Ya-Hsin Lai[1] | Ứng Tuấn Minh, Nguyễn Diệu dịch[2]
Sự thống nhất trong cách đối xử với trẻ là một thử thách lớn đối với phụ huynh. Thật khó để đối xử với trẻ cùng một cách trong các tình huống khác nhau. Những bậc cha mẹ thế hệ mới có thể thoải mái thư giãn khi chúng ở nhà, nhưng ngay lập tức lo lắng khi chúng ở trên sân bóng hoặc làm bài kiểm tra ở trường. Nhưng cách cha mẹ quan tâm đến con cái trong những hoàn cảnh khác nhau có thể dẫn đến một mối quan hệ phức tạp. Cụ thể, nó có thể ảnh hưởng đến cảm giác của trẻ khi chúng lớn lên.
“Sự gắn bó mật thiết giữa cha mẹ và con cái” mô tả mối quan hệ tình cảm quan trọng bắt đầu ngay từ khi em bé sơ sinh tìm kiếm sự gần gũi và thoải mái từ chính cha mẹ (hoặc người chăm sóc). Sự kết nối đó được thử thách trong những giây phút khó khăn sau này, chẳng hạn như khi trẻ buồn bã, đau đớn hoặc tức giận. Trong những tình huống này, đứa trẻ dựa vào sức mạnh của tình thân để cảm thấy an toàn và được chở che.
Những kết nối và cảm giác an toàn này được thiết lập trong giai đoạn đầu phát triển của trẻ nhỏ. Chúng ước định những mô hình tâm lý bên trong đứa trẻ để làm chỉ dẫn cho các trải nghiệm tình yêu và tình bạn sau này. Chúng cũng ảnh hưởng đến cách chúng ta đương đầu với các vấn đề cảm xúc của cuộc sống thường ngày.
Sự gắn bó mật thiết tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái phát triển trong thời thơ ấu khi cha mẹ liên tục chú ý, đồng cảm và quan tâm tới nhu cầu cảm xúc của trẻ, đặc biệt là trong những khoảnh khắc trẻ dễ bị tổn thương. Nhờ đó, đứa trẻ sẽ tin rằng mình xứng đáng được mọi người yêu thương. Chúng có thể tìm kiếm sự tương trợ và động viên từ những người khác trong tương lai. Sự gắn bó này cũng giúp trẻ tăng khả năng đối phó với những nghịch cảnh của cuộc sống, thay vì từ chối sẻ chia hoặc xử lý những rắc rối một cách tiêu cực.
Mối quan hệ tốt đẹp với cha mẹ sẽ khuyến khích trẻ em quan tâm tới những suy nghĩ, hành động và cảm xúc của người khác. Nhờ sự thấu hiểu, khả năng đồng cảm và lòng khoan dung, những đứa trẻ này cũng sẽ được yêu quý và tin cậy hơn, sẽ xây dựng được các mối quan hệ vững chắc cho cuộc sống sau này.
Nhưng làm cha mẹ cũng không đơn giản. Với cùng một mục đích, kỹ thuật nuôi dạy con cái sẽ khác nhau tùy thuộc vào hoàn cảnh. Điều này đặc biệt rõ ràng khi đứa trẻ tham gia vào các hoạt động có tính đến thành tích.
Các sự kiện thể thao, các báo cáo đánh giá từ nhà trường và các cuộc thi có trao thưởng có thể khiến phụ huynh tạo ra áp lực cho con, họ trở nên lo lắng và căng thẳng thái quá. Điều này có thể dẫn đến kì vọng quá cao và khiến trẻ vơi đi cảm giác an toàn. Trong những tình huống như vậy, từng hoàn cảnh cụ thể dẫn đến một cách tiếp cận khác trong việc nuôi dạy con và làm giảm đi mối quan hệ đang tốt đẹp giữa trẻ và cha mẹ.
Trẻ em có lẽ cần được nhận thêm nhiều sự hỗ trợ và động viên từ cha mẹ khi kết quả kiểm tra thấp hoặc khi thua một sự kiện thể thao trong môi trường cạnh tranh (và đôi khi công khai) này. Nhưng những ông bố bà mẹ này thường quá ám ảnh với thứ cảm xúc ganh đua của riêng mình – họ mắng mỏ con cái và phớt lờ nhu cầu cần được quan tâm của chúng, lại càng làm gia tăng sự bất an về mối quan hệ giữa trẻ và cha mẹ.
Những gì diễn ra phần nào cho thấy cha mẹ đang “đồ vật hóa” đứa con của mình.“Các bậc phụ huynh tham vọng và ganh đua coi con cái như một vật thể, như một công cụ thỏa mãn nhu cầu thành tích của bản thân. Đứa trẻ có thể sẽ đối phó với điều này bằng việc cách ly cảm xúc khỏi nhu cầu cá nhân và vô tình góp sức vào quá trình “đồ vật hóa” bản thân. Đứa trẻ sau đó sẽ cảm thấy có lỗi nếu chúng không đạt được những mong đợi của cha mẹ. Chúng thôi thúc bản thân thành công để làm hài lòng cha mẹ, bởi vì chúng định giá bản thân bởi sự công nhận và chấp thuận của cha mẹ.
Hãy là một người đồng hành thân thiết!
Nghiên cứu của tôi chỉ ra một điều: những vận động viên trẻ có thể cảm thấy động lực và nỗ lực rèn luyện của chúng nhằm đáp ứng áp lực từ cha mẹ hơn là ham muốn cá nhân. Những vận động viên này không cảm thấy rằng những người mà họ quan tâm cũng quan tâm đến họ. Họ cảm thấy thiếu tự tin và không an toàn trong cuộc sống hằng ngày.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những mối quan hệ ổn định và đáng tin cậy có thể được hình thành bằng cách tăng cường cảm giác an toàn trong mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái, đồng thời làm giảm đi kết nối bất an. Sự thấu hiểu, đồng cảm và quan tâm của cha mẹ nên nhất quán, đặc biệt là trong những khoảnh khắc con cái dễ bị tổn thương.
Vậy cha mẹ có thể làm gì để cải thiện tình hình nếu đôi lúc họ thiếu sự nhất quán cần thiết? Theo kết quả nghiên cứu bước đầu của tôi, thể thao có thể là một khởi đầu lý tưởng. Bạn không nhất thiết phải đam mê môn thể thao mà trẻ yêu thích – nhưng hãy dành thời gian lắng nghe và đồng hành với trẻ. Hãy gạt bỏ những cơn thịnh nộ mất kiểm soát, mắng mỏ và thờ ơ. Thay vào đó hãy cùng trẻ trải nghiệm thể thao như một cơ hội giúp đỡ có chủ đích về mặt cảm xúc. Ví dụ cùng tham gia các buổi thực hành, các cuộc thi đấu, cùng xem thể thao hoặc thậm chí mua sắm trang thiết bị.
Dù trên đường đua hay trong sân cỏ, sự chăm sóc vô điều kiện và trân trọng nhu cầu tình cảm của trẻ sẽ làm bền chặt sự gắn bó của chúng với cha mẹ. Bằng cách, cả cha mẹ và con cái đều hạnh phúc.
[1] PhD Researcher in Education, University of Bath
[2] Dịch từ từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới