Robert Michael Ruehl[1] | Diệu Nguyễn dịch[2]
Giá trị của Tình bạn
Các triết gia phương Tây đã và đang nhiệt thành đề cao giá trị của tình bạn. Mặc dù một vài trí thức như Thomas Hobbes và Søren Kierkegaard vẫn tỏ ra nghi ngại về giá trị mà tình bạn mang lại, nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là tình bạn đã truyền cảm hứng cho rất nhiều học giả khác như Aristotle, Francis Bacon, C.S. Lewis, và Mary E. Hunt, những người luônquý trọng giá trị mà tình bạn mang lại, trong đó, đặc biệt nhất là sự soi chiếu lẫn nhau, từ đó giúp nuôi dưỡng bản thể tốt đẹp nhất trong mỗi con người.
Thời đại ngày nay dường như không tôn vinh giá trị của tình bạn như xưa, và điều này có thể được nhìn thấy dưới góc nhìn từ giáo dục đại học. Ngày nay, rất nhiều nỗ lực được tạo ra nhằm mang hơi thở kinh doanh vào trong các trường đại học, có thể thấy rằng, các bài kiểm tra đánh giá cuối khóa hay các dữ liệu phân tích chi phí – lợi ích đã trở thành trung tâm của sự chú ý. Chất lượng giáo dục được bởi biểu thị bằng thứ ngôn ngữ thống kê như tỷ lệ tốt nghiệp và tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp – những tiêu chí trở thành điểm hấp dẫn nhất thu hút sinh viên tiềm năng trong tương lai. Mối quan hệ giữa các nhà giáo cũng chịu ảnh hưởng từ môi trường đó. Thị trường học thuật cạnh tranh, các khoa cần số liệu chứng minh thành tích của tập thể mình và, dù trực tiếp hay gián tiếp trên giấy tờ, sự phê bình lẫn nhau thường mang tính chất đấu đá hơn là xây dựng. Mục đích tranh luận dường như là để thắng thế trong cuộc đấu trí mang về danh tiếng. Số lượng dần làm lu mờ chất lượng và giáo dục đại học đang đối mặt với nguy cơ thất bại trong việc gắn kết và truyền cảm hứng cho học sinh và giáo viên dành trọn nỗ lực để trở nên tốt hơn. Đã đến lúc chúng ta cùng ngẫm lại về vai trò của người thầy, về mối quan hệ giữa thầy và trò hay giữa những người đồng nghiệp trong trường đại học. Từ góc nhìn cá nhân, tôi đề xuất lựa chọn một triết lý giáo dục lấy tình bạn làm nền tảng để nuôi dưỡng một cộng đồng trí thức giàu yêu thương và tương trợ.
Có những cách hiểu khác nhau về vai trò của giáo dục. Dưới góc nhìn kinh tế, mục tiêu của giáo dục là giúp người học chuẩn bị cho công việc và nghề nghiệp, làm sao để có một chỗ đứng trong thị trường lao động. Nhưng từ một khía cạnh khác, giáo dục nhằm phát triển văn hóa tri thức, tập trung vào phát triển cá nhân hướng tới sự toàn vẹn, và giáo dục giúp mỗi người tận dụng tối đa các lĩnh vực kiến thức khác nhau để hoàn thiện nhân sinh. Trong bối cảnh ngày nay, bao nhiêu người thấy giáo dục đáng để đầu tư thì cũng bấy nhiêu người không hứng thú với giảng đường đại học. Khuôn viên trường học là nơi chứng kiến biết bao lo lắng, muộn phiền của sinh viên, những lần lạm dụng cồn và thuốc kích thích, những vụ lạm dụng tình dục hay phân biệt chủng tộc. Các giáo sư đại học cũng đối mặt với nhiều vấn đề trên một bình diện khác. Giảng viên thiếu nhiệt huyết và không hài lòng với nghề; hay những người ký hợp đồng không xác định thời hạn không cảm thấy hạnh phúc, thiếu động lực và họ thể hiện nhiều trạng thái tiêu cực ở trên lớp bởi vì công việc không được đảm bảo. Việc tinh giản các phòng ban làm gia tăng trách nhiệm và giảm hỗ trợ đối với giảng viên. Hệ quả là nhiều nhà giáo thất vọng và lo lắng. Vậy thì, các môi trường học thuật cần được duy trì theo một cách khác, nhằm thúc đẩy các mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người; và chuyển mình thành một miền đất hứa của dạy, học và phát triển từng cá nhân và cả cộng đồng. Học thuyết về giáo dục lấy tình bạn làm nền tảng có lẽ là một câu trả lời cho nhu cầu đó. Dưới đây là 4 quan điểm về tình bạn tôi lựa chọn dành cho giáo dục đại học. Đi kèm với mỗi góc nhìn là giá trị và cách mà tình bạn sẽ giúp dịch chuyển quan điểm giáo dục từ kinh tế thị trường sang thuần túy tập trung phát huy tiềm năng của mỗi cá nhân.
Bốn quan điểm về Tình bạn
Aristotle (383 – 322 BC) Quý ngài Tình bạn của Triết học phương Tây | Tình bạn giúp chúng ta phát triển nhân cách và sống một cuộc đời hạnh phúc. Có 3 loại bạn bè: Useful friends (tạm dịch “bạn vị lợi”)Friends of pleasure (tạm dịch “bạn mang lại niềm vui”) Virtuous friends (tạm dịch “bạn vì điều thiện”) Nhóm sau cùng là mối quan hệ bạn bè tốt nhất. Trong đó, bạn bè yêu quý nhân cách của nhau, cùng quan tâm đến nhau, cùng nhau phát triển bản thân, cùng rèn luyện nhân sinh quan, tìm kiếm niềm vui và nuôi dưỡng tâm tâm hồn. => Dù sở hữu tất cả những của cải trên đời, không một ai có thể sống thiếu tình bạn. |
Francis Bacon (1561 – 1626) | Tình bạn là một phần tất yếu của cuộc sống. 3 giá trị của tình bạn: Giúp chúng ta tiếp tục vững bước khi đối mặt với những giai đoạn khó khăn, tưởng như vô vọng.Nuôi dưỡng sự bình an trong tâm hồn và khích lệ tinh thần khỏi những úa tàn vì gánh nặng cuộc sốngKhuyến khích con người đưa ra những nhận định đúng đắn. |
C.S. Lewis (1898 – 1963) | Tình bạn (Philla) được luận giải trong mối tương quan với 3 tình cảm khác trong ngôn ngữ Hy Lạp: Eros (tình yêu lãng mạn, trai gái, thứ tình cảm vị kỷ)Agape (tình yêu những người hàng xóm, lòng bác ái cho tất thảy mọi người)Storage (lòng mến thương, cụ thể là tình thương của cha mẹ dành cho con cái) Agape là nền tảng của tình bạn. Tình bạn là tình cảm giữa 2 hay nhiều người cùng kề vai sát cánh, được khơi dậy bởi, và cùng theo đuổi, một chân lý. => Tình bạn giúp chúng ta vượt qua giới hạn của bản thân bằng cách chia sẻ niềm vui, trải nghiệm và quá trình phát triển bản thân. |
Mary E. Hunt (1951 – …) | Tình bạn được nâng lên thành một hình mẫu và một mục tiêu cuộc đời. Vai trò của tình bạn càng nổi bật khi tình yêu hay hôn nhân thất bại. Tình bạn được miêu tả bởi sự dịu dàng dữ dội. Dữ dội là khi ai đó nghiêm khắc nhận xét về sai lầm của bạnDịu dàng là khi ai đó yêu hết mực với sự tận tâm bất kể thời gian, không gian và lòng thương yêu Tình bạn được cấu thành từ: Hiện thân: khía cạnh sinh lý học của các mối quan hệDuy linh: mối quan hệ giữa con người với cả thế giới?Tình yêu: cảm xúc và sự cam kếtSức mạnh: sức mạnh để thay đổi thế giới và những người xung quanh. Tình bạn vượt ra khỏi ranh giới của hai người, trở thành phương tiện tạo ra những thay đổi tích cực trong xã hội: khuyến khích nhau cùng chống lại những bất công xã hội, hành động vì hòa bình, thông qua lăng kính tình bạn,… Với Mary Hunt, tình bạn mang đặc điểm chính trị. |
Mang Tình bạn vào trong Giáo dục
Việc nghiêm túc đưa triết lý về tình bạn vào trong môi trường giáo dục cũng đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ xa rời quan niệm đương đại gắn giáo dục với tỷ lệ có việc làm, với chủ nghĩa duy lý và việc học vẹt. Khi đó, tình bạn sẽ hướng sự quan tâm của chúng ta tới các mối quan hệ trong giáo dục, và đặt chúng vào trung tâm của môi trường học tập. Dù chủ thể của các mối quan hệ là ai (học sinh – học sinh, giáo viên – giáo viên hay học sinh – giáo viên), mô hình giáo dục lấy tình bạn làm điểm tựa nhấn mạnh cách mà những mối quan hệ này cởi mở hơn, hữu ích hơn và khuyến khích từng cá nhân trau dồi bản thân hơn. Nó dịch chuyển sự chú ý của chúng ta khỏi những đánh giá, những thống kê, khỏi nền kinh tế thuần về tiền bạc và những động cơ quyền lực không có giá trị tương hỗ; hướng chúng ta tới tiềm năng thực sự của mỗi cá nhân và quá trình chúng ta hoàn thiện bản thân, hướng tới sự công bằng. Vì thế, một triết lý giáo dục đề cao tình bạn trong trường đại học có thể giúp cả thầy và trò tập trung vào sứ mệnh giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; giúp nuôi dưỡng thứ cảm xúc tràn đầy giữa người với người; hướng chúng ta tới cùng một chân lý và hệ giá trị; hay khích lệ động viên con người theo đuổi ước mơ học thuật trên quãng đường dạy và học.
Học sinh đi học để đạt được những mục tiêu cụ thể: hoàn thiện bản thân, một công việc có thu nhập ổn định, hay những khát vọng của cả đời người. Nhà giáo dạy học bởi vì nghề dạy thú vị, có thu nhập ổn định và cho phép họ theo đuổi những ước mơ bên trong hay thậm chí vượt ra ngoài 4 bức tường lớp học. Nhưng giáo dục cũng không chỉ dừng lại ở những con số, câu chữ trong sách vở hay bài thi cuối khóa. Điều đáng bận tâm hơn là học để sống hạnh phúc trên mọi khía cạnh và trong mọi hoàn cảnh ta lỡ bước vô, hoặc chí ít, luôn nỗ lực để tốt hơn mỗi ngày. Quan điểm của Aristotle không đơn thuần đề cao thú vui mà tình bạn mang lại, mà trên hết, là sự tương hỗ có được trong mỗi lớp học. Học sinh trở thành người học hiểu biết hơn. Giáo viên trở thành nhà giáo tuyệt vời hơn. Cả thầy và trò trở thành những con người hoàn thiện hơn, sống một cuộc sống tròn đầy hơn. Cùng ngẫm lại về giáo dục dưới góc nhìn tình bạn của Aristotle, phải chăng, giáo dục là để nuôi dưỡng và khai mở bản chất tốt đẹp trong mỗi con người, dù là trong khuôn viên trường học, bước ra xã hội rộng lớn ngoài kia, hay khi trở về với mái ấm gia đình.
Các mối quan hệ trong cộng đồng giáo dục xảy ra giữa những cuộc đời có sự vất vả, khó khăn, nỗi sợ, niềm vui hay hi vọng riêng ẩn sâu bên trong. Tuy nhiên, phép lịch sự xã giao đơn thuần chỉ đưa ta tiếp xúc với bề nổi của tảng băng chìm. Nếu áp dụng quan điểm của Bacon về tình bạn, hệ thống giáo dục hẳn sẽ xóa được khoảng cách địa vị, quyền lực và tạo ra sự gắn kết sâu sắc hơn khi các thành viên của cộng đồng cùng đối mặt với thách thức từ cuộc sống. Thầy và trò trở thành bạn bè, giúp đỡ nhau giải quyết các vấn đề học thuật và ra quyết định. Rèn luyện tư duy phản biện hẳn nhiên là một phần quan trọng của giáo dục, và quá trình rèn luyện đó sẽ được thúc đẩy hiệu quả hơn nếu ta đưa tình bạn vào trong các mối quan hệ học đường. Khía cạnh cảm xúc của tình bạn nghe có vẻ không phù hợp trong mối quan hệ thầy trò và không cần thiết giữa đồng nghiệp. Liệu rằng cảm xúc có phải là điều đóng vai trò thứ yếu trong môi trường giáo dục (trừ trường hợp những học sinh ngỗ nghịch)? Bacon cho rằng tình bạn sẽ nuôi dưỡng một con người toàn diện – cả lý trí lẫn tâm hồn – để làm cân bằng cả cuộc sống và các mối quan hệ. Thay vì coi học tập chỉ như một quá trình tư duy rèn luyện tri thức, học sinh và giáo viên hãy thừa nhận và tôn vinh chiều sâu cảm xúc trong sự gắn kết giữa người với người.
C.S. Lewis quan tâm đến niềm hân hoan rộng mở mà những người bạn san sẻ với nhau trên hành trình cùng theo đuổi một lý tưởng, một chân lý. Mặc dù vẫn tồn tại nhiều khác biệt, bạn bè sẽ khơi dậy những tiềm năng khác nhau ẩn bên trong mỗi người, từ hành động, trí tuệ cho tới cảm xúc và tính hài hước. Tình bạn học đường hướng chúng ta đến một tầm nhìn chung của công bằng và đa dạng trong xã hội; sống một đời tươi đẹp và trở thành một công dân tốt. Thầy và trò trở nên thân quen trong lớp học, trong các hội trường, bên bàn ăn hay trên bàn họp với không khí hài hòa vì một mục tiêu chung.
Mary E. Hunt cho rằng không một khía cạnh nào của cuộc sống thiếu vắng tình bạn. Học sinh và giáo viên là những cá thể trực thuộc. Tình yêu sẽ tạo ra và tăng cường các mối quan hệ giáo dục: thay vì cạnh tranh và phân cấp bậc quyền lực, tình yêu sẽ mang đến lợi ích và truyền cảm hứng cho mỗi người. Hơn thế nữa, sự kết hợp tâm linh ở đây đồng nghĩa với việc: học tập sẽ vượt ra khỏi phạm vi của các mô hình kinh doanh giáo dục. Thay vào đó, giáo dục được xây dựng từ sự thấu hiểu giữa những mối tương quan bất tận bất của tri thức với những khía cạnh phong phú của cuộc đời. Sức mạnh trong giáo dục đồng nghĩa với việc dũng cảm theo đuổi con đường học vấn, hiểu những tác động của suy nghĩ và hành động và có thể lựa chọn được con đường hữu ích nhất bất chấp sự cản trở của những phong tục truyền thống bất công.
Có một sự thật phải thừa nhận là: Đưa tình bạn vào trong giáo dục không làm cho mọi thứ dễ dàng hơn. Trái lại, giáo dục sẽ trở nên thử thách hơn và mạo hiểm hơn. Trên nền tảng và giá trị của tình bạn, giáo dục sẽ mang trong mình sứ mệnh thay đổi con người và thế giới, khuyến khích tư duy vượt giới hạn và được duy trì bằng sự săn sóc và lòng dũng cảm. Giáo dục tập trung vào những mối quan hệ lành mạnh nuôi dưỡng tâm hồn. Đây là bước chuyển từ lượng sang chất và giá trị của tình bạn có thể được minh chứng bằng sự gia tăng niềm tin, lòng bác ái, đức tính cởi mở, sự thấu hiểu và lòng bao dung – những sợi dây gắn kết xã hội. Tình bạn thân thiết trong một xã hội lành mạnh luôn đi kèm với sự tôn trọng lẫn nhau và sức mạnh hóa giải xung đột thành những mối quan hệ hài hòa. Cơ hội việc làm và khả năng nắm bắt thị trường cũng sẽ tăng lên. Nhờ có những cộng đồng hạnh phúc, sự tương hỗ bền chặt cả trong lẫn ngoài trường học và cam kết sâu sắc với người dạy và người học, danh tiếng của trường sẽ vươn xa, hình ảnh trường trong mắt xã hội là một môi trường giàu năng lượng chuyển hóa tích cực.
Lời kết
Dễ dàng hiểu được tại sao các triết gia tôn thờ tình bạn: Đó là một mối quan hệ mở và giàu yêu thương dựa trên sự bình đẳng, quan tâm, cùng nhau tiến bộ, sự cam kết lâu dài và tình thương vô biên. Hãy nhớ lời của Aristotle trong tác phẩm Politics “cộng đồng xã hội phụ thuộc vào tình bạn; khi chỉ có thù hận, con người thậm chí không thể cùng chung một con đường”. Cho nên sự ấm áp mà tình bạn mang lại là một phần tất yêu của một cuộc sống tươi đẹp, một xã hội văn minh gắn kết con người bền lâu. Từ Plato cho tới Hunt, tình bạn ngày càng được các triết gia tôn vinh bởi vì nó giúp con người tìm thấy những gì tốt đẹp nhất trong mình. Đặt tình bạn vào trọng tâm của giáo dục, mỗi lớp học và toàn thể cộng đồng sẽ trở thành những môi trường nhân văn hơn và khuyến khích con người phát triển các khía cạnh cuộc sống đa dạng hơn. Giáo dục đại học cần thay đổi. Nhờ nuôi dưỡng tình bạn, giáo dục trở về đúng bản chất của giáo dục bằng sự tôn vinh và phát huy tiềm năng riêng biệt trong mỗi thành viên cộng đồng.
[1] Tiến sĩ Robert Michael Ruehl hiện là trợ lý giáo sư thỉnh giảng tại Khoa Triết học và giảng viên phụ đạo tại Trung tâm Writing Center thuộc St John Fisher College, thành phố Rochester, New York.
[2] Dịch từ Philosophy Now