Giới thiệu sách: Những ngôi trường “học tập” (Schools That Learn)

Nguyễn Thị Hải Diệu giới thiệu

Tên sách: Schools That Learn: A Fifth Discipline Fieldbook for Educators, Parents, and Everyone Who Cares About Education

Tác giả sách: Peter Senge và cộng sự

Năm xuất bản: 2000

Tạm dịch: Những ngôi trường học tập: Cuốn sách thực hành Nguyên lý thứ năm dành cho các nhà giáo dục, các bậc phụ huynh và bất cứ ai quan tâm đến giáo dục.


Tại thời điểm năm 2018, “Schools That Learn” có lẽ không còn là một tựa sách có tính thời thượng. Ấn bản đầu tiên của cuốn này được ra đời cách đây gần 2 thập kỷ (từ năm 2000), khi các khóa học MOOCs còn chưa chính thức ra đời. Lần tái bản gần nhất, mặc dù có thêm hơn trăm trang bổ sung, cũng được giới thiệu cách đây những 6 năm. Trong bối cảnh Công nghệ Thông tin đang làm thay đổi nhanh chóng nền giáo dục và những xu hướng mới nhất hầu như đều có bóng dáng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, giá trị mà “Schools That Learn” mang lại sẽ là một dấu hỏi lớn với độc giả trong lần ra mắt của tờ tạp chí không chuyên “Dạy học”.


Khiêm nhường giữa vô vàn tựa sách mới về giáo dục và cải cách giáo dục ngày nay, giá trị của cuốn sách có lẽ nằm ở tính thời điểm. Thời đó, mong ước về một ngôi trường “lý tưởng” xoay quanh những tương tác giàu cảm xúc giữa người với người và sự chung sức đồng lòng của cả một cộng đồng.


Cuốn sách khởi đầu bằng trải nghiệm của cậu bé Matthew. “Xưa có một cậu bé ham hiểu biết và rất sáng dạ; cậu luôn có lý giải của riêng mình và một đam mê riêng về vạn vật. Trường học không đem lại quá nhiều hứng thú với cậu bé bởi vì cậu bé có những kế hoạch cá nhân khác biệt. Cậu luôn luôn bận rộn học cái gì đó. Giả dụ, cậu thu lượm những tấm huy chương cũ kỹ từ khắp nơi. Mỗi ngày đến trường, cậu đeo 1 tấm huy chương khác nhau trên cổ. Một ngày kia, cô giáo của cậu nói “Matthew, ngày mai chúng ta sẽ làm thử một thí nghiệm khoa học với kim loại. Cô cá là cả lớp có thể học được điều gì đó thú vị từ một trong những chiếc vòng cổ của con.” Cậu bé đã không thể chờ đợi để về kể với ba mẹ, và phần lớn thời gian của buổi tối ngày hôm đó được dùng vào việc thảo luận xem nên mang huy chương nào tới lớp…”

Đây là một ví dụ ngắn gọn, không đặc sắc về nội dung và bay bổng về câu chữ. Tuy vậy, phần dẫn dắt ngay sau đó đã tạo ra nhiều suy ngẫm liên tưởng về sự gắn kết khó tách rời giữa học tập và cuộc sống. “Nhu cầu học tập mãnh liệt như nhu cầu tình dục. Nhưng nhu cầu ấy bắt đầu sớm hơn và kéo dài lâu hơn.” (trích lời  nhà nhân chủng học Edward T. Hall[1]). Hay “Học tập vừa mang tính chất cá nhân, lại vừa mang tính tất yếu của xã hội. Nó không chỉ kết nối chúng ta với kiến thức mà còn là giữa con người với con người” giống như cái cách mà câu nói của người giáo viên đã kết nối cả gia đình Matthew, hay chính kết nối cao đẹp giữa thầy và trò. Khi mọi khía cạnh của cuộc sống không ngừng thay đổi và tiến hóa, Công nghệ Thông tin có thể làm thay đổi đáng kể cách chúng ta học tập và phát triển, thì “trẻ em vẫn luôn cần những nơi học tập an toàn và lành mạnh. Chúng luôn cần điểm tựa thúc đẩy chúng đam mê và tò mò khám phá thế giới rộng lớn. Chúng cần những môi trường chuyển giao giúp chúng làm quen từ ngôi nhà quen thuộc thuở ấu thơ với thế giới rộng lớn của người lớn và bao bạn bè trang lứa…Nếu chúng ta muốn thế giới tốt đẹp hơn, thì suy cho cùng, chúng ta cần có những ngôi trường học tập”.

Một cách rất hợp logic, những trang sách ngay sau đó mô tả và giải thích ý nghĩa của cụm từ “Ngôi trường Học tập”. Cách gọi mà có lẽ sẽ khiến nhiều người phì cười về tính gọn gàng trong câu chữ, bởi vì rõ ràng “trường học” là nơi để “học tập”! “Ngôi trường Học tập” được mô tả là nơi mà “việc học” không chỉ là nhiệm vụ hay là lý do đến trường của riêng học sinh. Tại đó, tất cả các thành viên của trường học đều học tập, bao gồm: các cán bộ, giáo viên, nhân viên trường học, phụ huynh, các đối tác và cộng đồng xung quanh trường học… Môi trường lý tưởng đó không có sự nghi kị, dò xét, áp đặt thành tích hay chuẩn mực khắt khe bởi vì tương lai tốt đẹp hơn là mục tiêu cuối cùng được san sẻ giữa các tập thể và cá nhân.

Cuốn sách tập hợp rất nhiều ví dụ điển hình trong xây dựng Ngôi trường học tập ở 3 cấp độ: Lớp học, Trường học và Cộng đồng. Sợi dây kết nối các cấp độ nằm ở 5 nguyên lý phát triển năng lực học tập được đề xướng bởi Peter Senge: hoàn thiện bản thân, chia sẻ một tầm nhìn chung, học tập đội nhóm, tiếp nhận thực hành những quan điểm tân tiến và phát triển một tư duy hệ thống trong học tập và quản trị. Peter Senge là một nhà khoa học về quản trị hệ thống, hiện đang giảng dạy tại Sloan School of Management MIT. Ông được cho là người tiên phong phổ cập khái niệm và các phương pháp thực hành Tổ chức học tập trên thế giới; đồng thời sáng lập và chủ tịch của mạng lưới toàn cầu Society of Organizational Learning. Vào năm 1997, cuốn The Fifth Discipline: The Art and Practice of Learning Organization (1990)[2], được HBR đánh giá là 1 trong những cuốn sách về quản trị hay nhất trong vòng 75 năm. Schools That Learn ra đời 1 thập kỷ sau đó và cùng được chắp bút bởi 5 nhà sư phạm giàu tâm huyết (Bryan Smith, Nelda Cambron-McCabe, Timothy Lucas, Janis Dutton, Art Kleiner) nhằm lan tỏa thông điệp, phương pháp và các câu chuyện truyền cảm hứng về xây dựng tổ chức học tập trong lĩnh vực giáo dục tại Mỹ và các quốc gia phương Tây. Tư tưởng xuyên suốt cuốn sách có thể được đúc kết bằng tư duy cầu tiến (growth mindset[3]) và tư duy hệ thống. Tư duy cầu tiến không ngừng tìm kiếm thử thách và xem thất bại không phải là do thiếu thông minh mà là con đường tất yếu trong quá trình trưởng thành và rèn giũa kĩ năng. Tư duy hệ thống là việc nhìn nhận và giải quyết vấn đề trong một thể thống nhất toàn diện và trong mối tương quan giữa các yếu tố với nhau.


Tại Việt Nam, nghiên cứu về Ngôi trường học tập nói riêng hay Tổ chức học tập nói chung dành riêng cho bối cảnh trong nước còn rất hạn chế hoặc gần như chưa có. Do đó, việc đọc các nghiên cứu và tài liệu sách báo của nước ngoài có ý nghĩa quan trọng. Dù đã ra đời cách đây gần 20 năm, Schools That Learn hẳn sẽ còn nhiều giá trị tại Việt Nam.

Schools That Learn dành phần nhiều trang sách để kể chuyện. Câu chuyện này hay câu chuyện kia, bối cảnh này hay bối cảnh khác, có thể phù hợp với nhân sinh quan của người A và không phù hợp với người B, và có thể áp dụng tại Việt Nam hoặc không. Tuy nhiên, tư tưởng quản trị trường học xuyên suốt từ cuốn sách hẳn sẽ trở thành kim chỉ nam trong công việc và cuộc sống cho bất cứ ai quan tâm tới giáo dục.


[1] Edward T. Hall (1914 – 2009): Là nhà nhân chủng học người Hoa Kỳ. Ông đồng thời là một nhà nghiên cứu về các vấn đề liên văn hóa và giảng dạy tại nhiều trường ĐH lớn như Harvard Business School, University of Denver, Illinois Institute of Technology….

[2] Bạn đọc có thể tìm đọc bản dịch Tiếng Việt với tiêu đề: Nguyên lý thứ năm: Nghệ thuật và thực hành Tổ chức học tập do NXB Thời Đại ấn hành vào năm 2010.

[3] Đọc thêm trong cuốn Growth Mindset: The New Psychology of Success của Carol S. Dweck (2007).

Share...

Bài mới
Trang liên kết
Tạp chí Giáo dục
Tạp chí Khoa học Giáo dục
Trang tin điện tử Tạp chí Giáo dục
June 2018
M T W T F S S
 123
45678910
11121314151617
18192021222324
252627282930  

Chuyên san Giáo dục Mở

Đăng kí nhận thông tin