EdTech: Một suy nghĩ vụn

Dương Trọng Tấn*

* Dương Trọng Tấn là nhà sáng lập Học viện Agile, là một trong những người tiên phong trong việc truyền bá tri tức Agile tại Việt Nam với việc sáng AgileVietnam. Anh từng là giảng viên, Giám đốc dự án Công nghệ Giáo dục tại Đại học FPT, Giám đốc điều hành Hệ thống đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech.

Dẫn số liệu phân tích của PISA[1], báo cáo công phu hơn 200 trang của OECD có tên “Học sinh, máy tính và sự học: Tạo lập kết nối” công bố cuối năm 2015[2] nhận định: “Việc dùng máy tính có giới hạn trong trường học có thể dẫn đến kết quả tốt hơn so với không dùng chút nào, nhưng việc sử dụng quá nhiều (vượt mức trung bình của các nước OECD) lại có biểu hiện thành tích học tập giảm sút nghiêm trọng” và “Kết quả học tập chỉ tốt hơn trong một số bối cảnh cụ thể, trong đó phần mềm và việc kết nối Internet giúp gia tăng thời gian học tập và thực hành”. Trong khi tình hình giáo dục dường như khủng hoảng ở khắp nơi, và giới đổi mới giáo dục dựa vào công nghệ có rất nhiều nỗ lực, vai trò của công nghệ giáo dục (EdTech) dường như vẫn còn rất hạn chế, mặc kệ cho hàng trăm triệu Mĩ kim đã đổ vào những cái tên mới nghe thôi nhiều người đã thấy phấn khởi trong lòng: Khan Academy, Duolingo, Coursera, edX, Dreambox…

Tại Hà Nội, bức tranh có vẻ cùng một tông màu.  

Các đơn vị khởi nghiệp giáo dục dựa vào công nghệ vẫn chưa thực sự trở thành những bánh đà lớn đã vào guồng đề cuốn một lực lượng lớn làm giáo dục đi theo con đường mới, mà chỉ vỏn vẹn ở mức “tiềm năng”, và “của thì tương lai”. Những cái tên rất nổi tiếng như Topica, Edumall, Kyna, Elsa, Monkey Junior, ViOlimpic gần như vẫn đang phải tìm lời giải cho vấn đề hướng đi và tăng trưởng hơn là tập trung giải quyết các bài toán kinh điển của giáo dục: lớp học thiếu năng động, khả năng tiếp cận giáo dục chất lượng cao cho mọi người, phá vỡ sức ỳ của hệ thống giáo dục công, cá nhân hóa để giải phóng năng lực học tập của học sinh, phát triển lực lượng giáo viên hiện đại tự chủ giàu kĩ năng, vân vân.

Một vài doanh nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực EdTech nội địa cho tôi hay rằng “cảm nhận chung, hiện nay chỉ có nội dung ôn thi là dễ sống, còn lại các sáng kiến chệch khỏi quỹ đạo ôn thi đều khó khăn”. Tôi thấy có phần nào đó là sự thật, dù cho việc thừa nhận này khiến tôi không thoải mái lắm.

Đâu đó một vài trường phổ thông tân tiến tại Hà Nội đã bắt đầu tìm kiếm các giải pháp giáo dục công nghệ để “gia tăng sức cạnh tranh” cho trường của mình. Họ đưa vào một vài giải pháp để số hóa việc quản trị, mua về một vài dịch vụ nội dung số (ngoại ngữ, Khoa học là chủ yếu) để luyện tập thêm, bổ sung kiến thức ở trên lớp. EdTech chưa phải là món chính, mà vẫn chỉ là “món phụ” trong thực đơn chương trình giáo dục.

Tại sao EdTech lại kém hấp dẫn như vậy? Nhà quản lí giáo dục thì tương đối nhạy cảm và thích cái mới? Nhiều bằng chứng cho thấy là có những EdTech rất hấp dẫn học sinh. Phải chăng nó chưa chạm được tới con tim của giới giáo viên – lực lượng trực tiếp nhất tạo ra kết quả nếu EdTech có được tiếp cận ở phương diện nào đấy? Phải chăng các nhà làm chính sách, các nhà quản lí, các lực lượng đổi mới đang cổ súy cho EdTech  còn đặt giáo viên nằm ngoài vòng thảo luận và hành động?

Bản thân là người đóng nhiều vai, vừa là người trực tiếp đứng lớp, có lúc lại “sản xuất nội dung elearning”, có lúc lại là một tay vác tù và hàng tổng để “hô hào”, có lúc lại phải sắm vai “người kinh doanh” dựa trên công nghệ giáo dục, tôi thường xuyên phải đặt đi đặt lại câu hỏi “EdTech có thể làm gì?”, năm này qua năm khác. Câu trả lời lúc nào cũng đầy rẫy những cơ hội.

Trong bối cảnh học sinh đã bị “lèn cho đầy lịch”, và gần như không có quyền lựa chọn khi nào học khi nào không, tôi  xin thu hẹp lại câu hỏi để bám đuổi đối tượng quan trọng bậc nhất: EdTech có thể giúp giáo viên những gì?

Chúng ta có thể nhìn thấy cơ hội rất lớn và hiển hiện cho ít nhất hai phương diện. Thứ nhất là phát triển năng lực giáo viên. Chỉ cần một chút ngoại ngữ, bạn có thể tận dụng một nguồn tài nguyên giáo dục gần như là vô tận để bồi dưỡng năng lực và phục vụ trực tiếp cho công việc giáo dục của chính mình. Mọi người có thể dễ dàng đăng kí học miễn phí một loạt khóa học chất lượng rất cao về đủ thể loại chủ đề giáo dục trên Coursera hay edX, tới hàng trăm chương trình đào tạo kĩ năng làm việc, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng quản lí, hay các chuyên đề rất sâu cũng trên các cổng giáo dục MOOC đó, hay trên các “chợ nội dung” toàn cầu như Lynda, Pluralsight hay Udemy. Thậm chí không cần giỏi ngoại ngữ, bạn vẫn có thể nhờ công cụ dịch thuật của Google để có thể tiếp cận hàng loạt tài nguyên giáo dục mở dưới dạng văn bản rất có chất lượng trên Internet. Chưa bao giờ việc học tập suốt đời lại dễ và rẻ như bây giờ. Google đã ngày càng thông minh hơn, nhiều EdTech cũng đã thông minh hơn rất nhiều, rào cản ngôn ngữ đang không còn trở thành đáng kể nữa. Thứ nhì là vấn đề về tài nguyên học tập. Bạn có thể làm giàu thêm trải nghiệm học tập của học sinh mình thông qua sử dụng hàng loạt các dịch vụ nội dung và công cụ tương tác do các EdTech hàng đầu cung cấp, từ miễn phí như Khan Academy, Code.org, Duolingo, Gooru, ClassDojo cho tới các dịch vụ trả phí rất tốt như IXL, Dreambox… Nếu bạn thấy bế tắc với đường lối giáo dục hiện nay, hay bạn cảm thấy sách giáo khoa chưa đủ tốt, bạn dễ dàng tìm thấy một gợi ý hoặc thậm chỉ là toàn bộ giải pháp với EdTech nào đó.

Nếu chỉ là các vấn đề thuộc phạm vi chuyên môn giảng dạy và học tập, cái mà từng giáo viên dễ bề ra quyết định nhất, EdTech có thể khiến một giáo viên thay đổi căn bản và toàn diện trong thời gian không quá dài. Bạn không cần phải có ai cho phép để tự học lấy một kĩ năng mới cho chính mình, bạn gần như không tốn kém gì mấy để thử nghiệm một vài nội dung học tập mới, một hai phần mềm công cụ mới giúp việc học nó hấp dẫn hơn.

Nhưng phải chăng còn thiếu một cú hích nào đó để sự thay đổi diễn ra? Tại sao rất nhiều giáo viên không có những cuộc “tự diễn biến” nào ngay cả khi nhận thức được là cần phải thay đổi? Có phải là vì quá bận với việc hoàn thành cho đủ những nhiệm vụ bài vở? Phải chăng giáo viên còn quá bận với mưu sinh? Phải chăng sức nặng của “các cấp” không cho phép bạn làm gì? Hay đơn giản là giáo viên thấy đổi mới và cải tiến giảng dạy là vấn đề của người khác?


[1] PISA: Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (Programme for International Student Assessment) là một khảo sát quốc tế do tổ chức OECD đề xuất, để đánh giá khả năng của học sinh 15 tuổi của các nước và vùng lãnh thổ trong và ngoài OECD, về Toán, Khoa học và Đọc hiểu

[2] OECD (2015), Học sinh, Máy tính và Sự học: Tạo lập kết nối, Chương trình PISA, Ban xuất bản OECD.

Share...

Bài mới
Trang liên kết
Tạp chí Giáo dục
Tạp chí Khoa học Giáo dục
Trang tin điện tử Tạp chí Giáo dục
June 2018
M T W T F S S
 123
45678910
11121314151617
18192021222324
252627282930  

Chuyên san Giáo dục Mở

Đăng kí nhận thông tin