Nguyễn Thị Liễu – Nhà giáo dục của sự đổi mới

Phạm Phước Hiền

Trong một buổi chiều nọ, nhận được tin nhắn của đồng chí Chủ bút Đức Hoàng, người mà hay trêu chúng tôi và kêu là “cụ”, “giáo sư” đặt hàng một bài viết về một nhân vật, người chị, người đồng nghiệp cũ, người rất nổi tiếng trong giới giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt trong nhóm giáo viên sáng tạo của chúng tôi – Chị Nguyễn Thị Liễu, người nhận lãnh rất nhiều những vinh dự, những lời khen từ bạn bè, đồng nghiệp và kể cả những lãnh đạo cấp cao của Chính phủ, của khối Giáo dục Microsoft.

Nói thật lòng, lúc đó Tôi còn nghĩ thật là khó để làm sao có thể liên lạc phỏng vấn Chị vì ngoài một lượng công việc nhiều như thế với tư cách cụm trưởng quản lý chương trình của Bộ Giáo dục – Đào hệ thống trường quốc tế Việt Úc thì Chị còn nổi tiếng với vai trò “Nội tướng” trong gia đình, người mà lũ chúng tôi thường xuýt xoa khen rằng, nếu đời đặt mình như chị thì không biết chúng tôi có thể trụ nổi với nghề không nữa?

Trên quan điểm người viết, tôi sẽ cố gắng không đề cập đến những biến cố hay nỗi buồn của chị mà chỉ đề cập đến những cống hiến âm thầm lặng lẽ của chị cho giáo dục Thành phố trong thời kì cách mạng công nghệ 4.0.

Tôi biết chị trong một dịp tập huấn công nghệ thông tin của Sở giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh do cô Tô Thuỵ Diễm Quyên chủ trì, ấn tượng đầu tiên của Chị trong mắt Tôi là một người phụ nữ hiền hậu, nhẹ nhàng và rất chân tình đúng chất người miền Tây Nam Bộ. Qua lời giới thiệu của Chị Quyên, tôi đi từ bàng hoàng này đến sửng sốt khác. Suy nghĩ cuối cùng trong Tôi về chị đó là sự ngưỡng mộ, khâm phục từ tận đáy lòng.

Với 19 năm làm trong ngành, chị đi từ vai trò của một người giáo viên dạy tiếng Anh rồi sau đó chị đảm nhiệm vai trò Phó hiệu trưởng ở hai ngôi trường công lập tại quận 1 trong hơn 14 năm – những tưởng như bao cá nhân khác, có lẽ mọi người sẽ yên vị và tiếp tục gắn bó với hệ thống nhà nước nhưng không, chị đã phải bật khóc trước mọi người khi phải quyết định rời bỏ hệ thống công lập chuyển sang hệ thống trường quốc tế. Tuy nhiên, tất cả đồng nghiệp, người thân và bạn bè đều hiểu rằng chị đã phải rất day dứt khi xin nghỉ đồng thời mọi người đều ủng hộ, hiểu rằng chị đang nỗ lực hết mình để vượt qua những bất hạnh cuộc đời, để được tiếp tục cống hiến hết mình cho cái nghề mình đang đeo.

Năm 2014, chị tham gia cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin” do Bộ GD-ĐT tổ chức. Cùng một thầy giáo khác, chị giành giải Nhất của cuộc thi. Thời điểm ấy, thành tích này với chị không chỉ là một phần thưởng, một điểm sáng của sự nghiệp giảng dạy, mà nó thực sự như một nguồn động lực để chị thấy “cuộc đời vẫn còn mỉm cười với mình”.

Năm 2015, chị cùng 2 giáo viên khác được Microsoft Việt Nam chọn tham dự Diễn đàn giáo dục toàn cầu tại Mỹ. Tại đây, chị được trải nghiệm những ứng dụng công nghệ mới dành cho giáo dục, đồng thời tham gia cùng nhóm của mình – là những thầy cô giáo tới từ các quốc gia khác nhau – thiết kế một dự án theo đề tài được đưa ra. Nhóm của chị đạt giải Nhất cho phần thuyết trình dự án.

Đến năm 2017, chị lại được Microsoft mời tham dự diễn đàn được tổ chức tại Canada với vai trò là “Fellow” (chuyên gia giáo dục cấp cao) của Việt Nam, làm nhiệm vụ hỗ trợ cho các đồng nghiệp trong diễn đàn.

Ngoài nhiệm vụ này, chị được phân công làm giám khảo cho các phần thi tại diễn đàn. Trong phần thi dành cho các “Fellow”, chị đạt giải thuyết trình xuất sắc nhất nhờ phần chia sẻ đầy cảm xúc về những khó khăn của bản thân khi ứng dụng công nghệ ở môi trường giáo dục công lập, về việc chị và các đồng nghiệp đã vượt lên những khó khăn như thế nào, đưa ra những đổi mới gì để phù hợp với môi trường và học sinh Việt Nam.

Cô giáo nhỏ bé người Việt cũng được chọn là một trong 4 cá nhân xuất sắc nhất. “Mình là người được xướng tên đầu tiên. Cảm xúc đó không bao giờ quên được” – chị chia sẻ.

Nói về sự đổi mới trong giáo dục, chị cho rằng “tư duy của lãnh đạo” rất quan trọng. “Cần phải thay đổi tư duy của người lãnh đạo. Khi lãnh đạo quyết tâm đổi mới, họ sẽ dẫn dắt giáo viên đổi mới. Chúng ta hãy làm ngay những thứ mà các nước họ đang làm, chứ đừng để đến khi họ qua cái khác rồi thì mình mới bắt đầu làm. Học sinh sẽ là người thiệt thòi nhất” – chị chia sẻ.

“Cuộc đời thử thách tôi”

 “Chị không ước mơ đi làm giàu. Hoàn cảnh của chị nhiều đồng nghiệp, những người quen biết chị đều hiểu” – chị chùng giọng tâm sự.

Sau khi sinh cô con gái đầu lòng vào năm 2000, trong 9 năm sau đó, chị Liễu trải qua nhiều cuộc điều trị vô sinh và từng một lần thất bại khi làm thụ tinh ống nghiệm. Chị từng nghĩ mình không còn cơ hội nào nữa. Rồi bất ngờ chị lại nhận được món quà mà ông Trời ban tặng. Nhưng khi nụ cười chưa kịp tắt, khi thai nhi được 6 tháng, chị nhận tin sét đánh con bị giãn não thất, nếu giãn nhiều sẽ dẫn đến bệnh não úng thủy.

Chị Liễu nói rằng mình đã sống một quãng thời gian đầy nước mắt. Qua tìm hiểu thông tin, chị quyết định giữ lại đứa bé với hi vọng có thể chữa được nếu điều trị sớm. Suốt một thời gian dài, gia đình chị đã coi bệnh viện là nhà, cùng trải qua những trận chiến giành giật lại mạng sống của con từ tay tử thần. Những mũi tiêm, những đợt điều trị khiến con đau đớn như xát muối vào lòng người mẹ.

Trong suốt 8 năm qua, gia đình cố tìm cả đông tây y để điều trị vấn đề vận động của con. Gia đình chỉ mong sao con có thể ngồi được, có thể nói được và nếu được nữa thì con có thể làm được những việc cá nhân, vì cha mẹ đâu thể sống đời bên con” – chị kể.

Cuộc đời tiếp tục thử thách khi năm 2012, một biến cố khác lại ập đến: chồng chị phát hiện bị ung thư trực tràng. Trải qua một ca phẫu thuật và 8 đợt hóa trị, hiện tại sức khỏe của anh đã ổn. Tuy nhiên, mầm mống tiềm tàng của căn bệnh thì không thể nói trước, tùy thuộc vào sức đề kháng của cơ thể.

“Hiện ông xã chỉ làm những việc nhẹ nhàng ở nhà. Vì căn bệnh này mà năm 2016, chồng chị giải thể công ty. Bây giờ, chị là trụ cột chính trong nhà. Vì thế mà chị phải có đường hướng khác để có thêm thu nhập lo cho gia đình. Chị cũng đắn đo, suy nghĩ rất nhiều. Chuyển sang môi trường tư thục, chị vẫn có thể làm nghề yêu thích và có thu nhập để lo cho gia đình, chứ không phải ước mơ đi làm giàu” – chị chia sẻ.

“Biến cố ập đến, lúc đầu chị suy sụp, có những khi cảm thấy sao cuộc đời mình lại bất hạnh thế. Đồng nghiệp, bạn bè từ khắp mọi miền, trên những diễn đàn mà chị tham gia, dù chưa hề gặp mặt, đã nhắn tin động viên, kêu gọi ủng hộ, cử người đến thăm gia đình.

Thậm chí, cả những giáo viên người nước ngoài biết chị qua diễn đàn cũng nhắn tin hỏi thăm. Có quá nhiều người vẫn quan tâm, chị cảm thấy như mình đang sống lại. Chị nghĩ phải làm sao để đừng phụ sự quan tâm của mọi người”.

“Khi đạt được thành tích trong cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT” năm 2014, chị thấy cuộc sống vẫn còn mỉm cười với mình. Những lúc bắt tay vào làm việc, nghiên cứu những đổi mới, chị tạm quên đi những gì bất hạnh, đau khổ và cảm thấy mình nên làm như thế” – người phụ nữ kiên cường này bày tỏ.

Trong lúc này, tôi chợt nghĩ tới 8 chữ vàng của Bác Hồ dành cho người phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, trung hậu, bất khuất, đảm đang”, hơn ai hết, Tôi tin rằng với tất cả những người quen biết Chị đều tin tưởng rằng 8 chữ vàng đó là dành cho Chị – người Chị, nhà giáo kính mến trong lòng chúng tôi.

Share...

Bài mới
Trang liên kết
Tạp chí Giáo dục
Tạp chí Khoa học Giáo dục
Trang tin điện tử Tạp chí Giáo dục
August 2018
M T W T F S S
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  

Chuyên san Giáo dục Mở

Đăng kí nhận thông tin