Trung Hà[1]
Những lời khen thường thấy ở các bậc cha mẹ hay thầy cô giáo là: “Con/em giỏi lắm” “Ồ em không làm sai câu nào cơ à? Giỏi quá!” “Tháng này con vẫn đứng nhất lớp chứ? Thế mới là con trai mẹ!”. Liệu những lời khen tưởng chừng là khích lệ, vô hại đấy có vô tình truyền đi một thông điệp ẩn nào đó có hại cho trẻ không? Để biết được điều đó, chúng ta cần có những hiểu biết nhất định về hai luồng tư duy: Tư Duy Cố Định (Fixed mindset) và Tư Duy Phát Triển (Growth mindset). Hai khái niệm này được phát triển bởi tiến sĩ Carol S. Dweck trong cuốn sách Mindset (Tư Duy) của bà, lần đầu được xuất bản năm 2006.
Hai loại tư duy (mindset)
Lấy bối cảnh bạn vừa nhận kết quả của bài kiểm tra cho môn mà bạn rất thích và đã học rất kĩ: 5/10 điểm. Ở đây sẽ có hai khả năng có thể xảy ra. Nếu có Tư Duy Cố Định, bạn sẽ nghĩ rằng “Khả năng của mình chỉ có thế thôi”, “Đề khó thế thì mình có từng đây điểm cũng là điều dễ hiểu”, hay “Mình thật ngu dốt! Có quá nhiều người giỏi hơn mình. Mình có cố gắng nữa cũng phí công thôi”, và bạn cảm thấy thất vọng về bản thân, thấy cuộc đời thật bất công hay tệ bạc với bạn. Ngược lại, nếu bạn có Tư Duy Phát Triển, bạn lại nghĩ “Chà, mình phải xem mình đã sai ở đâu để lần sau không mắc lỗi ấy nữa”, “Mình phải cố gắng nhiều hơn nếu muốn điểm cao hơn”, và bạn cảm thấy thú vị, kích thích vì gặp phải bài kiểm tra khó. Bối cảnh trên là ví dụ rõ ràng cho sự khác biệt giữa hai loại tư duy (mindset).
Thành công là khi ta học được gì đó (vượt qua được chính bản thân), hay là khi ta chứng minh được ta giỏi?
Bộ não chúng ta từ thời nguyên thủy đã có một trí tò mò bất diệt. Trí tò mò này cực kỳ quan trọng trong sự tiến hóa của loài người. Nó hoạt động theo cách Trial and Error (Thử nghiệm và Mắc lỗi). Khi những con người đầu tiên không biết sư tử là động vật ăn thịt, họ đã lại gần chúng và bị xơi tái. Từ đó những người sống sót mới nhận định “Phải tránh xa sư tử”, và tăng khả năng sinh tồn của họ lên nhiều hơn. Với con người hiện đại, không bị đe dọa từ những con thú dữ nữa, thì trí tò mò chính là động lực kích thích họ sáng tạo ra nhiều phát minh hơn phục vụ cho xã hội ngày nay, cho con người có một cuộc sống dễ dàng hơn, có tuổi thọ cao hơn. Vì vậy, có thể nói, chúng ta sinh ra đã có niềm yêu thích với việc học những thứ mới mẻ.
Vậy nhưng, Tư Duy Cố Định là một trong những nguyên nhân giết chết niềm yêu thích đó.
Từ bối cảnh ví dụ bên trên, các bạn có thể thấy, những người có Tư Duy Cố Định rất sợ bị người ngoài chê cười, nên họ luôn chọn làm những thứ mà họ chắc chắn sẽ thành công – cũng tức là những thứ họ đã biết. Họ từ chối thử làm một điều gì đó mới với họ, bởi “nhỡ mình làm sai thì mình sẽ bị đánh giá”. Họ để một con số (điểm trên bài kiểm tra), một lỗi lầm vô tình mắc phải, một biến cố gì đó trong cuộc đời định nghĩa bản thân họ. Điểm thấp tức là mình không thông minh. Bị từ chối tình cảm là vì mình không xứng đáng được yêu thương. v.v… Ngược lại, họ cũng đánh giá những người khác dựa trên những sai lầm mà người đó mắc phải. Chính những suy nghĩ từ Tư Duy Cố Định này khiến họ không bao giờ vượt qua được giới hạn của bản thân, sẽ luôn bị nhấn sâu xuống bởi bất cứ thứ gì tiêu cực xảy tới. Họ rất dễ rơi vào trạng thái từ chối chấp nhận sự thật, nhất là khi họ là người có lỗi. Với những người có Tư Duy Phát Triển, khi gặp thất bại, họ sẽ không từ chối thừa nhận khuyết điểm của bản thân mà sẽ nghĩ: Mình vừa mắc sai lầm. Mình có thể học được gì từ sai lầm đó? Mình sẽ lên kế hoạch gì để sửa đổi khuyết điểm đó? Khi có chuyện không như ý xảy ra, sau khi ôm trọn những cảm xúc khó tránh khỏi, họ sẽ bắt tay vào công cuộc thay đổi cuộc đời mình trở nên tốt đẹp hơn, thay vì bỏ qua chuyện đó và tiếp tục đi lại con đường cũ, cách làm cũ với thái độ cũ.
Cách khen của người lớn đang đẩy trẻ con rơi vào bẫy tâm lý của Tư Duy Cố Định…
… bởi chúng ta hầu như chỉ khen ngợi khi chúng đạt được kết quả gì đó thật tốt. Hay nói cách khác, chúng ta thường hay khen ngợi Năng Lực thay vì Nỗ Lực. Tiến sĩ Dweck cùng đồng nghiệp đã tiến hành những cuộc khảo sát với hàng trăm học sinh, phần lớn đang trong độ tuổi dậy thì. Đầu tiên họ cho mỗi học sinh một bộ 10 câu hỏi tương đối khó trong bài kiểm tra IQ làm trên giấy. Phần lớn học sinh làm tương đối tốt, và khi chúng hoàn thành xong, họ khen ngợi chúng. Với một số học sinh, họ khen ngợi năng lực. Chúng được nghe những lời khen như: “Woa, cháu làm được những 8 câu đúng cơ à. Một số điểm khá ấn tượng. Hẳn là cháu rất giỏi mấy bài kiểu như vậy.” Chúng đã được “gắn nhãn” Cháu-Thật-Tài-Giỏi.
Một số khác, họ khen ngợi vì những cố gắng chúng đã bỏ ra. “Ồ, cháu làm được 8 câu đúng này. Điểm số cao đấy. Hẳn là cháu đã học rất chăm chỉ mới trả lời được những câu đó.” Chúng không bị dán nhãn rằng chúng có tài năng gì đặc biệt, chúng được khen vì chúng đã bỏ công sức ra để đạt được thành công. Cả hai nhóm học sinh này đều có trình độ tương đương nhau khi mới bắt đầu bài kiểm tra. Nhưng ngay sau khi nghe những lời khen ngợi, chúng bắt đầu trở nên khác biệt. Đúng như những gì các nhà khoa học lo lắng, những lời khen tập trung vào năng lực đã đẩy các học sinh vào Tư Duy Cố Định, và chúng bắt đầu có những dấu hiệu của lối tư duy đó: Khi cho chọn, chúng đã chọn không tiếp tục thử thách mới hơn – cơ hội để học được điều mới. Chúng không muốn làm bất cứ điều gì làm lộ ra những điểm yếu hay làm mọi người nghi ngờ về “tài năng” của mình. Ngược lại, với những học sinh được khen về sự cố gắng, 90% số này muốn chấp nhận thử thách để học thêm được điều gì đó mới mẻ.
Sau đó, các nhà nghiên cứu cho học sinh thêm những câu hỏi khó hơn, những câu mà chúng không có kết quả tốt như trước. Những đứa trẻ tập trung vào năng lực nghĩ rằng hóa ra chúng không thông minh chút nào. Nếu thành công nghĩa là chúng thông minh, thì ít-hơn-thành-công tức là người dốt nát. Những học sinh chú trọng tới sự cố gắng chỉ nghĩ khó khăn đơn giản là “phải bỏ ra nhiều nỗ lực hơn hoặc thử cách làm khác.” Chúng không xem đó là thất bại, và không nghĩ thất bại nói lên được điều gì về trí thông minh của chúng.
Lời khen ngợi khiến các trẻ “Năng Lực” phải nói dối.
Còn một điều nữa mà tiến sĩ Dweck phát hiện ra trong nghiên cứu của mình mà vừa đáng ngạc nhiên, lại vừa đáng buồn. Các nhà khoa học nói với từng học sinh: “Bọn cô sẽ tiếp tục nghiên cứu này ở một trường khác, và cô nghĩ là các bạn ở đấy sẽ rất muốn biết về những câu hỏi mà các em vừa làm.” Rồi họ cho lũ trẻ một tờ giấy để viết về suy nghĩ của chúng về những câu hỏi này, và họ cố tình để một khoảng trống ở cuối để chúng viết về số điểm chúng đã đạt được trong bài kiểm tra. Bạn có tin được rằng, tới tận 40% những học sinh “năng lực” nói dối về số điểm của chúng? Và “nói dối” ở đây là khai khống điểm cao lên. Trong Tư Duy Cố Định, khuyết điểm là thứ đáng xấu hổ – nhất là khi bạn có năng lực – vì vậy chúng đã chọn việc nói dối. Điều đáng cảnh báo là chúng ta đã làm những đứa trẻ bình thường trở thành những người nói dối, bằng một việc đơn giản là nói với chúng rằng chúng rất thông minh. Nói với trẻ con rằng chúng thông minh, về lâu dài, sẽ làm chúng cảm thấy ngốc nghếch hơn và hành động cũng ngốc nghếch hơn, nhưng vẫn luôn cố tỏ ra là mình thông minh. Đây không phải là ý muốn của người lớn chúng ta khi chúng ta gán cho chúng những mỹ từ như “tài năng”, “thiên tài”, “xuất sắc”. Chúng ta không có ý muốn tước đi của chúng trí tò mò với những thử thách và những yếu tố đưa chúng tới thành công. Nhưng những mỹ từ kia lại làm ngược lại điều đó.
Cố gắng làm điều gì đó cũng là lúc bạn tự thừa nhận mình yếu kém?
Đây là quan điểm của khá nhiều bố mẹ châu Á. Khi nói chuyện với nhau, họ thường hay giấu đi sự thật rằng con họ đang phải cày ngày cày đêm ở các trung tâm gia sư cũng như ở nhà. Khi con họ đạt thành tích tốt, họ sẽ tự hào khoe kèm theo những câu như “Cháu nhà tôi không đi học thêm ở đâu, nó tự học hết” hoặc “Con tôi không học nhiều lắm đâu, chỉ bài vở trên lớp thôi. Tối nào cũng thấy nó đi ngủ sớm. Vẫn còn lười lắm”. Việc cho rằng cố gắng đồng nghĩa với khả năng còn kém chính là dấu hiệu của Tư Duy Cố Định.
Với những người có Tư Duy Cố Định, những người giỏi là những người sinh ra đã giỏi, đã có đầu óc thông minh hơn hẳn những người khác, và làm gì cũng phải đúng, phải chuẩn. Họ coi trí thông minh là bất biến, rằng nếu bạn phải cố gắng để làm một điều gì đó, có nghĩa bạn vốn không có đủ thông minh hay năng lực để làm nó: “Có cố mấy cũng vậy thôi. Mình sẽ không bao giờ làm được”, “Người ta làm được là vì người ta giỏi, mình thì không”, “Nỗ lực là dành cho bọn bất tài”. Đáng sợ hơn, họ sẽ vẽ ra viễn cảnh một thất bại đang đón chờ phía trước cho những người muốn thử, vì họ sợ người khác làm được điều mà họ không làm được. Cũng với lối suy nghĩ như vậy, một khi họ đã coi họ giỏi, họ sẽ cho rằng kêu gọi sự giúp đỡ cũng là một minh chứng cho sự yếu kém của mình.
Người có Tư Duy Phát Triển sẽ không nghĩ vậy. Họ không bắt ép bản thân phải hoàn hảo trên từng bước đi. Mặc dù họ vẫn cố tránh vấp phải sai lầm, nhưng họ biết sai lầm là không tránh khỏi trong mọi mặt của cuộc sống. Họ cũng thừa nhận rằng có người sinh ra có bộ óc nhanh nhạy hơn người khác, nhưng họ cũng tin rằng thành công không chỉ của riêng ai. Người bỏ ra nhiều nỗ lực hơn không có nghĩa họ không có quyền được thành công. Thực tế, những người có Tư Duy Phát Triển lại hưởng thụ và thích thú với quá trình cố gắng hơn là đích đến. Và họ biết rằng, dù là thiên tài hay người bình thường, ai cũng phải bỏ ra công sức trong quá trình hoàn thiện bản thân cũng như đạt tới thành công. Ngoài ra, “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau” – đó là một trong những phương châm ưa thích của những người có Tư Duy Phát Triển. Họ không ngại làm việc nhóm, và luôn chào đón những ý tưởng mới mẻ từ những người bạn đồng hành.
Kết luận
Trẻ em như những tờ giấy trắng. Mọi lời khen/chê của người lớn, dù với dụng ý tốt tới đâu, nếu không được đưa ra đúng cách cũng có thể sẽ hằn lên những nét vẽ sai lệch định hình tính cách con người của trẻ. Vì vậy, các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo cũng như tất cả những người có đóng góp trong sự phát triển của trẻ hãy cố gắng chỉnh sửa lời nói hàng ngày với trẻ, làm sao để xây dựng cho trẻ một lối tư duy tích cực, một Tư Duy Phát Triển.
[1] Bài viết tham cuốn sách Mindset – Carol S. Dweck, và được chỉnh sửa từ hai bài viết của chính tác giả trên tamly.blog