Cơ sở khoa học của trí nhớ và ứng dụng trong giáo dục

Ngô Huy Tâm

Để trở thành một giáo viên hiệu quả, điều đầu tiên là bạn phải xác định và áp dụng một phương pháp giảng dạy cụ thể. Tuy nhiên, bạn cũng cần phải hiểu việc học tập của học sinh được giải thích thế nào dựa trên nền tảng các nghiên cứu khoa học. Đôi khi, nhiều nhà giáo tập trung quá nhiều vào cách dạy học mà lại không quan tâm nhiều đến việc “học” diễn ra thế nào ở học sinh. Xem xét kỹ hơn các quy trình nhận thức để hiểu cách con người học hỏi có thể giúp đảm bảo rằng phương pháp giảng dạy của bạn có hiệu quả nhất có thể trong việc tiếp cận sinh viên, học sinh của bạn.

Để bắt đầu giải quyết câu hỏi này, bài viết sẽ xem xét đến bộ nhớ của con người, nền tảng của sự hiểu biết và hiệu suất của học sinh. Các quy trình nhận thức cho phép giải quyết vấn đề, mã hóa, truy xuất, lưu giữ và nhớ lại kiến thức trong bộ nhớ sẽ được phân tích. Thông qua nội dung này, bạn sẽ có được sự hiểu biết tốt hơn về “học”, và cách tốt nhất để điều chỉnh phương pháp giảng dạy của bạn để tạo thuận lợi cho học sinh học tập và hiểu.

Lý thuyết “Quá trình kép của nhận thức”

Thử nghĩ lại thời gian khi bạn học một kỹ năng mới, chẳng hạn như lái xe, đi xe đạp hoặc đọc sách. Khi bạn lần đầu tiên học được kỹ năng này, thực hiện nó là một quá trình chủ động nhận thức, trong đó bạn phân tích và nhận thức sâu sắc về mọi hành động của mình. Quá trình phân tích này cũng có nghĩa là bạn suy nghĩ cẩn thận về lý do hành động bạn đang thực hiện. Bạn hiểu làm thế nào để các bước đơn lẻ này phối hợp với nhau thành một kỹ năng tổng thể. Tuy nhiên, khi sự thành thục của bạn được cải thiện, việc thực hiện kỹ năng không còn là một quá trình đòi hỏi nhận thức mà thay vào đó trở nên thành bản năng tự động hơn. Khi bạn tiếp tục hoàn thiện kỹ năng, bạn hoàn toàn có thể thực hiện đồng thời nhiều hoạt động cùng một lúc. Đây là do kiến ​​thức của bạn về kỹ năng hoặc quá trình này đã được nằm ở tiềm thức trong trí nhớ.

Ở dạng đơn giản nhất của nó, kịch bản trên là một ví dụ về những gì các nhà tâm lý học gọi là lý thuyết quá trình kép. Thuật ngữ “quy trình kép” đề cập đến ý tưởng rằng một số hành vi và quy trình nhận thức (như ra quyết định) là sản phẩm của hai quy trình nhận thức riêng biệt, thường được gọi là Hệ thống 1 và Hệ thống 2. Trong khi hệ thống 1 được đặc trưng bởi suy nghĩ tự động, vô ý thức, thì Hệ thống 2 được đặc trưng bởi sự suy nghĩ cố ý, phân tích, có chủ ý. Hình sau cho thấy một so sánh ngắn gọn về hai hệ thống.

Làm thế nào để tư duy hệ thống 1 và hệ thống 2 liên quan đến việc dạy và học? Trong bối cảnh giáo dục, Hệ thống 1 liên quan đến việc ghi nhớ và gợi nhớ lại thông tin, trong khi Hệ thống 2 thiên nhiều về suy nghĩ, tư duy, phân tích hoặc phê phán hơn.

Như đã đề cập ở trên, Hệ thống 1 có đặc trưng là việc nhớ lại kiến thức kỹ năng diễn ra vô cùng nhanh chóng nhờ dạng vô thức của thông tin đã được ghi nhớ trước đó. Các hoạt động trong lớp học sẽ tập trung rất nhiều vào Hệ thống 1 (Ví dụ: bảng cửu chương, cũng như các câu hỏi thi trắc nghiệm chỉ cần sự gợi nhớ chính xác lại thông tin từ một nguồn cụ thể như sách giáo khoa). Những loại bài tập này không yêu cầu học sinh phải tích cực phân tích thông tin. Tư duy hệ thống 2 trở nên cần thiết khi sinh viên phải làm các hoạt động và bài tập yêu cầu họ cung cấp giải pháp mới cho một vấn đề, tham gia tư duy phê phán hoặc áp dụng khái niệm bên ngoài những gì được học.

Tuy nhiên, không thể nói việc học tập ở cấp tiểu học sẽ chỉ dùng hệ thống 1, hay khi học cấp cao hơn thì chỉ dùng hệ thống 2. Điều quan trọng cần lưu ý là tư duy thành công của Hệ thống 2 phụ thuộc vào rất nhiều vào hoạt động suy nghĩ của Hệ thống 1. Nói cách khác, tư duy phê phán đòi hỏi rất nhiều kiến ​​thức được ghi nhớ và các đánh giá trực quan, tự động được thực hiện nhanh chóng và chính xác. Các phần sau trong bài viết này sẽ mô tả cách bộ nhớ của con người xử lý Hệ thống 1 như thế nào và cách áp dụng chúng vào ngữ cảnh học tập.

Bộ nhớ hoạt động như thế nào?

Trong hình thức đơn giản nhất của nó, bộ nhớ đề cập đến quá trình tiếp tục duy trì thông tin theo thời gian. Nó là một phần không thể thiếu trong nhận thức của con người, vì nó cho phép các cá nhân nhớ lại và rút ra các sự kiện trong quá khứ để hình thành sự hiểu biết và hành vi của họ trong hiện tại. Bộ nhớ cũng cung cấp cho cá nhân một khuôn khổ để hiểu sự kiện hiện tại và tương lai. Như vậy, trí nhớ đóng một vai trò quan trọng trong việc dạy và học, như đã đề cập trước đó trong bài viết này.

Phần này bao gồm mô tả các quy trình cơ bản để hình thành bộ nhớ, cũng như cách các quy trình này có thể được cải thiện hoặc tối ưu hóa.

Mã hóa, lưu trữ và truy xuất

Có ba quy trình chính mô tả cách hoạt động của bộ nhớ. Các quy trình này là mã hóa, lưu trữ và truy xuất (hoặc nhớ lại):

Mã hóa

Mã hóa đề cập đến quá trình thông qua đó thông tin được “học”. Đó là, cách thông tin được đưa vào bộ nhớ, qua đó được hiểu và tùy chỉnh để lưu trữ tốt hơn. Thông tin thường được mã hóa thông qua một (hoặc nhiều) trong bốn phương pháp:

1. Mã hóa hình ảnh qua thị giác

2. Mã hóa âm thanh qua thính giác

3. Mã hóa ngữ nghĩa (ý nghĩa của cái gì đó); và

4. Mã hóa cảm giác (cảm giác như thế nào).

Mặc dù thông tin thường đi vào hệ thống bộ nhớ thông qua một trong các chế độ này, dạng thông tin được lưu trữ có thể khác với hình thức được mã hóa ban đầu của nó. (Ví dụ khi ngửi thấy mùi bánh thì lại nhớ đến hình ảnh của chiếc bánh đó)

Dung lượng lưu trữ

Lưu trữ đề cập đến cách thức, vị trí, dung lượng thông tin được mã hóa được giữ lại trong hệ thống bộ nhớ. Mô hình phương thức bộ nhớ (lưu trữ) mô tả sự tồn tại của hai loại bộ nhớ: bộ nhớ ngắn hạn và dài hạn. Thông tin được mã hóa đầu tiên được lưu trữ trong bộ nhớ ngắn hạn và sau đó, nếu cần, được lưu trữ trong bộ nhớ dài hạn.

Loại thông tin phổ biến nhất là thông tin âm thanh được mã hóa chủ yếu được lưu trữ trong bộ nhớ ngắn hạn (STM), và nó chỉ được giữ ở đó thông qua sự lặp lại liên tục (học thuộc lòng). Thời gian kéo dài và sự mất tập trung có thể khiến thông tin được lưu trữ trong STM bị lãng quên ngay lập tức. Đây là vấn đề rất nhiều học sinh gặp phải khi đi thi Nghe trong các kỳ thi như IELTS, TOEFL. Điều này là do thời lượng bộ nhớ ngắn hạn chỉ kéo dài từ 15 đến 30 giây. Ngoài ra, STM chỉ lưu trữ từ năm đến chín mục thông tin, với bảy mục là số trung bình. Trong ngữ cảnh này, thuật ngữ “mục thông tin” có nghĩa là bất kỳ thông tin nào. Tuy nhiên, bộ nhớ dài hạn (LTM) lại có dung lượng lưu trữ khổng lồ và thông tin được lưu trữ trong LTM có thể được lưu trữ ở đó vô thời hạn. Thông tin được mã hóa ngữ nghĩa chủ yếu được lưu trữ trong LTM. Đây là lý do chúng ta hay nói “phải hiểu thì mới nhớ lâu được”, tuy nhiên, LTM cũng lưu trữ cả thông tin được mã hóa bằng hình ảnh và âm thanh. Một khi thông tin được lưu trữ trong LTM hoặc STM, chúng cần phải được “tìm” và gợi nhớ lại để chúng ta có thể sử dụng. Đây là quá trình truy xuất thông tin từ bộ nhớ mà giáo viên thường sử dụng để xác định mức độ hiệu quả học của học sinh đối với các bài tập được thiết kế để kiểm tra việc “thuộc, và nhớ”.

Truy xuất

Như được chỉ ra ở trên, truy xuất là quá trình mà qua đó các cá nhân truy cập thông tin được lưu trữ. Do sự khác biệt của chúng, thông tin được lưu trữ trong STM và LTM được truy xuất khác nhau. Trong khi STM được truy xuất theo thứ tự lưu trữ (ví dụ, một danh sách các số), LTM được truy xuất thông qua một loạt các thông tin, dữ liệu, kiến thức có mối liên hệ, liên kết theo một trình tự logic nhất định. Ví dụ, ghi nhớ nghĩa tự vựng tiếng Anh: Converse (nói chuyện) khác Talk (cũng dịch là nói chuyện) ở logic từ vựng: “Con” là tập trung, “Verse”: một câu nói. Vậy converse là tập trung lại để nói, ám chỉ phải có 2 người trở lên, còn Talk thì chỉ mang nghĩa “nói” chung chung.

Cải thiện Nhớ

Việc truy xuất thông tin trong bộ nhớ hay bị “lỗi”, bởi thông tin được lưu trữ thường bị mất theo thời gian do cơ chế tự nhiên của não bộ chúng ta là “cố quên” chứ không phải “cố nhớ”. Năm 1885, Hermann Ebbinghaus tiến hành một thí nghiệm, trong đó ông đã thử khả năng của các cá nhân trong việc nhớ một danh sách những âm tiết vô nghĩa trong khoảng thời gian ngày càng dài. Sử dụng kết quả thí nghiệm của mình, ông đã tạo ra  ” Biểu đồ suy giảm khả năng nhớ theo thời gian tăng dần” của Ebbinghaus. 

Thông qua nghiên cứu của mình, Ebbinghaus kết luận rằng tốc độ mà bộ nhớ của bạn (những thông tin mới học được) phân rã phụ thuộc vào thời gian trôi qua sau trải nghiệm học tập của bạn cũng như khả năng nhớ của bạn mạnh đến mức nào. Một số mức độ phân rã bộ nhớ là không thể tránh khỏi (như được thấy trong Hình), vì vậy, với tư cách là một nhà giáo dục, làm thế nào để bạn giảm ảnh hưởng của sự “mất trí”này? Các phần sau đây trả lời câu hỏi này bằng cách xem xét cách cải thiện việc nhớ trong môi trường học tập, thông qua các kỹ thuật dạy và học khác nhau.

Kỹ thuật giảng dạy để cải thiện việc “Nhớ”

Là một giáo viên, điều quan trọng là phải nhận thức được các kỹ thuật mà bạn có thể sử dụng để giúp học sinh lưu giữ và nhớ lại thông tin tốt hơn. Ba kỹ thuật thường được áp dụng là: là hiệu ứng Bài kiểm tra, Hiệu ứng khoảng trống, và Kỹ thuật nhớ xen kẽ.

–        Hiệu ứng Bài kiểm tra.

Trong hầu hết các môi trường giáo dục truyền thống, các bài kiểm tra thường được coi là một phương pháp đánh giá định kỳ nhưng không thường xuyên để giúp giáo viên hiểu được học sinh của mình đã học được những gì. Tuy nhiên, nghiên cứu hiện đại trong tâm lý học cho thấy rằng các bài kiểm tra nhỏ, thường xuyên cũng là một trong những cách tốt nhất. Hiệu ứng kiểm tra đề cập đến quá trình tích cực và thường xuyên kiểm tra lưu giữ bộ nhớ khi học thông tin mới. Bằng cách khuyến khích sinh viên thường xuyên nhớ lại thông tin mà họ đã học gần đây, bạn đang giúp họ giữ lại thông tin đó trong bộ nhớ dài hạn, mà họ có thể rút ra ở giai đoạn sau của trải nghiệm học tập. Là lợi ích thứ cấp, kiểm tra thường xuyên cho phép cả giáo viên và học sinh theo dõi những gì học sinh đã học về một chủ đề, và những gì các em cần phải sửa đổi để đạt mục tiêu học tập. Kiểm tra thường xuyên có thể thực hiện tại bất kỳ thời điểm nào trong quá trình học tập. Ví dụ, ở phần cuối của một bài giảng hoặc hội thảo, bạn có thể cho học sinh của bạn một bài kiểm tra ngắn, các câu hỏi không tính điểm, câu hỏi mở để yêu cầu học sinh chủ động nhớ những gì họ đã học ngày hôm đó, hoặc ngày hôm trước. Loại bài kiểm tra này sẽ không chỉ cho bạn biết những kiến thức nào sinh viên của bạn đã nhớ, mà còn giúp học sinh nhớ được nhiều hơn.

–        Hiệu ứng khoảng trống.

Theo hiệu ứng khoảng trống, khi một học sinh liên tục học và nhớ một thông tin cụ thể trong một khoảng thời gian dài liên tục (ít khoảng trống ở giữa), họ có nhiều khả năng giữ lại thông tin đó. Điều này ngược với học “nhồi” trong một khoảng thời gian ngắn (ví dụ, học một ngày trước kỳ thi) khi “khoảng trống” giữa thời gian học và thời gian cần truy xuất kiến thức là quá dài. Là một giáo viên, bạn cần hiểu cách tiếp cận này để học sinh của bạn không có “khoảng trống” quá dài trong việc học tập. Ví dụ, thay vì giới thiệu một chủ đề mới và các khái niệm liên quan của nó cho sinh viên trong một lần, bạn có thể bao gồm chủ đề trong các phân đoạn qua nhiều bài học

–        Kỹ thuật Xen kẽ

Kỹ thuật xen kẽ là một cách tiếp cận dạy và học khác đã được giới thiệu như là một kỹ thuật thay thế cho kỹ thuật được gọi là “chặn”. Chặn liên quan đến thời điểm học sinh chỉ thực hành một kỹ năng hoặc học một chủ đề tại một thời điểm, sau đó bị “chặn”, rồi mới chuyển sang phần khác. Xen kẽ, mặt khác, là khi học sinh thực hành nhiều kỹ năng có tính liên quan liên kết trong cùng một chủ đề, nội dung. Kỹ thuật này đã được chứng minh là thành công hơn so với kỹ thuật chặn truyền thống trong các lĩnh vực học tập khác nhau.

Các kỹ thuật học tập để cải thiện việc “Nhớ”

Điều quan trọng là sinh viên phải biết các kỹ thuật mà họ có thể sử dụng để cải thiện việc “nhớ” của mình. Phần này chúng ta sẽ xem xét bốn kỹ thuật: bộ nhớ phụ thuộc vào trạng thái, lược đồ, chunking và thực hành có chủ ý.

–        Bộ nhớ phụ thuộc vào trạng thái

Bộ nhớ phụ thuộc vào trạng thái là kỹ thuật đưa bản thân về lại cùng trạng thái mà trong đó bạn đã học được một thông tin. Trong trường hợp này, “trạng thái” đề cập đến môi trường xung quanh của một cá nhân, cũng như trạng thái tinh thần và thể chất của họ tại thời điểm học tập. Một ví dụ cụ thể, kỳ thi IETLS thường diễn ra vào buổi sáng từ 9h đến 11h. Để ôn luyện cho kỳ thi, các bạn cần ôn luyện vào đúng khung giờ này, tại môi trường giống như kỳ thi thật, để khi vào phòng thi, môi trường trạng thái giống lúc ôn thi sẽ giúp các bạn “nhớ” tốt hơn.

–        Các lược đồ, “bản đồ tư duy”

Các lược đồ đề cập đến các “bản đồ tư duy” mà một cá nhân tự tạo ra trong đầu để giúp họ có thể hiểu và tổ chức thông tin theo cách riêng của mình. Các lược đồ hoạt động như một “lối tắt” nhận thức ở chỗ chúng cho phép các cá nhân diễn giải thông tin nhanh hơn khi không sử dụng lược đồ. Tuy nhiên, các lược đồ cũng có thể ngăn các học sinh nhớ các thông tin liên quan nhưng lại nằm ngoài phạm vi của lược đồ đã được tạo ra. Chính vì lý do này mà học sinh được khuyến khích thay đổi hoặc phân tích lại lược đồ của mình khi cần thiết. Khi học sinh gặp thông tin quan trọng, nhưng có thể không trùng hoặc phù hợp với niềm tin và quan niệm hiện tại của họ về một chủ đề, học sinh cần xây dựng tiếp “bản đồ tư duy” để có một lược đồ ngày càng chi tiết và hoàn chỉnh cho một chủ đề. Kỹ thuật này đặc biệt quan trọng trong việc chuẩn bị ý tưởng cho bài thi Nói, và Viết trong kỳ thi IELTS, TOEFL.

–        Chunking

Chunking là quá trình nhóm các mẩu thông tin lại với nhau để tạo điều kiện nhớ tốt hơn. Thay vì nhớ lại từng phần riêng lẻ, các cá nhân nhớ lại toàn bộ nhóm, và sau đó có thể lấy từng mục trong nhóm đó ra dễ dàng hơn. Ví dụ nhớ chuỗi “1345- 4321-3215” theo “chunk” sẽ dễ hơn nhớ đơn lẻ từng số trong dãy dài “134543213215” (Nhớ 3 items dễ hơn nhớ 12 items trong trí nhớ ngắn hạn).

–        Thực hành có chủ ý

Kỹ thuật cuối cùng mà học sinh có thể sử dụng để cải thiện việc “Nhớ” là thực hành có chủ ý. Nói một cách đơn giản, thực hành có chủ ý đề cập đến hành động cố tình và tích cực thực hành một kỹ năng với mục đích nâng cao hiểu biết và hiệu suất kỹ năng nói trên. Bằng cách khuyến khích học sinh thực hành một kỹ năng liên tục và có chủ ý (ví dụ, viết một bài luận đảm bảo các yêu cầu để bài có cấu trúc tốt), bạn sẽ giúp học sinh nhận thực về quá trình “học” và “nhớ” một cách chủ động hơn.

Kết luận

Bạn đã được giới thiệu về các lý thuyết nhận thức kép, nhấn mạnh sự tồn tại của hai hệ thống tư duy. Hệ thống 1 có đặc trưng là khả năng nhớ lại nhanh và tính tự động cao của nó, trong khi Hệ thống 2 chịu trách nhiệm phân tích thông tin nên được kiểm soát chậm hơn.

Bạn đã xem xét Hệ thống 1 có thể được sử dụng thế nào để cải thiện việc dạy và học. Điều này được thực hiện bằng cách xem xét một số quy trình nhận thức chi phối cách thông tin được học (được mã hóa), lưu trữ và truy xuất bởi hệ thống bộ nhớ. Phần cuối cùng đã phân tích kỹ hơn việc nhớ hoặc thu hồi thông tin, và các kỹ thuật mà giáo viên và học sinh có thể sử dụng để cải thiện trí nhớ.

Share...

Bài mới
Trang liên kết
Tạp chí Giáo dục
Tạp chí Khoa học Giáo dục
Trang tin điện tử Tạp chí Giáo dục
July 2018
M T W T F S S
 1
2345678
9101112131415
16171819202122
23242526272829
3031  

Chuyên san Giáo dục Mở

Đăng kí nhận thông tin