệp đó, hoặc những thông điệp tương tự như so sánh trẻ với bạn bè chúng, hay đặt ra những mục tiêu cố định như “phải đỗ trường chuyên, lớp chọn”, sẽ làm trẻ con lấy việc học làm thước đo tình yêu từ cha mẹ, để đấu đá với bạn bè, chứ không phải học để lấy kiến thức.

Những lúc như vậy, việc đúng đắn hơn nên làm là cùng ngồi xuống với trẻ, khen chúng về những nỗ lực chúng đã bỏ ra, những điều chúng đã làm đúng, và cùng giúp chúng tìm ra điều chúng chưa đúng để cùng tiến bộ. Với những điều bạn biết chúng chưa thể làm, thay vì nói “Con KHÔNG làm được điều đó đâu. Đi ra chỗ khác đi” thì hãy nói “Con CHƯA làm được điều đó bây giờ đâu. Nếu con thực sự muốn làm, ngồi nhìn bố làm để học nhé. Rồi sau này khi con đủ lớn để cầm cái cưa này, bố sẽ cho con tự làm”. Đừng quên rằng, mục đích của cha mẹ nói chung, cũng như các nhà giáo dục nói riêng, trong việc dạy dỗ trẻ nhỏ là để phát huy và nuôi dưỡng tiềm năng của trẻ theo hướng đi chúng cảm thấy phù hợp, chứ không phải ép chúng thực hiện bất kỳ điều gì mà mình mong muốn.

Mặt khác, việc đặt ra tiêu chuẩn (dựa theo khả năng và thiên hướng của trẻ) là không sai, nhưng không chỉ ra cho trẻ các bước, hay không cung cấp công cụ để trẻ đạt được chúng, mà chỉ biết ép chúng phải đạt được rất dễ làm trẻ mau nản và căng thẳng. Hạ thấp tiêu chuẩn để trẻ có thể dễ dàng với tới cũng không phải là cách để trẻ có thể khai thác hết tiềm năng của mình. Hãy ở bên cạnh khuyến khích trẻ vượt qua giới hạn cũ của mình bằng cách chỉ ra cho chúng những việc nên làm, những chi tiết nên sửa để có thể đạt được kết quả tốt hơn.

Hãy tập nói chuyện với chúng như những người lớn ngay từ khi còn nhỏ.

Có lần tôi tới nhà một người bạn Úc của tôi chơi. Tối đó, cô con gái 16 tuổi của anh xin phép anh được mời bạn tới nhà để tổ chức 1 bữa tiệc cocktail. Thay vì ngay lập tức gán ngay suy nghĩ rằng “Nó là một đứa hư hỏng, đua đòi” (tuổi hợp pháp được uống đồ có cồn ở Úc là 18 tuổi), anh đã nói cô bé ngồi xuống, hỏi tại sao cô lại muốn như vậy. Cô bé giải thích rằng, cô ấy và bạn bè đã từng tới vài bữa tiệc, thấy mấy món cocktail trông rất hay, ngon và muốn thử.

Nhưng bọn trẻ không muốn thử ở những nơi chúng cảm thấy không an toàn, cũng không muốn lái xe khi có cồn trong người; chúng muốn thử với sự giám sát và cho phép của bố mẹ, và được bố mẹ chở về khi lỡ quá chén. Một suy nghĩ hết sức chín chắn, tuy tò mò nhưng vẫn thể hiện một cô gái rất ngoan và nề nếp. Mặc dù anh bạn tôi vẫn không cho phép cô bé làm vậy, nhưng anh đã giải thích tại sao với cô bé một cách rất cụ thể, công bằng và hợp lý. Cô bé dù bị từ chối, có phần tiếc nuối nhưng vẫn vui vẻ nghe theo. Nếu lúc đó anh bạn tôi chỉ đơn giản nói “Không!” mà không đưa ra lời giải thích, hoặc ngay lập tức gán tội “Mày là đồ hư đốn! Mới tí tuổi đầu đã học đòi uống rượu” thì hậu quả lên cô bé sẽ như thế nào? Cách dạy con như anh bạn tôi đã làm, nếu thực hiện ngay từ khi trẻ còn nhỏ, sẽ làm cho con cái hiểu được lý do đằng sau mọi hành động (hoặc không hành động) của mình, thay vì có những suy nghĩ như “Mình mà làm không đúng ý bố mẹ tức là mình là một người tệ hại, một người con hư”, dẫn tới hình thành một Tư Duy Cố Định vô cùng nguy hiểm. Lớn lên, những đứa trẻ như vậy thường sẽ không có chính kiến, chỉ chờ “mệnh lệnh” từ bố mẹ rồi mới làm.

Hãy cẩn trọng trong lời nói với trẻ.

Tâm trí trẻ em như một tờ giấy trắng. Chúng thường hiểu những lời nói của bố mẹ theo một nghĩa rất đơn giản, nên mọi lời nói với trẻ nên được người lớn cân nhắc kĩ càng. Hãy cố gắng hướng trẻ tới một Tư Duy Phát Triển, một sự ham học hỏi, một ý chí kiên trì và không ngừng nỗ lực, và ý thức nhận trách nhiệm cho hành động của mình. Hãy kiên nhẫn và bình tĩnh trong công cuộc dạy dỗ trẻ. Đừng để sự bực bội, khó chịu của mình ảnh hưởng xấu tới sự phát triển nhận thức của chúng.


[1] Được tham khảo từ cuốn Mindset – Carol S. Dweck và chỉnh sửa từ hai bài viết cùng tác giả trên Tamly.blog

Share...

Bài mới
Trang liên kết
Tạp chí Giáo dục
Tạp chí Khoa học Giáo dục
Trang tin điện tử Tạp chí Giáo dục
August 2018
M T W T F S S
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  

Chuyên san Giáo dục Mở

Đăng kí nhận thông tin