Dự án Cánh Diều – Tâm lý học tích cực tại Việt Nam[1]
Nguyễn Phước Cát Phượng | Nguyễn Minh Thành
Tâm Lý Học Tích Cực (TLHTC) là gì ấy nhỉ?
Ngày xửa ngày xưa, có một bà mẹ đưa cho đứa con trai ba mươi nghìn đồng để đi mua một vỉ trứng gà. Trên đường đi, chẳng may đứa bé làm rơi vỉ trứng và vỡ hết cả một nửa. Về đến nhà, nó mếu máo: “Con đã làm rơi trứng gà, vỡ hết cả nửa vỉ rồi”. Và rồi nó khóc lóc đau khổ vì đã mất nửa vỉ trứng. Thông thường, chúng ta hay gọi đây là đứa bé bi quan.
Ở một câu chuyện khác, một bà mẹ khác, cũng đưa cho đứa con trai ba mươi nghìn đồng để đi mua một vỉ trứng gà. Trên đường, đứa bé này cũng chẳng may đánh rơi vỉ trứng và vỡ hết cả một nữa. Nhưng khác với bé kia, bé này về đến nhà hớn hở khoe: “Mẹ, trên đường về con đã lỡ tay làm rơi vỉ trứng, nhưng may quá con còn giữ được nửa vỉ ở đây”. Nó thấy vui vì ít ra vẫn còn giữ được một nửa số trứng. Thông thường, chúng ta hay gọi đây là đứa bé lạc quan.
Ở một câu chuyện khác nữa, và một bà mẹ khác nữa, bà cũng đưa cho con trai ba mươi nghìn đồng để đi mua trứng gà. Và trùng hợp thay, đứa bé này cũng đánh rơi vỉ trứng y như hai thằng bé kia. Nhưng đứa bé này không phải là đứa bé bi quan, cũng không phải là đứa bé lạc quan, nó là một đứa bé theo trường phái Tâm lý học tích cực. Vì thế, nó nói rằng: “Mẹ ơi, con đã đánh rơi vỉ trứng, đã vỡ hết một nửa số trứng, nhưng may quá vẫn còn nguyên một nửa còn lại”. Sau đó, nó tích cực nhặt ve chai, tích góp giấy báo cũ để kiếm tiền, mua bù cho số trứng đã vỡ. Vì bé là một đứa bé TLHTC, nên bé không những lạc quan, mà còn rất thực tế.
Nhà tâm lý học người Mỹ Martin Seligman, cha đẻ của TLHTC, sau một thời gian dài nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực tâm lý, ông bắt đầu cảm thấy không ổn vì cái nhìn hẹp của tâm lý học. Chủ yếu các nghiên cứu lúc bấy giờ tập trung vào các chấn thương tinh thần, sự đau khổ, tâm bệnh học, khủng hoảng… và ít ai quan tâm đến các khía cạnh như hạnh phúc, sự an lạc, thế mạnh cá nhân hay sự thăng hoa của tinh thần. Ông nhận thấy rằng, cần phải có một cái gì đó khác, lạc quan hơn, nhưng cũng phải thực tế. Thay vì chỉ nhìn vào những mất mát của cuộc sống, chúng ta có thể nhìn vào những gì cuộc sống đang cho chúng ta, và tích cực phát triển từng cá nhân, các nhóm cộng đồng để vượt qua đau khổ và vươn tới hạnh phúc.
Năm 1998, ông được bầu làm chủ tịch của Hiệp Hội Tâm Lý Học Hoa Kỳ. Nắm lấy cơ hội này, ông bắt đầu giới thiệu một phân nhánh mới của Tâm Lý Học đến với giới học thuật và quảng đại quần chúng: Tâm Lý Học Tích Cực. Năm 2000, bài báo khoa học đầu tiên về Tâm Lý Học Tích Cực được xuất bản dưới cái tên của Martin Seligman và Mihaly Csikszentmihalyi (cha đẻ của khái niệm FLOW – “dòng chảy”), khởi đầu cho sự phát triển và thăng hoa của TLHTC đến tận bây giờ.
Vậy Cánh Diều là ai, họ có liên quan gì đến TLHTC?
Bởi quá yêu mến hình ảnh Cánh Diều bay phấp phới trong chiều gió trên những triền đê của cánh đồng Bắc bộ nên chúng tôi đã chọn lựa hình ảnh rất Việt Nam này để đại diện cho 1 dự án với mục đích mang những kiến thức hữu ích của Tâm lý học tích cực, Giáo dục tích cực và những ảnh hưởng thực tiễn của nó đối với mọi mặt của cuộc sống đến với bạn đọc tại dải đất chữ S.
Những “cánh diều nhỏ” của chúng tôi đang bay trong những cơn gió từ mọi nơi trên địa cầu này từ xứ sở sương mù nước Anh, kinh đô ánh sáng Paris hay đất nước của những những chú chuột túi – Australia, vùng đất của Kinh kịch và đồ Gốm sứ – Trung Hoa và mảnh đất Việt nam thân thương. Chúng tôi là những nhà nghiên cứu Tâm lý học, giảng viên Đại học, giáo viên Anh ngữ, bác sĩ Nhi, những bà nội trợ đảm đang cho tới người làm nhân sự, du lịch….Sự đa dạng trong ngành nghề mang tới cho những buổi họp mặt online hàng tuần rất nhiều cái nhìn đa sắc màu về việc ứng dụng Tâm lý học tích cực cũng như phản biện nó trong thực tiễn nghề nghiệp, cuộc sống.
Dự án Cánh Diều ra đời vào 1 ngày Thu năm 2016 khi ngoài ban công bầy chim nhỏ đang hót vang trong cánh rừng đằng sau khu kí túc xá. Mục đích ban đầu của Cánh Diều là dịch những cuốn sách và các bài báo khoa học đã công bố về Tâm lý học tích cực để làm tài liệu phục vụ mục đích cá nhân của các thành viên. Chúng tôi đã dịch hoàn thiện 3 cuốn sách bao gồm: Sổ tay Tâm lý học tích cực – NXB Đại học Oxford; Sổ tay can thiệp Tâm lý học tích cực và Can thiệp TLHTC trong trường học – NXB Wiley-Blackwell, hiện tại đang kết nối với các NXB tại Việt Nam để đưa đến với các độc giả.
Hiện tại Dự án của Cánh Diều đã mở rộng thêm sau hơn 1 năm, chúng tôi có Fanpage Tâm lý học tích cực: https://www.facebook.com/positivepsychologyinvietnam/ và website: https://canhdieuproject.wordpress.com thường xuyên đưa lên những bài dịch, bài viết dưới dạng khoa học thường thức dễ hiểu và dễ áp dụng trong thực tiễn đời sống cho bạn đọc tham khảo.
Cánh Diều mong muốn điều gì nơi dự án này?
Trong Tâm lý học tích cực có 1 can thiệp rất nổi tiếng tên là: Can thiệp ba điều tốt (Seligman, Steen, Park, & Peterson, 2005), nội dung của can thiệp này như sau: Người tham gia can thiệp Ba Điều Tốt được yêu cầu viết ra ba sự kiện tích cực đã xảy ra với họ trong từng ngày và giải thích tại sao những chuyện tốt đó lại đến. Trong một thực nghiệm can thiệp đa văn hoá (Chan, 2010) những giáo viên tình nguyện tại Trung Quốc đã dành ra 8 tuần để tham gia một dự án có tên là “Ba điều tốt” nhằm đánh giá vai trò của lòng biết ơn đối với hạnh phúc chủ quan; sự an lạc và ý nghĩa cuộc sống. Mỗi tuần những giáo viên tham gia sẽ ghi lại 3 điều tốt đã xảy ra và thực hiện liên tục trong 8 tuần. Sau đó các giáo viên này sẽ được hướng dẫn để duy tư về “Ba điều tốt” dựa trên các câu hỏi thiền Naikan. Các câu hỏi được đặt ra bao gồm:
Tôi đã nhận được những gì?
Tôi đã cho đi những gì?
Tôi có thể làm được gì hơn nữa?
Kết quả, sau 8 tuần các giáo viên đã có sẵn thái độ biết ơn cao hơn (Dựa vào bài kiểm tra ban đầu) đã báo cáo rằng họ cảm thấy biết ơn nhiều hơn, giảm thiểu sự căng thẳng và cảm thấy cuộc đời có ý nghĩa hơn. Can thiệp Ba Điều Tốt cũng đã được thực hiện với mẫu nghiên cứu người lớn (Anselmo, 2010), thiếu niên (McCabe-Fitch, 2009), và nhân viên công sở (Carlton, 2009). Những phát hiện khuyến cáo rằng chỉ cần bỏ ra một tuần liệt kê và cân nhắc đến ba điều tốt xảy ra mỗi ngày, ta sẽ tăng sự tận hưởng với những sự kiện tích cực và cảm thấy hạnh phúc hơn, cả trong thời gian dài (ví dụ: sáu tháng sau can thiệp; Anselmo, 2010; Seligman và cộng sự, 2005) lẫn thời gian ngắn (ví dụ: một tháng sau can thiệp; Carlton, 2009).
Cánh Diều trong những ngày đầu tiên làm việc đã cùng nhau thực hiện can thiệp này, và cho tới bây giờ sau hành trình dài hơn 1 năm chúng tôi vẫn tiếp tục hàng ngày thực hiện “Ba điều tốt” cho bản thân mình, đồng nghiệp, học sinh, bạn đời và thu lại những kết quả tốt đẹp, khả quan cho bản thân. Chúng tôi chính là muốn lan toả những kiến thức thực chứng, các Can thiệp dựa trên bằng chứng và cả kinh nghiệm cá nhân sau khi ứng dụng TLHTC vào cuộc sống và công việc tới với thật nhiều người Việt nam. Có một câu nói rằng “Nếu bạn muốn cuộc sống này trở nên tươi đẹp, hãy làm 1 điều tốt” và dự án Cánh Diều của chúng tôi chính là muốn góp thêm những điều tốt, nhân văn như vậy để cùng với các bạn ươm những hạt giống tốt lành để mong chờ 1 ngày những lối về của chúng ta sẽ ngập tràn hoa cỏ.
Chúng tôi mong bạn Hạnh phúc!
Chúng tôi mong bạn An lạc !
Chúng tôi gửi tới bạn sự Chánh niệm và Tận hưởng trong Dòng chảy của cuộc sống chất chứa Lòng biết ơn này!
[1] https://canhdieuproject.wordpress.com