Giáo dục tích cực: Giáo dục dựa trên điểm mạnh

Nguyễn Minh Thành

“Giáo dục không phải lúc nào cũng gắn chặt với việc đạt được điểm số cao. Học tập là cao quý, là ca tụng Nhân bản, là niềm vui khi được cắp sách tới Trường và là ánh sáng Văn minh”

– Andrea Hirata[1]

Tôi muốn dùng 2 câu hỏi của Tiến sĩ Martin.Seligman người được coi là “cha đẻ” của trường phái Tâm lý học tích cực để mở đầu bài viết của mình và cũng để dành cho các bạn đọc 1 vài sự suy nghĩ, trăn trở.

Câu 1: Hãy sử dụng 2 từ để nói lên ước mơ và mong muốn của bạn về cuộc đời của con cái/ học sinh của mình trong tương lai? Bạn muốn con mình trở thành 1 người như thế nào?

Câu 2: Sau khi trả lời câu hỏi trên, hãy suy nghĩ về những gì mà Nhà trường đang dạy cho học sinh ngày nay?

Giáo dục tích cực được gợi cảm hứng từ câu hỏi “Mục đích cuối cùng của Giáo dục là gì?” và “Mục đích sống của một con người là gì?”. Chúng ta dễ dàng nói rằng: Tôi muốn con em/ học sinh của mình sẽ trở thành một người Hạnh phúc, nhưng những gì chúng ta đã và đang trang bị cho trẻ em liệu có thực sự đem lại Hạnh phúc cho chúng không?

  1. Tâm lý học tích cực

Tâm lý học vốn là 1 ngành khoa học có lịch sử lâu dài, sử dụng các phương pháp tiếp cận khác nhau – rất chặt chẽ để tìm hiểu về đời sống tâm thần và hành vi, cảm xúc bên ngoài của mỗi cá nhân. Tâm lý học cho tới trước thế kỷ 21 chủ yếu nghiên cứu nghiêng về các chứng loạn thần, bệnh tật và những sự thiếu thốn của con người. Từ cách tiếp cận đó các nhà Tâm lý học tập trung rất nhiều vào việc cải thiện những điểm yếu kém, thiếu sót trong bản chất của mỗi cá nhân. “Các bác sĩ đã phát triển phương pháp điều trị thông qua nghiên cứu rối loạn cảm xúc, nhận thức và hành vi; Các nhà trị liệu gia đình tập trung vào các mối quan hệ xấu, giải quyết mâu thuẫn và các vấn đề tình dục; Các tổ chức kinh doanh tìm kiếm các lý do và hậu quả của các trạng thái tiêu cực như căng thẳng, trầm cảm, mâu thuẫn, thất bại và xa lánh cộng đồng”[2].

Phân tích các bài báo học thuật  được xuất bản giữa những năm 1976-1994 đã chứng minh sự nổi bật trong việc nghiên cứu về xu hướng phổ biến rộng rãi này. Kết quả của nghiên cứu toàn diện này cho thấy 46.380 bài viết về trầm cảm, 36.851 bài viết về lo lắng và 5099 bài viết về sự tức giận. Kết quả cũng chỉ ra rằng chỉ có 5.000 bài được viết về các chủ đề như hạnh phúc, sự hài lòng trong đời sống, hy vọng và lạc quan (Luthans, 2002)[3]. Từ những thực tế trên, trong 2 năm 1998 và 1999 khi được bầu làm Chủ tịch hiệp hội tâm lý học Hoa kỳ (APA) Tiến sĩ Martin Seligman đã lấy Tâm lý học tích cực làm chủ đề nghiên cứu và thảo luận.

Seligman đã cùng các đồng nghiệp của mình là Mihaly Csikszentmihalyi và Christopher Peterson lãnh đạo phong trào nghiên cứu nghiêm ngặt để công bố Tâm lý học tích cực như một nhánh nghiên cứu mới của khoa học Tâm lý. Tâm lý học tích cực với mục tiêu nghiên cứu là đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Điều gì giúp tạo nên một cuộc sống Hạnh phúc?” và hiện nay nó được xây dựng và hiểu dựa trên các lý thuyết hướng dẫn:

  1. Mô hình hạnh phúc PERMA nghiên cứu về cách thức để 1 cá nhân bất kỳ đạt được cuộc sống Hạnh phúc.
  2. P = Positive emotion – Cảm xúc tích cực
  3. E = Positive engagement  – Sự tham gia tích cực
  4. R = Positive relationship – Các mối quan hệ tích cực
  5. M = Positive meaning – Ý nghĩa tích cực
  6. A  = Positive accomplishment – Thành tưụ tích cực

Lý thuyết “Flow”, tạm dịch “Dòng chảy” tập trung vào nghiên cứu những trải nghiệm bắt nguồn từ động lực nội tại; cảm giác tận hưởng trong hiện tại, trả lời cho câu hỏi “Làm thế nào 1 người có thể tập trung cao độ và tận hưởng công việc mà mình đang làm?”

  1. Lý thuyết về điểm mạnh nhân cách VIA (Values in action inventory of Strengths) nghiên cứu về 6 lớp nhân đức và 24 điểm mạnh nhân cách của con người xuyên qua các nền văn hoá và các thời đại khác nhau. 6 lớp nhân đức trong lý thuyết này được trích xuất từ các văn bản Triết học; tôn giáo cổ viết về Đạo đức bao gồm:
  2. Nhóm trí tuệ và kiến thức
  3. Nhóm lòng can đảm
  4. Nhóm nhân văn
  5. Nhóm công lý
  6. Nhóm chừng mực
  7. Nhóm “siêu việt”

Tới nay, trải qua hơn 30 năm nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm, Tâm lý học tích cực đã chính thức được công nhận là một ngành khoa học. Nhánh nghiên cứu này đã đóng góp và bổ sung cho Tâm lý học cổ điển để tạo nên những can thiệp toàn diện hơn nhằm nâng cao sức khoẻ tâm thần cho con người. Tâm lý học tích cực với một số can thiệp nổi tiếng như “Can thiệp 3 điều tốt”; “Chuyến viếng thăm của lòng biết ơn”; “Can thiệp dựa trên điểm mạnh”; “Can thiệp hy vọng”… Tuy nhiên một đóng góp lớn lao khác của Tâm lý học tích cực đó là nó giúp làm nổi lên phong trào Giáo dục tích cực với mục tiêu: Đem Hạnh phúc; Hy vọng; Sự hài lòng; Sự tự kiểm soát; Lòng tốt và Sự biết ơn vào giảng dạy trong trường học.

  1. Giáo dục tích cực
  2. Giáo dục tích cực là gì?

Giáo dục tích cực cho tới nay đã đi được một chặng đường 10 năm kể từ ngày ngôi trường Geelong Grammar tại Úc đưa chương trình này vào giảng dạy năm 2008 và thành lập Viện nghiên cứu giáo dục tích cực đầu tiên trên thế giới năm 2014. Cho tới nay mạng lưới các trường tuyên bố đi theo Giáo dục tích cực đã lên tới con số gần 100 ngôi trường trải dài trên khắp cáu châu lục. Ở châu Á phong trào này đã lan toả mạnh mẽ tại Trung Quốc, Bhutan, Singapore, Đài Loan. Nghiên cứu cho thấy rằng: Kỹ năng tự phục hồi, các cảm xúc tích cực, sự tham gia tích cực và ý nghĩa tích cực giúp con người đạt được trạng thái Hạnh phúc và Hài lòng trong cuộc sống và điều quan trọng là các kỹ năng – kiến thức này hoàn toàn được giảng dạy trong chương trình Giáo dục tích cực[4]. Giáo dục tích cực được xây dựng trên nền tảng của các lý thuyết sau:

  • Mô hình hạnh phúc PERMA nghiên cứu về cách thức để 1 cá nhân bất kỳ đạt được cuộc sống Hạnh phúc.
  • Lý thuyết “Dòng chảy”
  • Lý thuyết điểm mạnh nhân cách VIA
  • Lý thuyết về xây dựng và mở rộng cảm xúc tích cực (The Brooden and Build Theory of Positive Emotion)

Hiện nay tại Geelong Grammar, ngôi trường đầu tiên đưa giáo dục tích cực vào chương trình giảng dạy đã thiết lập nên 1 mô hình rất nổi tiếng đó là Flourish Model – tạm dịch “Mô hình thinh vượng”. Mô hình này với ý nghĩa rằng Giáo dục tích cực sẽ giúp thúc đẩy sức khoẻ tâm thần trong nhà trường được hiểu là:

  • Cảm thấy tốt: bao gồm một loạt các cảm xúc và kinh nghiệm như cảm giác về quá khứ, hạnh phúc trong hiện tại, hy vọng về tương lai, và có thể đối phó với những cảm xúc và trải nghiệm khó khăn một cách lành mạnh và thích ứng.
  • Làm tốt: trang bị cho người học các kỹ năng và kiến ​​thức giúp họ đối phó mạnh mẽ khi phải đối mặt với cả những thách thức và cơ hội. Làm cho các thể hiện tốt hoạt động hiệu quả trên nhiều trải nghiệm của con người. Điều quan trọng nữa cũng là cam kết đối với các hành vi và lựa chọn thân thiện với xã hội mang lại lợi ích cho người khác và cộng đồng rộng lớn hơn (Norrish, J. M., Williams, P., O’Connor, M., & Robinson, J. (2013)[5].

Mô hình Flourish bao gồm 6 yếu tố chính, đó là:

  • Mục đích tích cực
  • Mối quan hệ tích cực
  • Cảm xúc tích cực
  • Sức khoẻ tích cực
  • Sự tham gia tích cực
  • Thành tựu tích cực

Giáo dục dựa trên điểm mạnh.

Một cách tiếp cận rất Nhân văn và khoa học trong Giáo dục tích cực đó là: Chương trình giáo dục được xây dựng dựa trên việc ghi nhận và thấu hiểu điểm mạnh của người học và giáo viên. Sáu lớp Nhân đức và 24 điểm mạnh trong lý thuyết về điểm mạnh nhân cách VIA (Values in action inventory of Strengths) không những được đưa vào làm cơ sở xây dựng chương trình giảng dạy mà còn được trực tiếp đưa ra làm bài học cho học sinh trong giờ lên lớp hoặc giờ thảo luận. Sự đánh giá học sinh cũng được xây dựng dựa trên việc tập trung vào những điểm mạnh của trẻ và dùng chính những điều đó để tiếp cận và can thiệp điểm yếu của chúng. Các nghiên cứu về điểm mạnh nhân cách đã được bắt đầu từ khá lâu trong lịch sử nghiên cứu của Tâm lý học và kéo dài cho tới ngày nay. Tuy nhiên khi ra đời, VIA được nhà tâm lý học Howard Gardner[6] đánh giá là “một trong những sáng kiến quan trọng nhất trong tâm lý học của nửa thế kỷ qua”.

Một vài nghiên cứu (Park, 2004b ; Peterson, Park & ​​Seligman, 2006)[7] đã kết luận rằng: sự hài lòng cuộc sống và sức mạnh nhân cách sẽ giúp thanh thiếu niên gặp ít vấn đề về tâm lý hoặc thể chất hơn sau những khó khăn không thể tránh khỏi. Để có thể khảo sát được điểm mạnh của mình là gì? và giúp trẻ em, thanh thiếu niên làm bài kiểm tra này các bạn có thể truy cập vào địa chỉ http://www.viacharacter.org/www/Character-Strengths-Survey. Lưu ý rằng bảng khảo sát này chỉ dành cho trẻ từ 10 tuổi trở lên, đối với trẻ nhỏ hơn đánh giá điểm mạnh sẽ dựa vào báo cáo mô tả của Cha mẹ và Giáo viên trực tiếp giảng dạy trẻ.

  1. Trường hợp Việt Nam.

Tâm lý học tích cực ra đời tới nay được 20 năm, vẫn được coi là một nhánh nghiên cứu non trẻ trong Tâm lý học và đang tiếp tục được khai thác. Hiện tại ở Việt nam một số nội dung của Tâm lý học tích cực cũng được dưa vào các bài giảng cho sinh viên chuyên ngành Tâm lý học trong cách trường Đại học một cách không chính thức, hiện tại ở Việt nam chưa hề có giáo trình về lĩnh vực này. Chúng ta đã có 1 cuốn sách viết về ứng dụng lý thuyết điểm mạnh nhân cách được dịch ra tiếng Việt đó là: Khám phá sức mạnh nhân cách do Nhà xuất bản Thanh Hoá phát hành.

Dự án Cánh Diều[8] do các bạn trẻ có đam mê với Tâm lý học tích cực lập nên năm 2017 hiện tại có thể coi là 1 dự án dài hơi và tiếp cận bài bản, phong phú để giới thiệu các kiến thức của Tâm lý học tích cực tới với công chúng qua việc dịch sách, tài liệu và phổ biến chúng tới bạn đọc dưới hình thức phi lợi nhuận.

Giáo dục tích cực hiện tại cũng đang nhóm lên ngọn lửa tại Việt Nam, 1 ngôi trường mầm non Montessori nhỏ xinh tại Sài Gòn đã tuyên bố đi theo triết lý của Giáo dục tích cực và áp dụng vào trong chương trình giảng dạy của mình với các mục tiêu:

  • Chương trình Giáo dục được xây dựng dựa trên dựa trên điểm mạnh của học sinh – giáo viên.
  • Tạo ra những cải thiện có thể đo lường được về Hạnh Phúc, An lạc, Hy vọng và sự Hài lòng cho Học sinh và Giáo viên dựa trên mô hình hạnh phúc PERMA.
  • Giáo dục nhân cách cho trẻ dựa trên lý thuyết về 6 lớp nhân đức và 24 điểm mạnh nhân cách VIA (Dũng cảm, Kiên trì, Tử tế, Lòng tốt, Trí tò mò, Hy vọng, Tình yêu học tập….)
  • Giáo dục cảm xúc cho trẻ dựa trên Lý thuyết về xây dựng và mở rộng cảm xúc tích cực
  • Kết hợp triết lý Giáo dục tích cực và Phương pháp giáo dục Montessori.

Chúng tôi hy vọng rằng trong tương lai khi chương trình này có những bằng chứng xác thực về hiệu quả của nó sau khi trải qua những quá trình thích nghi, cải tiến sẽ có thể công bố tới cộng đồng và nghiên cứu cách thức nhân rộng mô hình giáo dục Nhân văn và Hiệu quả này ra các trường học khác trong hệ thống giáo dục quốc dân như các nước “láng giềng” của chúng ta đã và đang làm được. Bởi cốt lõi của giáo dục là gì? Phải chăng là để kiến tạo ra những cá nhân Hạnh phúc?


[1] Hirata, A. (2017). Chiến binh Cầu vồng. Dạ Thảo dịch. NXB Hội Nhà Văn

[2] Tülay Bozkurt (2014). New Horizons In Education: Positive Education And Emerging Leadership Roles Of Counselors. Social and Behavioral Sciences 140 (2014) 452 – 461

[3] Luthans,F.(2002). The need for and the meaning of positive organizational behavior. Journal of Organizational Behavior, 23, 695-706.

[4] Martin E. P. Seligmana, Randal M. Ernstb, Jane Gillhamc, Karen Reivicha and Mark Linkinsd (2009). Positive education: positive psychology and classroom interventions. Oxford Review of Education Vol. 35, No. 3, June 2009, pp. 293–311

[5] Norrish, J. M., Williams, P., O’Connor, M., & Robinson, J. (2013). An applied framework for positive education. International Journal of Wellbeing, 3(2), 147-161.

[6] Howard Gardner (1943 – …) là giáo sư tại trường Đại học Harvard, cha đẻ của thuyết Đa trí thông minh.

[7] Peterson, C., Park, N., & Seligman (2006). Greater strengths of character and recovery from illness. Journal of Positive Psychology, 1, 17-26.

Park, N., Peterson, C., & Seligman, M. E. P. (2004). Strengths of character and well-being. Journal of Social and Clinical Psychology, 23, 603-619.

[8] Website chính thức dự án Cánh diều: https://canhdieuproject.wordpress.com/

Share...

Bài mới
Trang liên kết
Tạp chí Giáo dục
Tạp chí Khoa học Giáo dục
Trang tin điện tử Tạp chí Giáo dục
July 2018
M T W T F S S
 1
2345678
9101112131415
16171819202122
23242526272829
3031  

Chuyên san Giáo dục Mở

Đăng kí nhận thông tin