Peter Ellerton[1] | Trung Hà dịch
Nghiên cứu gần đây[2] của một nhóm học giả Hoa Kỳ về việc dạy học sinh kỹ năng tư duy phản biện trong môn Khoa Học đã lại một lần nữa chỉ ra giá trị của việc đem tới cho các em những trải nghiệm thách thức hơn yêu cầu thuộc lòng hay nhớ bước làm bài cố định. Có một sự thật đáng thất vọng nhưng lại khá phổ biến ngày nay là học sinh không được dạy cách tư duy. Tuy nhiên việc “dạy cách tư duy” lại thường không được định nghĩa rõ ràng. Một cách hiểu đơn giản và mang tính giáo dục cao là: Giảng dạy tập trung vào kỹ năng tư duy, thông qua truy vấn (quá trình học sinh nghiên cứu và tìm kiếm tri thức dựa trên câu hỏi của bản thân, giải đáp và định hướng của giáo viên), và cho phép học sinh đánh giá hiệu quả tư duy của mình.
Vậy kỹ năng tư duy là gì?
Đầu tiên, hãy cùng hiểu rõ kỹ năng tư duy là gì. kỹ năng tư duy (hay còn gọi là kỹ năng nhận thức) nhìn chung là những hành xử của chúng ta với tri thức. Phân tích, đánh giá, tổng hợp, suy luận, phỏng đoán, giải thích lý do, phân loại hay rất nhiều những hành động khác đều phản ánh hoạt động tư duy hay nhận thức ở một mức độ nhất định. Ví dụ, kỹ năng phân tích là tìm ra những yếu tố cấu thành nên một thứ gì đó và đánh giá mối quan hệ của từng yếu tố riêng lẻ với nhau và với tổng thể. Đối tượng được phân tích có thể là một bức tranh, một văn bản, một tập dữ liệu hoặc một biểu đồ.
Kỹ năng phân tích được đánh giá cao và thiết yếu.
Phần lớn các giáo trình từ bậc tiểu học tới đại học đều tập trung vào nội dung kiến thức, rất ít đề cập tới các kỹ năng tư duy. Thông thường, nếu có thì chẳng có mấy phần hướng dẫn cách dạy những kỹ năng đó. Họ mong rằng học sinh sẽ “bỗng nhiên” có chúng, thay vì được dạy.
Một giáo trình “nặng” thường được hiểu đồng nghĩa với một lượng kiến thức khổng lồ và có thời lượng đủ lâu luyện tập các công thức, thuật toán, quy trình làm bài. Trong khi đó, các giáo trình với trọng tâm đào tạo kỹ năng lại không phổ biến, mặc dù chúng đem lại giá trị cao hơn.
Nói vậy không có nghĩa nội dung kiến thức trong giáo trình không quan trọng. Loài người đã phải trải qua bao biến cố mới thu thập được lượng kiến thức ngày nay; chúng ta nên trân trọng những gì chúng ta học được vì chúng làm cuộc sống của chúng ta ý nghĩa hơn và năng suất hơn.
Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phát triển các kỹ năng tư duy bậc cao trong khi giảng dạy kiến thức. Giáo viên chỉ cần yêu cầu học sinh chú ý nhiều hơn tới những kỹ năng ấy, và dùng kiến thức làm đòn bẩy phát triển kỹ năng. Một giáo viên xuất sắc là người đem tới cho học sinh cơ hội để xây dựng các kỹ năng phù hợp với từng hoàn cảnh.
Sau cùng, chúng ta hiển nhiên không kỳ vọng người đi đầu trong các lĩnh vực khoa học, văn hóa và chính trị trong tương lai lại chỉ là những tay mọt sách. Họ còn cần phải biết sẽ làm gì với những kiến thức đó nữa.
Tại sao truy vấn là điều cần thiết?
Học sinh không thể nào thành thạo những kỹ năng này nghe giảng. Các em cần được trao cơ hội để thực hành. Việc học các kỹ năng tư duy không chỉ dừng lại ở định nghĩa chúng Là gì mà còn tiến tới hiểu áp dụng chúng Như thế nào.
Đó là lý do tại sao phương pháp giảng dạy thông thường không thể khiến các em suy nghĩ một cách hiệu quả, bởi vì theo phương pháp đó, học sinh hoàn toàn thụ động đón nhận kiến thức.
Không thể học lướt sóng mà không có ván. Tương tự thế, chúng ta cũng không thể thành thạo các kỹ năng tư duy nếu không trải nghiệm những tình huống cần sử dụng chúng.
Học tập qua quá trình truy vấn (đặt và trả lời câu hỏi), sẽ đem tới cho học sinh những cơ hội trải nghiệm cần thiết như thế.
Truy vấn trong giáo dục được hiểu theo nhiều cách khác nhau, và thường tiếp cận theo phạm vi rộng đặc trưng bởi phương pháp học tập có sự tham gia chủ động của học sinh.
Theo nghĩa hẹp, truy vấn là một quá trình đòi hỏi học sinh phải tận dụng nhiều kỹ năng tư duy đa dạng để phân tích và giải quyết vấn đề.
Ví dụ, một bài tập đòi hỏi không nhiều kỹ năng tư duy là khi giáo viên yêu cầu học sinh làm theo các bước cho trước để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật hoặc sử dụng một thiết bị thí nghiệm nào đó. Những kỹ năng tư duy trong kiểu bài tập như vậy chỉ đơn giản là rèn khả năng ghi nhớ và áp dụng kiến thức ở cấp độ cơ bản.
Nếu như cũng trong trường hợp trên, học sinh được yêu cầu , điều chỉnh các thông tin có sẵn sao cho phù hợp với văn cảnh hay mục đích cụ thể khác, và giải thích lý do, thì lúc này, các kỹ năng tư duy bậc cao như phỏng đoán, phân tích, đánh giá, biện chứng và giao tiếp mới được kích hoạt.
Ví dụ thứ hai sau đây sẽ phản ánh đầy đủ hơn về phương pháp học tập truy vấn khi bài tập yêu cầu học sinh phải vận dụng những kỹ năng tư duy triệt để và bao quát hơn.
Tôi cũng xin bổ sung thêm rằng: thành quả cuối cùng của một bộ óc tư duy tốt là học sinh có thể nhận thức được cả quá trình tư duy mà chúng đã và đang trải qua. Tức là, chúng phải nhận thức những gì chúng đang nghĩ – đồng nghĩa với khả năng siêu nhận thức.
Bàn luận về tư duy
Để tư duy về cách chúng ta tư duy, chúng ta cần bàn luận về cách chúng ta tư duy trước. Kỹ năng tư duy phản ánh các quá trình chúng ta suy nghĩ, từ đó cung cấp cho chúng ta một thứ “ngôn ngữ” mà chúng ta có thể sử dụng khi bàn về những suy nghĩ ấy, ít nhất là khi nói về việc học cách suy nghĩ hiệu quả. Nó cũng cung cấp thứ ngôn ngữ mà chúng ta có thể dùng để đánh giá quá trình học tập của học sinh.
Lại lấy ví dụ về hành động phân tích. Chúng ta có thể nhận xét: “Phân tích này khá rộng, nhưng chưa đủ chiều sâu”, hoặc “Phân tích này đã đào sâu khai thác ở một số vấn đề, nhưng lại không chạm tới hết tất cả các yếu tố khác”.
Từ những phản hồi hay lời khuyên như vậy học sinh đối chiếu lại nhằm phát triển các hệ thống đánh giá độc lập của riêng các em. Siêu nhận thức (Metagcognition, tư duy về cách chúng ta tư duy) vì thế là điều kiện cần để học sinh có thể trau dồi tư duy.
Chuyển trọng tâm giáo dục từ nội dung kiến thức sang truy vấn sẽ giúp phát triển hiệu quả năng lực tư duy. Phương pháp truy vấn giúp học sinh mở mang các năng lực tư duy, từ học thuộc lòng hay áp dụng công thức tới tư duy phản biện xuất sắc. Không có trường học nào có thể dạy học sinh tất cả kiến thức cần thiết trong một xã hội không ngừng biến đổi. Nhưng chúng ta có thể dạy các em cách tư duy để làm chủ kiến thức trong tương lai. Đó chính là “học tập suốt đời”.
[1] Giảng viên Môn Tư Duy Phản Biện, The University of Queensland
[2]Nghiên cứu mang tên Teaching Critical Thinking : http://www.pnas.org/content/early/2015/08/12/1505329112