Nguyễn An Quyên tổng hợp từ BrainCert Academy
Công nghệ giáo dục là sử dụng hiệu quả các công cụ công nghệ vào quá trình học tập. Theo định nghĩa, công nghệ giáo dục đề cập đến một loạt các công cụ như các phương tiện truyền thông, máy móc, thiết bị mạng, bên cạnh đó là các phương thức để ứng dụng hiệu quả công nghệ vào thực tế giảng dạy.
Công nghệ giáo dục bao gồm các phương tiện truyền thông với khả năng truyền tải chữ viết, âm thanh, hình ảnh, hoạt ảnh, video trực tuyến; các ứng dụng công nghệ như băng ghi âm, ghi hình, TV vệ tinh, CD-ROM, đào tạo trên nền tảng máy tính, nền tảng web và các mạng nội bộ, mạng diện rộng (Intranet/Extranet). Các hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông, dù độc lập hay dựa trên các hệ thống mạng Internet hoặc mạng nội bộ, đều phải dựa trên nhiều quy trình đào tạo trực tuyến (e-learning).
Đồng bộ và bất đồng bộ
Việc học tập có thể được tổ chức trong hoặc ngoài lớp học. Người học có thể học theo tốc độ riêng, không cùng thời điểm (bất đồng bộ) hoặc có thể được giảng dạy trực tiếp bởi giáo viên (đồng bộ). Sự kết hợp giữa phương pháp học từ xa và dạy học trực tiếp (face-to-face) được gọi là học tập hỗn hợp (blended learning). Lớp học ảo có thể được sử dụng bởi cả người học và người dạy tại nhà, trường học (đối với chương trình K-12 hoặc cao học), doanh nghiệp và các trường hợp khác cần sự phối hợp trực tuyến hiệu quả.
Các công cụ đào tạo có thể tạo ra sự đồng bộ hoặc bất đồng bộ. Học đồng bộ là khi tất cả người tham gia cùng tương tác trong thời gian thực. Trong khi đó, người học bất đồng bộ được học theo tốc độ riêng của mình, mỗi người tham gia có thể tương tác và trao đổi thông tin mà không phụ thuộc vào sự tham gia của những người khác tại cùng một thời điểm.
Học đồng bộ có nghĩa là việc trao đổi ý kiến và thông tin với một hoặc nhiều người diễn ra tại cùng một thời điểm. Ví dụ như các cuộc trao đổi trực tiếp, giảng dạy trực tuyến với giáo viên trực tiếp tương tác, phản hồi, hội thoại Skype, phòng chat hay lớp học ảo với tất cả người tham gia đều trực tuyến và phối hợp cùng lúc. Vì các học viên được phối hợp với nhau, việc học đồng bộ giúp học viên cởi mở hơn khi phải nghe và học từ chính bạn học. Học đồng bộ cũng giúp tăng nhận thức trực tuyến và cải thiện kĩ năng viết của người học.
Việc học bất đồng bộ sử dụng các công nghệ như email, blog, bách khoa toàn thư (wiki), bảng tranh luận, sách giáo khoa & văn bản trực tuyến, các khóa học ghi âm hoặc video, mạng xã hội nền web. Trong các khóa học trực tuyến bất đồng bộ, học viên có thể học theo tốc độ riêng. Học viên có thể nghe một bài giảng hai lần, dành thời gian để nghĩ về một câu hỏi mà không lo làm chậm lớp học. Qua các lớp học trực tuyến, học viên có thể đạt bằng cấp nhanh hơn, có thể học lại mà không ngại việc học chung với các học viên ít tuổi hơn. Học viên có thể tiếp cận rất nhiều các khóa học đa phương tiện khi học trực tuyến, đồng thời học các khóa ở đại học, đi thực tập, chơi thể thao hay làm việc mà vẫn có thể tốt nghiệp lớp học.
Học tập tuyến tính
Hình thức dạy học/đào tạo trên máy tính (Computer-Based training, hay CBT) đề cập đến các hoạt động học tập chủ động theo tốc độ tiếp thu cá nhân, được thực hiện trên máy tính hoặc các thiết bị cầm tay như máy tính bảng hay điện thoại thông minh. Khởi nguyên của chương trình đào tạo CBT được thực hiện thông qua việc lưu trữ và phân phối nội dung thông qua CD-ROM và thường trình bày nội dung tuyến tính, tương tự như đọc một cuốn sách hay hướng dẫn trực tuyến. Vì lý do này, CBT thường được sử dụng để dạy các quy trình tĩnh, chẳng hạn như cách sử dụng phần mềm hoặc hướng dẫn hoàn thành các phương trình toán học. Giảng dạy qua máy tính được hiểu giống như như đào tạo qua web (WBT) – phương thức đào tạo thông qua Internet bằng trình duyệt web.
Đánh giá học tập trong đào tạo CBT thường là các loại đánh giá có thể dễ dàng chấm điểm bằng máy tính như câu hỏi trắc nghiệm, kéo và thả, mô phỏng hoặc các phương tiện tương tác khác. Các câu hỏi dễ dàng được ghi lại và lưu trữ thông qua phần mềm trực tuyến, cung cấp ngay lập tức kết quả cũng như trạng thái hoàn thành khóa học của người học. Người dùng thường có thể in các chứng chỉ hoàn thành sau khi kết thúc khóa học.
CBT có thể kích thích việc học nhiều hơn so với các phương pháp học tập truyền thống từ sách giáo khoa, hướng dẫn sử dụng hoặc hướng dẫn qua các lớp học. CBT có thể là một lựa chọn thay thế tốt cho các tài liệu học tập bản cứng bởi CBT có thể kết hợp các công cụ đa phương tiện, gồm cả video hay hình ảnh động để nâng cao chất lượng học tập.
Học tập cộng tác
Học tập cộng tác thông qua máy tính (Computer-supported collaborative learning, hay CSCL) sử dụng các phương pháp giảng dạy được thiết kế nhằm khuyến khích hoặc yêu cầu học sinh làm việc cùng nhau trong các nhiệm vụ học tập. CSCL tương tự như khái niệm về thuật ngữ, “e-learning 2.0” (học trực tuyến) và “networked collaborative learning” (NCL, hay học tập cộng tác theo mạng lưới).
Với công nghệ Web 2.0, việc chia sẻ thông tin giữa nhiều người trong một mạng lưới đã trở nên dễ dàng và phổ biến hơn. Một trong những lý do chính cho việc gia tăng sử dụng công nghệ này là bởi nó được cho là “cái nôi phát triển những nỗ lực giáo dục sáng tạo và hấp dẫn”.
Sử dụng các công cụ xã hội Web 2.0 trong lớp học cho phép học sinh và giáo viên làm việc cộng tác, thảo luận ý tưởng và đẩy mạnh thông tin. Các công cụ cộng tác có thể chuẩn bị cho sinh viên các kỹ năng công nghệ cần thiết trong thị trường lao động hiện nay.