Tựa Sách: FinnishED Leadership: Four Big, Inexpensive Ideas to Transform Education
Tác giả: Pasi Sahlberg
Năm xuất bản: 2017
Tạm dịch: Lãnh đạo Giáo dục theo phong cách Phần Lan: Bốn Ý Tưởng Lớn Nhưng Không Tốn Kém Nhằm Cải Cách Giáo Dục
Diệu Nguyễn giới thiệu
“Giáo dục là Trái tim của Xã hội.”[1]
Tôi luôn mượn ý này như câu nói mở đầu của bất kỳ bài chia sẻ nào về Giáo dục trước các em sinh viên, các thầy cô giáo, những người bạn hay bất kỳ ai quan tâm đến Giáo dục. Các cuộc tranh luận nóng bỏng gần đây quanh lĩnh vực thiết yếu này hiển nhiên là cần thiết và đáng khích lệ cho dù chính kiến của mỗi người có thể không gặp nhau. Nếu như chiến tranh, nhìn vào mặt tích cực, là dấu hiệu của sự tiến bộ xã hội thì tranh luận căng thẳng trên các phương tiện truyền thông đại chúng có phải là dấu hiệu ban sơ của sự tiến bộ giáo dục trong tương lai không? Nhằm góp một tiếng nói trong bức tranh cải cách giáo dục tại Việt Nam hiện nay, bài viết này giới thiệu cuốn sách thứ 2 của Pasi Sahlberg[2] liên quan tới hệ thống giáo dục tại quê hương của ông già Noel: FinnishED Leadership: Four Big, Inexpensive Ideas to Transform Education.
Cuốn sách hướng tới đối tượng là những nhà lãnh đạo và cải cách giáo dục. Đánh giá nội dung vỏn vẹn của 120 trang ấy, Howard Gardner[3] tán dương “Pasi Sahlberg, người đã giới thiệu hệ thống giáo dục đáng kinh ngạc của Phần Lan tới thế giới, đang phác họa 4 bài học hữu ích cho những nhà lãnh đạo giáo dục trên toàn cầu. Nội dung trình bày rõ ràng, lý lẽ vững chắc và giàu tính đàm thoại vừa bắt kịp xu thế thời đại lại vừa tạo ra sức ảnh hưởng mạnh mẽ.” Bốn bài học đó là:
1. Nghỉ giải lao thường xuyên và vận động thể chất là cần thiết cho học tập.
Thời gian là một nguồn lực có hạn. Nhiều thời gian hơn cho hoạt động này đồng nghĩa với giảm thời lượng của hoạt động khác. Trong khi đó, xã hội phổ biến một quan niệm cho rằng, một điều gì đó trong trường học không đem lại hiệu quả là bởi trường học chưa dành đủ thời gian vào đó. Theo lẽ đó, thời lượng cho các môn học sẽ tăng lên và thời gian nghỉ giải lao giảm đi. Những ngày học dài có thể có tác dụng nào đó nhưng hẳn nhiên sẽ không tạo ra những đứa trẻ hạnh phúc hơn… Vậy thì nghỉ giải lao có nên là điều bắt buộc trong trường học? Ở Phần Lan có một điều luật như thế. Cứ 45 phút học tập sẽ đi kèm sau đó 15 phút nghỉ giải lao (Nếu thời lượng tiết học dài hơn thì thời gian nghỉ cũng tăng theo). Ngoài ra, nhiều nghiên cứu tại Hoa Kỳ và thực tế tại Phần Lan chứng minh rằng vui chơi tự do ngoài trời và hoạt động thể chất có tác động tích cực tới sức khỏe và việc học của trẻ. Bằng cách đó, trẻ tha hồ vùng vẫy, chạy nhảy trong bầu không khí tươi mới trước khi bắt đầu một tiết học đòi hỏi tư duy và sự tập trung cao độ.
2. Các dữ liệu “nhỏ” có thể hiệu quả hơn dữ liệu “lớn” nếu muốn đạt được những thay đổi “lớn”.
Xu hướng Big Data đang ngày càng trở nên phổ biến trong giáo dục, đặc biệt tại Mỹ. Các nhà lãnh đạo đang ngày càng coi trọng việc tích lũy, lưu trữ, phân loại và sử dụng cũng như truyền thông về trường học, giáo viên và học sinh dựa trên các dữ liệu thông tin ngày một gia tăng. Loại thông tin này được gọi là “Big Data” (Dữ liệu “lớn”). Ngày nay, Big Data được dùng để dự báo cả những chỉ số về quá trình dạy và học, xu hướng thành tích của học sinh trong dài hạn. Không phủ nhận vai trò của Big Data, Sahlberg lập luận rằng những thông tin đó chỉ thuần túy dựa trên số liệu và do bị giới hạn bởi các chỉ tiêu định lượng, chúng không phản ánh các mối quan hệ hay các xúc cảm khuyến khích việc học. Big Data sẽ cung cấp các thông tin chung chung để từ đó, các nhà sư phạm điều chỉnh giải pháp phù hợp cho từng hoàn cảnh. Small Data là những thông tin chi tiết về học sinh, mô tả về các mối quan hệ hay từng vấn đề cụ thể; là những chi tiết nhỏ báo hiệu thay đổi “lớn”. Dạy và học tốt ở trường phải luôn luôn được duy trì bằng sự quan sát, đánh giá và phản ảnh cẩn thận, tỉ mỉ và có chủ đích của cả giáo viên và học sinh về những gì đang diễn ra hàng ngày.
3. Tăng cường sự công bằng trong giáo dục là một phần thiết yếu trong việc cải tiến chất lượng giáo dục.
Công bằng trong giáo dục mang hàm nghĩa không thiên vị và tăng cường sự hòa nhập. Cụ thể, hoàn cảnh cá nhân hay xã hội như giới tính, dân tộc, xuất thân… không được coi là trở ngại để học sinh phát huy tiềm năng của bản thân; và mọi trẻ em ở trường đều đạt mức kiến thức và kỹ năng cơ bản. Để thực hiện được điều đó, ở Phần Lan, trường học và giáo viên có quyền tự chủ tương đối khi xây dựng chương trình đào tạo và toàn bộ đội ngũ cán bộ nhân viên trường học luôn được tạo điều kiện để trau dồi năng lực chuyên môn. Một trường học xuất sắc là nơi mà thành tích của mỗi học sinh đều vượt xa kỳ vọng của bản thân. Tác giả bổ sung một quan điểm rằng: Cơ chế thị trường không giúp trường học tiến bộ, bởi vì khi giáo dục được tư nhân hóa, khách hàng và người cung cấp dịch vụ đều có nhiều sự lựa chọn, sự phân biệt và bất bình đẳng sẽ gia tăng như một bàn tay vô hình.
4. Hiểu đúng những bài học Giáo dục Phần Lan.
Chúng ta nghe nhiều tới giáo dục Phần Lan, tiêu biểu qua cuốn sách Bài học Phần Lan 2.0 được dịch sang Tiếng Việt vào năm 2016. Nhưng điểm lại số lượng bài viết, thông tin toàn diện, hệ thống bằng Tiếng Việt chưa có nhiều. Thông tin tiếp cận đến chúng ta manh mún. Tương tự, câu chuyện giáo dục Phần Lan được giới thiệu ở nhiều nơi, ngay cả Mỹ, nhưng phần đông người Mỹ cũng chưa thực sự hiểu trọn vẹn chiến lược của Phần Lan. Điển hình là khi nhắc đến Giáo dục Phần Lan, đại đa số sẽ hình dung ra một nền giáo dục “Không thi cử, không bài tập về nhà, nghề giáo được trả lương cao ngất ngưởng và nghề giáo là một nghề được trọng vọng…” Sự thật đúng, nhưng đúng trong văn cảnh và có giá trị tương đối. Cho nên nếu muốn áp dụng những ý tưởng của giáo dục Phần Lan, cần xem xét trong mối tương quan hệ thống với bối cảnh và các yếu tố xung quanh để áp dụng phù hợp. Tác giả tự tin rằng có rất nhiều chính sách và thực tiễn giáo dục tại Phần Lan nếu được thực hiện đủ và đúng, sẽ cải thiện đáng kể và lâu dài chất lượng và công bằng giáo dục tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Không chỉ đậm tính hàn lâm thông qua các dẫn chứng và lập luận thuyết phục, FinnishED Leadership dẫn dắt người đọc theo dòng tự sự của một đoạn đối thoại sống động giữa tác giả và những nhà chức trách Hoa Kỳ, và lồng ghép trong đó các thông tin giá trị để bất kỳ ai cũng đón nhận chúng bằng một tâm thế nhẹ nhàng. Pasi Sahlberg cài cắm trong mỗi lời tự sự một sự thật về giáo dục Phần Lan trong tương quan với hệ thống giáo dục của nước Mỹ vĩ đại. Theo mạch câu chuyện, rất nhiều học thuyết, mô hình, ý tưởng giáo dục đang được triển khai tại Phần Lan có nguồn gốc hay được khởi nguồn từ nước Mỹ và bởi những nhà sư phạm/học giả Hoa Kỳ. Trong đó phải kể tới những tên tuổi như Howard Gardner, John Dewey, Elizabeth Cohen, Robert Slavin hay Bruce Joyce.
Liệu những ý tưởng này có thể được áp dụng tại Việt Nam và nếu có thể, sẽ áp dụng đến đâu hay điều chỉnh như thế nào? Câu hỏi này xin để mở nhằm đón nhận chia sẻ và phản hồi của đọc giả Dạy & Học số ra thứ 3, đặc biệt sau khi bạn đọc đã nghiền ngẫm đủ sâu cuốn sách trên của Pasi Sahlberg.
Cải cách giáo dục là một tiến trình lâu dài. Thành công không đong đếm bởi thước đo ngày, tháng, hay thậm chí năm. Vội vàng cải cách đồng nghĩa với phá hủy chính những cải cách đó!.
[1] Bản gốc “Education is the Heart of Society” – Một ý giới thiệu về Giáo dục Phần Lan trên các website chính thống của quốc gia này.
[2] Pasi Sahlberg (1959 – ): Hiện là Giáo sư về Chính sách Giáo dục tại Viện Giáo dục Gonski (University of New South Wales, Úc), Nguyên Giáo sư thỉnh giảng tại ĐH Harvard, Giám đốc Tổ chức Hợp tác và Di chuyển Quốc tế (CIMO) thuộc Bộ Văn hóa và Giáo dục Phần Lan. Ông là tác giả quả cuốn sách nổi tiếng Bài học Phần Lan 2.0 (Finnish Lesson 2.0). Tìm hiểu thêm tại https://pasisahlberg.com/
[3] Howard Gardner (1943 – ): Là một trong những nhà nghiên cứu giáo dục lỗi lạc đương đại. Ông là Giáo sư về Nhận thức và Giáo dục tại ĐH Harvard và được biết đến rộng rãi tại Việt Nam là cha đẻ của Thuyết đa trí thông minh. Tìm hiểu thêm tại https://howardgardner.com/