Tác giả: Serhat Kurt
Người dịch: Phạm Phước Hiền
“Công nghệ chỉ là công cụ. Để giúp cho trẻ em cộng tác tốt và có động lực, vai trò của giáo viên là quan trọng nhất.” – Bill Gates
Ứng dụng công nghệ trong giáo dục bao gồm quá trình nghiên cứu các quá trình phân tích, thiết kế, phát triển, triển khai thực hiện, đánh giá môi trường giảng dạy và các học liệu nhằm để cải thiện việc dạy và học. Có một điều quan trọng cần lưu ý là mục đích của các ứng dụng công nghệ trong giáo dục (còn được gọi là công nghệ giảng dạy) là để cải cách giáo dục theo hướng tiến bộ hơn. Để làm được điều đó thì trước tiên chúng ta phải xác định được các mục tiêu và những yếu tố cần thiết nhất trong giáo dục hiện đại. Dựa trên cơ sở đó, chúng ta mới vận dụng tất cả kiến thức của mình, bao gồm cả hiểu biết về công nghệ để thiết kế môi trường học tập hiệu quả nhất cho học sinh.
Công nghệ giảng dạy cũng có thể được xem như là một quá trình giải quyết các vấn đề và những mối quan ngại nói chung trong giáo dục: những mối quan tâm về động lực học tập, kỷ luật, tỷ lệ thôi học, bạo lực học đường, kỹ năng cơ bản, tư duy phê phán và vô vàn các mối quan tâm khác về giáo dục. Tuy nhiên, một ứng dụng công nghệ đơn lẻ chẳng thể nào giải quyết được cả tá cá vấn đề mà chỉ có thể đáp ứng được từng nhu cầu cụ thể. Để đảm bảo việc triển khai một ứng dụng công nghệ sẽ giải quyết đúng nhu cầu dạy và học, ta có thể tham khảo quy trình gồm 5 bước như dưới đây:
- Xác định vấn đề tồn tại trong môi trường giáo dục cụ thể, phân tích các yếu tố cốt lõi của vấn đề và các giải pháp có thể giải quyết vấn đề.
- Phân tích đặc tính lớp học và chương trình giảng dạy.
- Lựa chọn chiến lược giảng dạy phù hợp nhất cho tình huống cụ thể.
- Lựa chọn tài liệu giảng dạy, tài liệu hỗ trợ phù hợp với chương trình và chiến lược giảng dạy đã được lựa chọn.
- Cuối cùng, lựa chọn và triển khai giải pháp công nghệ, đánh giá và sửa đổi khi cần thiết để đáp ứng các mục tiêu đã nêu để cải thiện môi trường học tập.
Ngày nay, các tài liệu học tập đã mở rộng ra nhiều hình thái khác nhau, với sự trợ giúp của tiến bộ công nghệ. Học liệu ngày nay bao gồm cả các tài liệu thông thường, bảng đen, máy chiếu qua đầu, máy chiếu phim, TV, VCR, máy chiếu, cũng như các vật liệu mới hơn, chẳng hạn như máy tính, các ứng dụng phần mềm khác nhau, máy quay phim, máy ảnh kỹ thuật số, máy quét, Internet, vệ tinh, TV tương tác, hội nghị từ xa với hình thức truyền tải âm thanh và video, trí tuệ nhân tạo, v.v.
Giáo viên cần hiểu và nắm vững được các nguồn, loại tài liệu nào sẵn có, cách sử dụng chúng, tại sao chúng nên được sử dụng, khi nào thì sử dụng và cách tích hợp các nguồn, loại học liệu này vào môi trường dạy/học để đáp ứng mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, các giáo viên cũng cần cân nhắc một cách nghiêm túc về việc những học liệu mới này mang lại những ảnh hưởng như thế nào đến việc dạy và học đến chính môi trường cụ thể của mình.
Khi tiếp cận với nguồn tài nguyên mới, bước đầu tiên chúng ta cần giải quyết đó chính là việc trả lời được câu hỏi: Học liệu này là gì và làm thế nào để có thể sử dụng chúng? Để làm được điều đó chúng ta phải nhanh chóng bắt đầu thảo luận về cách sử dụng các tài liệu này và những ảnh hưởng mà chúng đem đến chương trình giảng dạy trong các trường học của chúng ta. Công nghệ có thể được sử dụng để duy trì phương pháp tiếp cận học tập dựa trên tri thức do giáo viên hướng dẫn hoặc nó có thể được sử dụng để giúp chúng ta thực hiện phương pháp lấy học sinh làm trung tâm, cá nhân hoá học tập trên nền tảng xây dựng và tiến bộ. Ngoài ra, chúng ta cũng cần giúp các giáo viên hiểu được bức tranh lớn hơn về cách thức công nghệ đã và đang cách mạng hóa nền giáo dục toàn cầu. Chỉ cần hướng dẫn các giáo viên cách sử dụng công nghệ một cách thành thạo, chúng ta đã góp phần tăng cường một hệ thống giáo dục tri thức. Chỉ ra cho họ những tiềm năng thực sự của công nghệ sẽ đem lại những lợi ích thực sự như việc phát triển và hình thành tư duy cấp cao hơn ở học sinh và ở chính giáo viên: học tập độc lập và học tập suốt đời.
Để có thể hưởng lợi tốt nhất từ công nghệ, đại đa số các giáo viên hiện nay cần được trang bị các kỹ năng hiện đại, để giải quyết những vấn đề hiện đại. Để giúp các giáo viên có thể hiểu được những kỹ năng và vấn đề này, Điều phối viên Công nghệ Giáo dục tại UNCA[1] đã tạo ra một danh sách các thuật ngữ cơ bản liên quan đến ứng dụng công nghệ trong giáo dục. Đây là một số những thuật ngữ hữu ích, những từ khoá gợi ý quan trọng mà giáo viên nên tìm hiểu để có thể kết hợp chúng vào việc dạy học. Hãy nhớ rằng, mục tiêu đầu tiên của việc ứng dụng công nghệ là để cải thiện một khía cạnh cụ thể của việc dạy và học.
Các công cụ phần mềm – Software Tools: nhắm tới một chức năng cụ thể như xử lý văn bản, cơ sở dữ liệu, bảng tính, viễn thông, thuyết trình, tác giả, các chương trình vẽ đồ họa.
Các loại phần mềm – Software Types: được phân loại dựa trên mục đích sử dụng. Ví dụ, phần mềm với những câu hỏi trắc nghiệm có thể phù hợp với mục đích luyện tập, nhưng để thực hành hoặc mô phỏng, giáo viên lại cần phải tìm đến những phần mềm khác. Loại phần mềm được sử dụng sẽ được quyết định bởi câu hỏi tại sao ta lại cần đến chúng, khi nào, và làm thế nào để kết hợp chúng vào nội dung giảng dạy.
Hệ thống học tập tích hợp – Integrated Learning Systems: Là tên gọi chung cho những hệ thống giảng dạy được vận hành bởi máy tính. Giáo viên cần phải biết hệ thống cụ thể mà trường mình đang sử dụng bao gồm những cấu thành gì, làm cách nào để sử dụng từng cấu thành, khi nào thì sử dụng nội dung/ công cụ gì với từng bậc học, môn học cụ thể.
Các thiết bị số: Máy ảnh kỹ thuật số, máy quét, máy quay phim, máy ghi CD, máy tính, modem, máy in, VCR, máy chiếu LCD, đầu đĩa laser và các thiết bị khác. Giáo viên cần phải biết cách sử dụng chúng và cách chúng có thể được sử dụng hữu ích nhất trong lớp học, bài học.
Tích hợp đa phương tiện – Multimedia Integration: Không chỉ đơn giản là tìm kiếm những hình ảnh đồ hoạ, các tệp âm thanh, các đoạn phim… Sự kết hợp các sản phẩm đa phương tiện này để tạo ra sự lôi cuốn, nhịp nhàng cho bài trình bày hay làm cho các tài liệu học tập trở nên hấp dẫn hơn.
Hội thoại nhóm – Teleconference: Sử dụng các công cụ hội thoại hoặc kết nối video nhóm để kết nối các nhóm làm việc, bất kể thời gian, không gian, hoặc kết nối lớp học với các chuyên gia, các quốc gia khác.
Giáo dục từ xa – Distance Education: định nghĩa về giáo dục từ xa, các phương tiện cần thiết, cách tổ chức các hình thức đào tạo từ xa, cách thiết kế các khóa học, loại hình học tập và giảng dạy, kỹ thuật cần thiết để thực hiện và tại sao cách học này tương thích với các cấp học hiện nay.
Cấu hình lớp học – Classroom Configurations: các chỉ dẫn cần thiết cho việc cấu hình lớp học với các trang bị và kỹ thuật sử dụng công nghệ tốt nhất trong lớp học. Hầu hết các lớp học đều cần phải có công nghệ đa phương tiện từ máy tính cá nhân, các thiết bị máy chiếu, quét… Điều này đòi hỏi giáo viên cần phải có khả năng nhanh chóng thích nghi, biết cách sử dụng và truy cập phần mềm khi cần thiết. Một ví dụ điển hình là giáo viên phải “biết” cách sử dụng internet, các chương trình phần mềm thích hợp với nội dung giảng dạy và trình chiếu được sử dụng xuyên suốt và lồng ghép trong các phương pháp dạy học của họ. Còn đối với học sinh cũng cần phải được trang bị các kiến thức và trang thiết bị tương tự, điều đó có thể giúp tính tương tác được tăng lên rất nhiều.
Web Board – Bảng trực tuyến: Web Board là tên gọi cho các ứng dụng web mà người dùng có thể đăng tải tin nhắn, những phần hướng dẫn, các thông tin và chủ đề thảo luận. Giáo viên sẽ được hướng dẫn sử dụng cụ thể từng bước từ việc thiết lập các nhóm thảo luận, gửi các bài tập, bài đọc cho học sinh đến cách học sinh sẽ nộp hoặc đăng bài tập của mình lên trên nền tảng này.
Các trang web: Tạo một trang web thế nào? Cách sử dụng chúng trong giảng dạy và lợi ích của việc sử dụng trang web trong dạy học? Các trang web ngoài việc có nhiều chức năng để hiển thị thông tin, tăng cao khả năng tương tác của người dạy và học còn giúp nâng cao tính chủ động của người học.
Internet: Khái niệm, cách sử dụng internet một cách thông minh và sự kết hợp hoàn hảo vào quá trình dạy và học. Điều này sẽ đòi hỏi các giáo viên cần biết cách tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng đồng thời phải biết phân tích và đánh giá độ chính xác của nguồn thông tin tìm được. Quan trọng nhất giáo viên cần phải hiểu một cách sâu sắc ảnh hưởng mạnh mẽ của hệ thống internet đến hoạt động dạy học và trên cơ sở đó có thể tìm ra được phương án tối ưu.
Điểm lại phần mềm và đánh giá – Software Review and Evaluation: Đối với mỗi cấp lớp cụ thể, mỗi lĩnh vực nội dung giáo viên cần biết cách lựa chọn phần mềm sao cho hiệu quả nhất, hiểu cách đánh giá tính hiệu quả của phần mềm này và tìm kiếm thêm các phần mềm khác cũng có chức năng tương tự để gom thành một nhóm chung mục đích sử dụng. Giáo viên cần phải sử dụng thành thục các nhóm phần mềm này để có thể đưa ra nhiều tuỳ biến thích hợp cho từng nhóm đối tượng học sinh cụ thể.
Tích hợp công nghệ – Integration of Technology: Đầu tiên giáo viên cần hiểu một cách sâu sắc ba cấu hình công nghệ sẵn có – hỗ trợ, tích hợp và độc lập. Tiếp theo phải đưa ra sự lựa chọn những công nghệ nào sẽ sử dụng bằng cách trả lời được câu hỏi “tại sao việc sử dụng công nghệ này là tốt nhất cho người dạy và học?”. Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần lưu ý khả năng chuyển đổi các công nghệ dạy học một cách linh hoạt cũng là điều rất cần thiết.
Thiết kế và xây dựng tài liệu giảng dạy: Giáo viên cần biết rằng đối với mỗi nhóm học sinh cần phải sử dụng cách thiết kế và tạo ra nhiều tài liệu giảng dạy khác nhau nhằm đem lại lợi ích tối đa cho hoạt động dạy và học. Điều này đòi hỏi người dạy cần hiểu các nguyên tắc thiết kế, cách tạo ra các tài liệu đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người học, những tài liệu mang tính chỉ dẫn và việc sử dụng các tài liệu này trong việc dạy học. Tài liệu giảng dạy mà giáo viên thiết kế sẽ rất đa dạng về chủng loại cũng như hình thức, nó có thể là một tài liệu trên bảng tin, hoặc một tấm phim trong để sử dụng trong overhead hay thậm chí cho những công cụ trình chiếu hiện đại hơn như PowerPoint, HyperStudio và các trang web.
Vấn đề pháp lý và đạo đức: Những vấn đề này có thể là vấn đề bản quyền và việc truy cập cũng như sử dụng thông tin một cách hợp pháp. Giáo viên cần phải nâng cao nhận thức của chính mình và học sinh làm sao để tất cả mọi người đều hiểu và thực hiện tốt việc tôn trọng luật bản quyền và tính hợp pháp của việc truy xuất hoặc tìm kiếm nguồn thông tin, dữ liệu.
Các phần mềm và phần cứng mới: Giáo viên cần không ngừng tìm tòi và nâng cao trình độ về sử dụng công nghệ, liên tục cập nhật kiến thức của mình để theo kịp được sự tiến bộ hoặc thay đổi mạnh mẽ từng ngày của các công cụ hoặc tài liệu giảng dạy. Điều này sẽ rất hữu ích cho hoạt động dạy và học.
Câu hỏi và vấn đề cốt lõi, chuyên sâu: Vai trò của công nghệ trong giáo dục là gì? Công nghệ nên được sử dụng như thế nào cho việc dạy và học? Nó nên được sử dụng lúc nào? Những nhóm người học (phong cách học tập, lứa tuổi, mức độ khả năng, giới tính, vv) có thể được hưởng lợi ích gì từ những loại công nghệ nào? Công nghệ ảnh hưởng như thế nào và cách chúng ta dạy? Công nghệ ảnh hưởng đến lối sống của chúng ta và toàn bộ hệ thống giáo dục của chúng ta như thế nào? Chúng ta có nên xây dựng lại hệ thống giáo dục vì công nghệ không? Hệ thống giáo dục nên trông như thế nào trong vài năm tới vì những tiến bộ trong công nghệ hiện nay?
[1] UNCA: University of North Carolina at Asheville – Đại học Bắc California, cơ sở Asheville