Đặng Thanh Giang Tổng hợp[1]
Tuy còn nhiều tranh cãi giữa phụ huynh, giáo viên, các nhà nghiên cứu, chính trị gia và các bên liên quan khác về con đường tốt nhất để cải thiện chất lượng giáo viên, tất cả đều cho rằng phát triển giáo viên là yếu tố mấu chốt để cải thiện kết quả học tập.
Một trong những vấn đề lớn nhất trong đào tạo giáo viên (teacher education) là quá trình này thường dừng lại một khi giáo viên được đánh giá có đủ điều kiện giảng dạy. Quan niệm sai lầm này rất phổ biến, thậm chí ngay cả trong cộng đồng giáo viên. Tuy nhiên, hơn bao giờ hết, giáo viên ngày nay đang chịu áp lực rất lớn trong việc dẫn dắt học sinh trên hành trình tri thức. Áp lực này xuất phát từ mọi hướng: phụ huynh, đồng nghiệp, ban giám hiệu, các cơ sở đào tạo đại học, doanh nghiệp, chính quyền địa phương và quốc gia, phương tiện truyền thông và tất nhiên là người học. Thật vậy, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) gần đây đã tuyên bố rằng “Giáo viên là người có quyền và sức ảnh hưởng cao nhất trong việc tạo ra công bằng, mở rộng phạm vi tiếp cận và nâng cao chất lượng trong giáo dục.” Cần phải thống nhất ngay từ đầu rằng sự đào tạo mà giáo viên nhận được trong thời gian trước khi làm việc chỉ là một bước nhỏ trong nhiều công đoạn trải dài suốt sự nghiệp của họ.
Đào tạo trước hành nghề (pre-service teacher education)
Đa phần mọi người vẫn giữ quan niệm truyền thống rằng đào tạo giáo viên chỉ nằm ở giai đoạn trước khi hành nghề. Đào tạo giáo viên trước hành nghề là chương trình giáo dục và tập huấn mà sinh viên nhận được trước khi làm việc với tư cách giáo viên. Các chương trình đào tạo trước hành nghề có thể khác nhau tùy thuộc vào địa điểm và mục tiêu đào tạo giáo viên tiểu học hay trung học, nhưng thường có những thành phần chung như sau:
• Kiến thức nội dung bài học
• Kiến thức sư phạm (phương pháp giảng dạy và đánh giá học tập)
• Hiểu về cách trẻ học (phát triển nhận thức và xã hội)
• Thực tập giảng dạy (cơ hội thực hành giảng dạy dưới sự giám sát của giáo viên/ giảng viên).
Giáo viên thường đánh giá cao đào tạo trước hành nghề vì nó tạo ra nền tảng nhận thức về việc trở thành giáo viên và cung cấp cho họ hành trang cơ bản để bước vào nghề giảng dạy.
Đào tạo khi hành nghề (in-service teacher education)
Đào tạo khi hành nghề được hiểu là việc nâng cao năng lực cho cho những giáo viên đã đủ tiêu chuẩn đứng trên bục giảng. Thuật ngữ này bao gồm tất cả các chương trình mang tính giáo dục và xã hội, cả chính thức và không chính thức, cũng như tất cả các khóa học chuyên môn, chuyến thăm quan học hỏi mà một giáo viên thực hiện để cải thiện, nâng cao kiến thức và kĩ năng sư phạm của mình. Nó có thể bao gồm nhiều hình thức khác nhau như:
• Workshop (thực hành)
• Seminar (Thuyết trình chuyên đề)
• Các khóa học bồi dưỡng
• Hội thảo
• Tham quan trường học
• Dự giờ
Ngoài ra, các hoạt động nâng cao năng lực giáo viên không vận hành bởi các tổ chức chính phủ cũng bắt đầu phát triển mạnh mẽ:
• Cố vấn (mentoring)
• Hỗ trợ đồng nghiệp (peer support)
• Nhóm hoạt động của giáo viên
• Nhóm nghiên cứu của giáo viên
• Thảo luận chuyên đề (symposium)
Trong cùng một quốc gia, giáo viên ở các thành phố lớn thường có nhiều cơ hội để tham gia các hoạt động này, trong khi đồng nghiệp của họ ở các nơi khác bị hạn chế hoặc hoàn toàn không có điều kiện tiếp cận. Đây cũng là một yếu tố tạo ra độ chênh về chất lượng trải nghiệm của người học dù chương trình giảng dạy là giống nhau.
Vai trò của chuyên gia đào tạo giáo viên
Trong những năm gần đây, đào tạo giáo viên đã đạt dành được sự quan tâm đặc biệt và được coi là yếu tố quan trọng trong việc cải thiện hệ thống giáo dục và kết quả học tập của trẻ em. Trọng tâm của bất kỳ hệ thống phát triển năng lực giáo viên nào cũng là những người đào tạo giáo viên (teacher educators) – một vị trí chuyên môn với vai trò chưa thực sự rõ ràng như vai trò của giáo viên. Họ có thể là những giáo viên thực hiện các workshop tập huấn cho đồng nghiệp, những giáo viên dẫn dắt những đồng nghiệp mới hoặc kém kinh nghiệm hơn hoặc các giảng viên toàn thời gian và nhà tư vấn giáo dục cấp cao.
Người đào tạo giáo viên cùng lúc đảm đương nhiều nhiệm vụ, tùy thuộc vào nhu cầu của các giáo viên mà họ làm việc cùng và bối cảnh làm việc. Một người đào tạo giáo viên có kinh nghiệm có thể thực hiện linh hoạt các vai trò người tập huấn (trainer), người hướng dẫn (mentor), huấn luyện viên (coach), người quan sát (observer), người đánh giá (evaluator) và cố vấn (facilitator).
Cộng đồng phát triển năng lực giáo viên
Cộng đồng phát triển năng lực giáo viên (Teacher Educator Community) là website được phát triển bởi Hội đồng Anh (British Council) nhằm tạo ra không gian giúp người đào tạo giáo viên có cơ hội trao đổi kiến thức và thực hành các kĩ năng liên quan đến công việc của mình.
Website cung cấp nguồn tài nguyên mở phong phú cho cộng đồng gồm những tài liệu được dày công nghiên cứu và biên soạn như Sổ tay kế hoạch phát triển năng lực giáo viên (Teacher education planning handbook), Bộ khung Cập nhật kiến thức chuyên môn thường xuyên dành cho đào tạo giáo viên (Continuing Professional Development (CPD) Framework for teacher educators)… Ngoài ra còn các bài nghiên cứu, báo cáo, tư liệu nghe nhìn liên quan đến chủ đề phát triển năng lực cho giáo viên của Hội đồng Anh và các tổ chức uy tín trên thế giới được liệt kê theo đề mục để người đọc dễ dàng tìm kiếm.
Bên cạnh đó, Cộng đồng phát triển năng lực giáo viên còn là diễn đàn để người tham gia làm quen và trao đổi các vấn đề chuyên môn. Dựa vào các tư liệu gợi mở (tài liệu nghiên cứu/ loạt bài báo của chuyên gia/ video giới thiệu), người tham gia sẽ thảo luận trên từng chủ đề thiết thực: Làm việc với giáo viên qua workshop (lên kế hoạch và thực hiện các workshop cho giáo viên), Nhóm hoạt động của giáo viên (tổ chức các nhóm hoạt động để nâng cao năng lực giáo viên), Tự nhận thức về đào tạo giáo viên (các kĩ năng quan trọng cho người đào tạo giáo viên)…
Có thể nói, Cộng đồng phát triển năng lực giáo viên[2] là điểm kết nối người làm giáo dục, giới thiệu và phát huy hiệu quả các hoạt động nghiên cứu chuyên môn và hội nghị, chuyên đề trực tuyến/ ngoại tuyến của Hội đồng Anh. Đây là một địa chỉ hữu ích mà các nhà quản lý, nghiên cứu, thực hành giáo dục nên ghé thăm để có tầm nhìn rộng hơn và giao lưu với cộng đồng sư phạm ở khắp nơi trên thế giới.
[1] Tổng hợp từ Sổ tay kế hoạch phát triển năng lực giáo viên và website Cộng đồng phát triển năng lực giáo viên của Hội đồng Anh
[2] teacher-educators.english.britishcouncil.org