Cuộc tranh cãi kinh điển: Bẩm sinh hay nuôi dưỡng?

Kendra Cherry  | Chu Thị Như Trang[1] dịch

Bẩm sinh hay nuôi dưỡng là một trong những cuộc tranh luận triết học lâu đời nhất trong tâm lý học. Vậy thực sự người ta đang tranh luận về cái gì?

Bẩm sinh bao gồm tất cả các yếu tố về gen và di truyền quy định việc chúng ta sẽ là ai – từ các đặc điểm cơ thể, ngoại hình đến các đặc điểm tính cách.

Nuôi dưỡng là sự tổng hợp tất cả các yếu tố về môi trường sống quyết định chúng ta là ai, bao gồm các trải nghiệm thời thơ ấu, chúng ta được nuôi lớn như thế nào, các mối quan hệ xã hội, và văn hóa nơi ta sinh sống.

Thậm chí hiện nay, các phân ngành của tâm lý học thường chọn ủng hộ một trong hai luồng yếu tố này. Ví dụ, ngành tâm sinh lý học có xu hướng nhấn mạnh vai trò của di truyền và sự ảnh hưởng của các đặc tính sinh học. Ngược lại, ngành tâm lý học hành vi lại tập trung vào các tác động của môi trường sống lên hành vi.

Cận cảnh cuộc tranh luận giữa bẩm sinh và nuôi dưỡng.

Bẩm sinh và môi trường, cái nào ảnh hưởng lên hành vi nhiều hơn? Tính cách con người được hình thành do các đặc tính bẩm sinh hơn hay do các trải nghiệm trong cuộc sống? Bẩm sinh hay nuôi dưỡng là một trong những vấn đề tranh luận cổ xưa nhất trong tâm lý học. Cuộc tranh luận tập trung chủ yếu vào mức độ ảnh hưởng của từng yếu tố lên sự phát triển của con người.

Một số triết gia như Plato và Descartes cho rằng mỗi người có một số đặc tính mang tính bẩm sinh, nói cách khác chúng xuất hiện một cách tự nhiên chứ không phụ thuộc vào môi trường sống. Các nhà tự nhiên học cũng đồng quan điểm là tất cả hay hầu hết hành vi và đặc tính là kết quả của di truyền.

Những người ủng hộ quan điểm này tin rằng tất cả các đặc tính và hành vi của chúng ta là do tiến hóa mà thành. Các đặc tính của bố mẹ được di truyền đến đời con, tác động và khiến mỗi người trở thành một cá thể đặc biệt, duy nhất.

Ngược lại, nhà tư tưởng nổi tiếng John Locke coi tâm trí con người là “tabula rasa” (tấm bảng trắng), hoàn toàn chưa có nội dung.

Theo đó, tất cả những gì thuộc về con người chúng ta và cả những tri thức mà ta sử dụng đều do trải nghiệm mà ra.

Những người theo chủ nghĩa kinh nghiệm ủng hộ quan điểm cho rằng tất cả hay hầu hết các đặc tính đều do học tập mà nên. Thuyết hành vi là một ví dụ điển hình có gốc rễ từ thuyết kinh nghiệm. Người theo thuyết hành vi tin rằng tất cả các hành động và hành vi đều là kết quả của điều kiện hóa. John B. Watson cho rằng con người có thể học tập để làm một thứ gì đó, trở thành một ai đó mà không phụ thuộc vào gen hay di truyền.

Các ví dụ về bẩm sinh và nuôi dưỡng.

Một người có thành tích học tập xuất sắc là do họ có sẵn gen thông minh hay do môi trường giao dục tốt? Một người bạo hành vợ con là vì anh này sinh ra đã có xu hướng bạo lực hay do anh ta học thói bạo lực từ cha mẹ?

Một số ví dụ về bẩm sinh có thể bao gồm di truyền về bệnh tật, màu da, màu mắt, màu tóc. Những khía cạnh khác như tuổi thọ và chiều cao phần nhiều cũng do di truyền, nhưng chúng vẫn chịu ảnh hưởng từ môi trường và lối sống.

Một ví dụ về thuyết tự nhiên trong tâm lý học là Bộ phận Hấp Thụ Ngôn Ngữ (LAD) trong não, khởi xướng bởi nhà ngôn ngữ học Chomsky. Theo ông, tất cả mọi đứa trẻ đều có một khả năng trí tuệ bẩm sinh trong việc học và hấp thu ngôn ngữ.

Một số đặc tính khác lại có gắn kết chặt chẽ với môi trường sống. Cách một người ứng xử có thể có liên quan đến cách mà cha mẹ đã dạy dỗ họ hoặc do họ tự đúc rút trong quá trình sống. Ví dụ, một đứa trẻ có thể học nói những câu như “làm ơn” và “cám ơn” thông qua quan sát và củng cố theo thời gian. Một đứa trẻ khác học kiểu cư xử hung hăng từ việc thấy những anh chị khác gây gổ nhau trong lúc chơi đùa.

Một ví dụ về thuyết kinh nghiệm là Học thuyết học tập xã hội của Albert Bandura. Theo học thuyết này, con người ta học tập thông qua việc quan sát hành vi của người khác. Trong thí nghiệm búp bê Bobo nổi tiếng của mình, Bandura đã mô tả rằng trẻ có thể hành xử hung hăng đơn giản chỉ bằng việc quan sát hành vi đó từ người khác.

Ảnh: Thí nghiệm búp bê Bobo

Bẩm sinh và Nuôi dưỡng tương tác với nhau như thế nào?

Sau cùng thì bất cứ nhà khoa học nào cũng sẽ nhận ra sự tương tác giữa di truyền và môi trường mới là yếu tố quan trọng nhất. Kevin Davies đã mô tả một ví dụ hết sức thú vị về hiện tượng này.

Khả năng cảm âm là khả năng nhận diện nốt nhạc mà chỉ bằng tai nghe. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng đây là khả năng di truyền trong gia đình và tin rằng nó liên kết với một loại gen đặc biệt nào đó. Tuy nhiên, họ cũng phát hiện ra rằng sở hữu gen không thôi là chưa đủ. Thay vào đó, con người ta phải được học và tiếp xúc với âm nhạc từ bé thì khả năng di truyền này mới có thể phát triển trong tương lai được.

Chiều cao cũng là một ví dụ về một đặc tính bị ảnh hưởng bởi bẩm sinh lẫn di truyền. Một đứa trẻ được sinh ra từ một gia đình toàn người cao sẽ có khả năng thừa hưởng gen cao này. Tuy nhiên, nếu lớn lên trong một môi trường thiếu thốn, không đủ dinh dưỡng phù hợp thì đứa trẻ có thể sẽ chẳng bao giờ đạt được chiều cao như khi được nuôi dưỡng trong một môi trường sung túc hơn.

Các quan điểm hiện nay về Bẩm sinh và Nuôi dưỡng.

Cuộc tranh luận về 2 yếu tố này vẫn làm dấy lên nhiều quan điểm trái chiều trong lịch sử ngành tâm lý. Ví dụ như câu chuyện về thuyết ưu sinh nổi tiếng cũng xuất nguồn từ những người ủng hộ học thuyết tự nhiên. Nhà tâm lý học Francis Galton, em họ của nhà bác học Charles Darwin, người tạo ra các khái niệm về “bẩm sinh” (nature), “nuôi dưỡng” (nurture) và thuyết ưu sinh (eugenics), tin rằng ta nên khuyến khích những người có trí tuệ vượt trội kết hôn và sinh con, còn những người kém thông minh hay chậm phát triển về trí tuệ thì không nên tham gia vào quá trình sinh sản duy trì nòi giống.

Ảnh: Trại tuyển chọn giống người của Đức Quốc xã

Ngày nay, hầu hết các chuyên gia đều tin rằng cả bẩm sinh lấn nuôi dưỡng đều tác động đến hành vi và sự phát triển của con người. Tuy nhiên, tranh cãi vẫn xuất hiện trong nhiều lĩnh vực, đơn cử như các ý kiến trái chiều về nguồn gốc của đồng tính và sự ảnh hưởng của nó lên trí thông minh. Trong khi một số ít người tin tưởng hoàn toàn và cực đoan vào thuyết tự nhiên, các nhà nghiên cứu và các chuyên gia vẫn tin tưởng vào sự tác động của cả 2 yếu tố, chỉ là họ vẫn bất đồng về mức độ tác động nhiều hay ít của mỗi yếu tố mà thôi.

Dần dần con người ta cũng nhận ra việc cứ mãi đi tìm câu giải đáp cho câu hỏi giữa di truyền và môi trường, cái nào ảnh hưởng nhiều hơn cái nào là không còn hiệu quả. Thực tế là không có câu trả lời cho vấn đề vốn đã quá nhiều phức tạp này. Phức tạp ở chỗ các yếu tố di truyền sẽ tác động lẫn nhau, các yếu tố môi trường như trải nghiệm xã hội và bối cảnh văn hóa cũng sẽ tác động lẫn nhau, cũng như di truyền và môi trường cũng sẽ hòa lẫn vào nhau. Thay vào đó, nhiều người hiện nay đã tập trung hơn vào việc nghiên cứu sự điều chỉnh, tác động của gen lên các yếu tố môi trường.


[1] Chu Thị Như Trang – ĐH Y Dược Tp Hồ Chí Minh

Share...

Bài mới
Trang liên kết
Tạp chí Giáo dục
Tạp chí Khoa học Giáo dục
Trang tin điện tử Tạp chí Giáo dục
July 2018
M T W T F S S
 1
2345678
9101112131415
16171819202122
23242526272829
3031  

Chuyên san Giáo dục Mở

Đăng kí nhận thông tin